18:52 31/08/2021

“Online hóa” tối ưu tiện ích, kết nối nông sản đến người tiêu dùng

Chu Khôi

Tính đến ngày 31/8/2021, Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết nối được 1.344 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thủy sản, các sản phẩm chế biến...

Đóng gói Combo nông sản
Đóng gói Combo nông sản

"Thị trường chỉ đáp ứng được, khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh như vậy tại diễn đàn trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thích ứng với tình hình mới, ngày 31/8/2021.

MỖI NGÀY, GẦN 50 NGÀN GÓI COMBO ĐẾN NGƯỜI TIÊU DÙNG

Với trang web đặt hàng là https://htx.cooplink.com.vn, với gói combo 10kg nông sản, Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giúp bán hàng đến tận từng hộ dân ở TP.HCM và Bình Dương.

Trong 2 tuần đầu triển khai, lượng nông sản người dân đặt trung bình mỗi ngày là 300-400 tấn. Riêng trong sáng 31/8 đã có 43.000 gói combo được đặt và giao tới TP. HCM, Bình Dương. Khi cao điểm, có tới 55.000 lượt đặt hàng chỉ trong vòng 10 phút.

Tuy nhiên, số lượng đặt hàng hiện vẫn thấp hơn nhiều so với năng lực cung ứng của 1.344 đầu mối. Tính toán về năng lực, gói combo nông sản của Tổ công tác 970 có thể cung cấp 55% lượng nông sản đến TP.HCM, Bình Dương, với sản lượng khoảng 2.100 tấn.

 
Sàn thương mại Saigon Co-op đã tiếp xúc được với 47 điểm cầu, 1.344 điểm kết nối, thu mua hàng nghìn tấn nông sản. Các hoạt động như chương trình liên quan đến sản phẩm OCOP, tỷ trọng đang nâng dần từ 2,7% lên 5,6%, với đầu mối là các hợp tác xã thực hiện OCOP từ địa phương.

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Central Group chia sẻ, từ gợi ý của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Central Group đã phối hợp với Tổ công tác 970 hỗ trợ tiêu thụ hàng chục nghìn gói combo nông sản đến những người dân tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Bên cạnh đó, Tập đoàn Central Group có 13 điểm siêu thị tại 3 tỉnh, thành phía Nam.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương, người dân để gom các đơn hàng và tổ chức giao hàng hoá phục vụ người dân trong thời gian nhanh và đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt”, ông Lê cam kết.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co-op), đơn vị này đang được hưởng lợi nhiều từ các chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Tổ công tác 970.

Ông Đức cho biết Saigon Co-op đã có mặt tại 47/63 tỉnh thành và sẽ tăng cường kết nối với nguồn nông sản của từng địa phương. Hiện Saigon Co-op đang thực hiện nhiều kênh bán hàng khác nhau, phù hợp với xu thế, tình hình dịch bệnh. Ngoài sàn điện tử, còn có gói mua chung, đi chợ hộ. Những trung tâm cung ứng sẽ hình thành sàn nông sản, phát triển theo hướng online hóa.

TỐI ƯU TIỆN ÍCH CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM, từ ngày 23/8, TP.HCM đã triển khai siết chặt giãn cách xã hội trong 15 ngày. Do đó nhiều hệ thống thương mại gặp khó khăn, thiếu nguồn nhân lực để duy trì hoạt động cung ứng nông sản.

Chương trình “đi chợ hộ” được triển khai với sự tham gia của nhiều lực lượng: quân đội, công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền cấp cơ sở.

Tuy vậy, số lượng các đơn đặt hàng từ người dân vẫn còn thấp so với năng lực cung ứng của các đối tác, trong khi nhiều người dân phản ánh rằng chưa tiếp cận được với chương trình “đi chợ hộ”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó là thiếu thông tin, thiếu không gian để tương tác, kết nối giữa người sản xuất, người mua và bán. Nguyên nhân nữa là mạng, giao diện đặt hàng online chưa đáp ứng được với số lượng đặt hàng lớn, cần phải cải tiến nâng cấp.  

Trước thực tế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, cần phải tăng cường nâng cấp hệ thống đăng ký mua bán online, đẩy mạnh triển khai việc kết hợp với các ứng dụng giao hàng trực tuyến. Phải thành lập các kho trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc điều phối các gói cung ứng.

Vì hiện nay, hàng cung ứng được tập trung chỉ ở một vài địa điểm, nên hay xảy ra quá tải trong giao nhận hàng của lực lượng “đi chợ hộ”, trong khi khoảng cách đưa hàng đến nhà dân quá xa, khiến lãng phí thời gian và nhân lực giao hàng.

 
"Hiện một số đơn vị thương mại trên nền tảng số như Lazada, Chợ tốt… đã liên hệ, cam kết đóng góp nền tảng số, công nghệ cho các HTX, doanh nghiệp, giúp người bán đăng ký các kho hàng để đưa nông sản từ hợp tác xã về TP.HCM".
Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tổ công tác 970 đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thí điểm chương trình sản xuất nông nghiệp tốt cho người mua, dựa trên ghi chép nhật ký điện tử sản xuất. Từ đó, giao cho các siêu thị lớn, giúp bên mua có thể nắm rõ quy trình sản xuất, và lấy cơ sở để xây dựng mã số vùng trồng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nhận định trong tương lai, ngành nông nghiệp sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức do chuỗi cung ứng sẽ gãy đổ vì mất chỗ dựa, thiếu nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào, từ đó dẫn đến ngưng sản xuất hoặc sản xuất thiếu chất lượng.

Vì vậy, thiết lập sàn thương mại điện tử nông sản, các chợ thương mại điện tử, kết nối mọi nhà sản xuất cung ứng nông sản đến người tiêu dùng là cần thiết. Tổ Điều hành chương trình này cần chia sẻ dữ liệu trực tuyến, trong đó có dữ liệu người mua, dữ liệu người bán, khối lượng, sản lượng để làm sao có càng đông người bán, càng đông người mua đến với nhau.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Tôi nhớ lần đầu tiên ra Hà Nội, thấy rất xa. Bây giờ ngồi tại Thủ đô, trái tim của cả nước, nói trực tiếp với 63 đầu cầu lại thấy rất gần. Nói vậy để thấy công nghệ giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, cùng nhau tìm hướng đi. Công nghệ 4.0 kết nối người với vật được, vậy tại sao không kết nối trái xoài, trái chuối, kết nối ngành nông nghiệp?".

Thông qua diễn đàn này, nhà vườn, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật thị trường, tín hiệu thị trường để tìm cách đáp ứng. Ngày xưa chúng ta bán cái mình có, bây giờ chúng ta bán cái thị trường cần. Các trung tâm tiêu thụ nông sản sẽ phát đi tín hiệu, từ đó kích thích người nông dân xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi, nắm chắc thị trường 100 triệu dân trong nước, rồi mở rộng ra nước ngoài.

“Thị trường chỉ đáp ứng được khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung. Chúng ta cần thẩm thấu câu chuyện đơn giản này, để ban chỉ đạo phát triển thị trường, xúc tiến thị trường đưa ra những quyết sách phù hợp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.