Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Dịch kéo Vietravel lùi lại 14 năm và phải mất 4 năm nữa mới "khỏe hẳn"
Chỉ 4 đợt dịch đã kéo Vietravel lùi lại 14 năm phát triển, nhưng không vì thế mà chùn chân, mỏi gối. Dù khó khăn chồng chất nhưng chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần và xây dựng kế hoạch từng bước phục hồi. Việc 14 năm lùi lại, cũng có nghĩa phải mất 4 đến 5 năm sắp tới để quay trở lại...
Covid-19 thật kinh khủng với hầu hết các ngành nghề kinh tế, tuy nhiên với riêng du lịch thì phải dùng câu "tàn nhẫn" dường như mới lột tả được hết đau thương mà doanh nghiệp ngành du lịch, hàng không phải gánh chịu trong suốt gần 2 năm vừa qua. Số liệu thống kê từ Tổng cục thống kê cho thấy, tăng trưởng nhóm dịch vụ đã âm 8,57% trong quý 3/2021. Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm trong cả năm 2021. Năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 157,3 nghìn lượt người , giảm 95,9% so với năm trước và giảm 99,1% so với năm 2019, trong đó chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Bước sang năm 2022, tình hình đã bắt đầu khởi sắc hơn khi tâm lý an tâm của người dân nhờ dịch bệnh dần được kiểm soát, tỷ lệ tiêm chủng vaccine bao phủ toàn dân cao. Hoạt động du lịch sôi động khắp ba miền Bắc, Trung, Nam dịp Tết Nguyên đán đã mang lại tín hiệu tích cực hơn, hứa hẹn một năm phục hồi cho các doanh nghiệp ngành du lịch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã chuẩn bị những gì để sẵn sàng bật dậy sau cơn khủng hoảng?
VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Kỳ Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings xung quanh câu chuyện khó khăn của doanh nghiệp ngành du lịch và triển vọng năm 2022.
4 ĐỢT DỊCH ĐÃ KÉO VIETRAVEL LÙI LẠI 14 NĂM PHÁT TRIỂN
Sau 2 năm gần như đóng băng vì Covid-19, Vietravel còn lại những gì thưa ông?
Có thể nói trong thời gian qua các đơn vị kinh doanh trong 2 ngành Du lịch và Hàng không nói chung và Vietravel nói riêng đã và đang trải qua “giai đoạn khủng hoảng” chưa từng có. Riêng Vietravel kinh doanh ở cả 2 lĩnh vực này khi mà Du lịch “đóng băng”, còn máy bay vừa về đã phải ngưng bay nhiều tháng liền. Năm 2019, Vietravel phục vụ gần 1 triệu lượt khách, doanh thu xấp xỉ 7.000 tỉ đồng. Năm 2020 chỉ 350.000 khách, doanh thu 1.600 tỉ đồng so với năm 2019. Và đến năm 2021, dự kiến chỉ khoảng 10% so với năm 2019.
Nói tóm lại chỉ 4 đợt dịch đã kéo Vietravel lùi lại 14 năm phát triển, nhưng không vì thế mà chùn chân, mỏi gối. Dù khó khăn chồng chất nhưng chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần và xây dựng kế hoạch từng bước phục hồi. Việc 14 năm lùi lại, cũng có nghĩa phải mất 4 đến 5 năm sắp tới để quay trở lại.
Chúng tôi cũng đã hoạch định kế hoạch giai đoạn từ 2021-2025, 2025-2030 cho Vietravel cũng như Vietravel Airlines. Đôi lúc chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu mình là người tiên phong, nghĩa là người phải đối đầu với hiểm nguy, giông bão, khó khăn. Tôi xem đó là sứ mệnh của mình trong ngành du lịch Việt Nam nói chung, cũng như ngành lữ hành Việt Nam nói riêng. Tôi luôn đặt ra mục tiêu cao nhất cho mình để phấn đấu, vươn tới. Trong những lần viết thư khích lệ đội ngũ cán bộ nhân viên, tôi thường hay nói với các nhân viên mình chúng ta là những chiến binh Vietravel, chúng ta phải giữ vững tinh thần chiến binh, tự tin, bản lĩnh và lòng quả cảm để vượt qua mọi khó khăn.
Covid-19 thật kinh khủng với hầu hết các ngành nghề kinh tế, tuy nhiên với riêng du lịch thì phải dùng câu "tàn nhẫn" dường như mới lột tả được hết đau thương mà doanh nghiệp ngành du lịch, hàng không phải gánh chịu. Nếu để nhìn lại, thì đâu là khó khăn, tổn thất lớn nhất gây đau thương nhất mà ông không thể nào quên trong cuộc đời với Vietravel?
Nói đến kinh doanh thì việc đối diện thường trực với khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, có thể nói từ trước tới nay, Vietravel luôn vươn lên, trưởng thành từ những khó khăn gian nan, vất vả chứ không phải sinh ra ngay vạch đích. Với những người bi quan, họ luôn tìm thấy cái tiêu cực trong điều tích cực, và những người tích cực luôn tìm thấy những điều tích cực trong cái tiêu cực.
Vietravel luôn xem những khó khăn này là thách thức cần phải vượt qua, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ phải bỏ cuộc. Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng, trong cái khó khăn phải tìm được cái ít khó khăn hơn, phải tìm hướng thoát được cái khó khăn, đó là truyền thống của Vietravel.
Đối với Công ty, khoảng lặng trong thời gian giãn cách xã hội cũng chính là thời gian vàng để Công ty tái cấu trúc một cách mạnh mẽ theo mô hình Holdings theo chiến lược phát triển đã được đề ra.
Ngày 28/7/2021 Công ty Cổ phần Vietravel Holdings (Tập đoàn Vietravel) đã chính thức được thành lập. Ngày 26/11/2021 Vietravel Airlines chuyển đổi thành công ty cổ phần, đồng thời thực hiện tăng vốn từ 700 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng, trước khi Vietravel Holdings trở thành công ty mẹ, chi phối hoạt động của Vietravel Holidays và Vietravel Airlines. Đây là những bước đi đầu tiên, đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh và mở rộng hệ sinh thái của Vietravel để thương hiệu Vietravel phát triển lên một tầm cao mới.
Ông từng trải lòng với bạn đọc của VnEconomy rằng rất có lỗi khi không có tiền trả lương cho nhân viên đến giờ mọi thứ đã êm xuôi hơn chưa? Vietravel đã làm gì để giữ được thu nhập và ổn định đời sống của cán bộ nhân viên trong suốt thời gian qua và dịp Tết Nguyên đán từ đó giữ chân được nhân viên chuẩn bị cho sự hồi phục phát triển sắp tới?
Chúng tôi phân chia năm 2021 thành 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn mà chúng tôi gọi là có thể hoạt động được và giai đoạn thứ hai là giai đoạn giãn cách xã hội hoàn toàn.
Giai đoạn hoạt động được thì bắt đầu từ tháng 1 cho đến hết tháng 4 và bắt đầu từ tháng 10 cho đến tháng 12. Tính chung là năm nay các đơn vị hoạt động khoảng 6 tháng và đóng cửa hoàn toàn khoảng 6 tháng. Trong các tháng hoạt động, Vietravel cũng đã triển khai các hình thức như: nhận chở hàng hóa (bay cargo); bán vé hồi hương cho chuyên gia, công dân về Việt Nam; làm dịch vụ visa cho người lao động, du học sinh đi nước ngoài; cung cấp xe riêng phục vụ chuyên chở trong mùa dịch…
Ngoài du lịch, Vietravel còn mở rộng thêm một số ngành trong hệ sinh thái kinh doanh của mình. Trong đó chúng tôi tập trung phát triển hệ thống dịch vụ, cung ứng nhu cầu sống và nhu cầu sinh hoạt của mọi người. Ví dụ như với dịch vụ Vietravel Shop - một dạng siêu thị online chuyên bán về trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng …để phục vụ cho người dân nói chung và khách hàng của công ty nói riêng vì Vietravel có khoảng một triệu khách hàng thân thiết.
Ngoài ra, chúng tôi còn sở hữu công ty xuất nhập khẩu và phát triển văn hóa - CDimex chuyên về mảng văn hóa phẩm, sách báo ngoại văn phục vụ cho các trung tâm dạy ngoại ngữ, trường học… Đây nhằm đáp ứng nhu cầu về giáo dục của người dân.
DU LỊCH SẼ HỒI PHỤC DẦN VÀO HÈ NĂM 2022
Covid có vẻ như đã dịu hơn rất nhiều và Chính phủ cũng đã có kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế, tăng tần suất nội địa thu hút khách du lịch trong năm tới, Vietravel đã chuẩn bị gì để sẵn sàng hồi phục tăng trưởng vào năm 2022 chưa?
Với những nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa cuộc sống người dân bước vào giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dich Covid-19” vào cuối năm 2021, Vietravel Holdings cùng các công ty thành viên đã nhanh chóng khởi động lại các hoạt động du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương, mở lại các chuyến bay thương mại bằng sự kiện “Trở lại bầu trời” của Vietravel Airlines.
Vietravel đã tham gia các công tác xúc tiến du lịch tại các tỉnh, thành như: Hà Giang & các tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng, Quảng Ninh - Hà Nội - Ninh Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Tây Ninh, ĐBSCL…Gần đây nhất, Công ty tiến hành ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với tập đoàn Hưng Thịnh, và UBND tỉnh Tuyên Quang; gặp gỡ trực tiếp đại diện Tổng cục Du lịch Nhật Bản, Thái Lan và Philippines… để bàn thảo về kế hoạch xúc tiến đẩy mạnh lại thị trường Outbound.
Vietravel không ngừng nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và có những bước đi phù hợp theo từng giai đoạn: rã đông, khởi động, tăng tốc, và về đích được trong bối cảnh hiện nay. Với lợi thế là Công ty lữ hành sở hữu hàng hàng không riêng, cùng những tín hiệu khả quan từ ngành Du lịch trong nước và thế giới, Vietravel kỳ vọng Du lịch sẽ phục hồi dần vào khoảng giai đoạn Hè 2022.
Ông có kiến nghị, đề xuất gì để ngành du lịch thực sự đúng vai trò trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần lớn vào tăng trưởng GDP năm 2022?
Du lịch được xem ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đến 10% GDP của cả nước. Để giữ vững và duy trì ngành kinh tế mũi nhọn như thế thì Đảng và Nhà nước cần có một kế hoạch tổng thể về chiến lược giữ du lịch và hồi phục du lịch trở lại. Chính sách của Đảng và Nhà nước cần có sự đồng bộ, thống nhất và đặc biệt là không được mỗi nơi ra một kiểu chính sách. Nó sẽ gây khó cho các đơn vị kinh doanh du lịch. Đồng thời, các chính sách phải nhanh chóng, kịp thời. Hiện nay, chúng ta đưa ra rất nhiều chính sách, nhưng nếu không thực hiện một cách triệt để ngành du lịch cũng rất khó mà phục hồi trở lại.
Vietravel cũng đã kiến nghị nhiều lần những chính sách về tài khóa, tài chính, ưu đãi hoàn, miễn giảm thuế … cũng như phục hồi hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch vì nếu hệ thống hạ tầng mà không mở thì du lịch có mở ra cũng không giải quyết được vấn đề.
Ví dụ chúng ta nói rằng đi Phú Quốc, chúng ta mở hàng không, cho đi lại nhưng hệ thống dịch vụ hạ tầng của Phú Quốc không mở thì khách đến đó thì không biết làm gì ngoài việc ngồi trong khách sạn. Vì mục đích của đi du lịch là mong muốn thỏa mãn cái nhu cầu tìm hiểu và tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ tại địa phương. Do đó, để du lịch thực sự mở thì phải mở đồng bộ các ngành nghề liên quan như giao thông, hạ tầng dịch vụ phục vụ…