Orlando trở thành điểm đến gây thất vọng nhất năm 2022
Trong thời đại công nghệ số, mọi thông tin du lịch có thể dễ dàng tìm kiếm được trên Internet. Ở đó, hình ảnh và đánh giá về đồ ăn, khung cảnh, thời tiết… của các địa điểm đều được chia sẻ cụ thể…
Theo một cuộc khảo sát gần đây được nguyệt san chuyên đề Géo Voyage (Pháp) trích dẫn, cứ trên 10 bạn trẻ ở độ tuổi 18 - 25, có đến 6 người thường xuyên tham khảo các mạng xã hội trước khi chọn điểm đến du lịch trong các kỳ nghỉ sắp tới. Mạng xã hội cũng ảnh hưởng khá mạnh đến thành phần du khách ở độ tuổi 26 - 40, vì 45% người tại các nước Âu - Mỹ cũng thích xem các mạng xã hội, để rồi từ đó chọn ra các điểm đi chơi.
Nhìn chung, theo tạp chí Géo Voyage, khoảng 1/3 du khách ở mọi lứa tuổi, thường dùng các mạng xã hội để tìm cảm hứng cho các kỳ nghỉ ngắn ngày cũng như các chuyến đi chơi xa. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng là những cảm nhận riêng về điểm đến du lịch thường ít khi được ghi trong sách hướng dẫn, cũng như những kinh nghiệm được các nhóm có cùng sở thích, chia sẻ trao đổi trên mạng xã hội.
Theo khảo sát gần đây, chỉ riêng trên ứng dụng TikTok, các nội dung có gắn hashtag "du lịch" thu hút gần 75 tỷ lượt xem. Trên mạng Instagram, hiện có tới khoảng 624 triệu bài đăng với từ khóa ''du lịch''. Còn trên mạng Facebook theo trang thông tin L'Écho Touristique của Pháp, các chuyên trang như ''Paris Je t'aime'', hoặc ''Géo France'' tạo ra hàng chục triệu lượt tương tác liên quan đến các điểm tham quan thú vị nhất.
Chính cũng nhờ vào các bức ảnh chụp đăng trên Instagram mà cộng đồng mạng đã ngẫu nhiên bình chọn New York làm thành phố ''ăn ảnh'' nhất trên thế giới trong năm vừa qua. Trên bảng xếp hạng, Paris đứng hạng 3, Melbourne hạng 8, Roma hạng 9, Vienna hạng 16, Praha hạng 17. Các thành phố châu Á đầu tiên lọt vào danh sách này là Seoul hạng 6 và Kyoto hạng 13.
Tuy nhiên, theo Euronews, bên cạnh những ưu thế nói trên, vẫn còn một số điều bất cập mà khách du lịch cần nên lưu ý. Trên các mạng xã hội, do đó là ''không gian ảo'', nên có khá nhiều video hay ảnh chụp du lịch lại thiếu thực tế, hoặc chỉ phản ánh một góc chứ không giúp cho du khách có một cái nhìn toàn diện về điểm đến. Không những thế, đa số các bức ảnh đăng trên Instagram hay Facebook có thêm nhiều filter, giúp cho ảnh chụp thêm nhiều màu sắc lộng lẫy. Độ chỉnh sửa càng cao, ảnh chụp càng xa rời thực tế.
Thay vì phải chi khá nhiều tiền vào các đợt tiếp thị thông qua các kênh truyền thông, một số quốc gia trên thế giới đang khai thác triệt để các mạng xã hội để dễ nhắm trúng các đối tượng mà các sở du lịch muốn vươn tới. Trước tình hình đó, trang mạng Radical Storage có trụ sở tại Vương quốc Anh mới đây đã quyết định phân tích 826.000 đánh giá trên TripAdvisor ở 100 thành phố được du khách ghé thăm nhiều nhất trên thế giới để tìm ra thành phố nào gây thất vọng nhất năm 2022.
Theo đó, thủ đô nước Pháp đã bị thành phố Orlando của Mỹ đánh bật khỏi vị trí đầu bảng năm nay. Đánh giá của Radical Storage cho thấy Orlando có số lượng phàn nàn cao nhất, du khách cảm thấy thành phố không mang lại điều kỳ diệu mà họ mong đợi. Trong số hơn 9.000 đánh giá, cứ 5 khách du lịch thì có gần 1 người cho biết họ cảm thấy bị sốc và thất vọng như thế nào về chuyến thăm Orlando.
Theo báo cáo của The Daily Mail, hơn 19% du khách đã để lại nhận xét tiêu cực về Orlando trong các bài đánh giá của họ trên trang web. Hầu hết các khiếu nại thường đề cập đến việc tăng giá tại các công viên giải trí và những đám đông ồn ào. Các bài đánh giá về Orlando cũng có số lượng từ như "khủng khiếp" và "đáng thất vọng" cao nhất, với 7,4% bài đánh giá bao gồm các mô tả như vậy.
Xếp ở vị trí thứ hai là thủ đô Jakarta của Indonesia, tiếp theo là điểm nóng tiệc tùng Thái Lan Pattaya. Praha cũng gây ấn tượng mạnh nhất khi có tới 3,9% tổng số bài đánh giá đề cập đến trải nghiệm không tốt ở thủ đô của Cộng hòa Séc. Theo sát ngay sau đó là cái tên quen thuộc, Paris. Singapore là điểm đến tiếp theo được nhiều du khách cho rằng các thắng cảnh ở đây không tương xứng với giá vé. Bên cạnh đó, Marrakech ở Morroco chiếm tới hơn 1/10 tổng số bài đánh giá đề cập đến những hành vi lừa đảo du khách diễn ra ở thành phố này.
Ở chiều ngược lại, ba điểm đến hàng đầu trong danh sách “vượt ngoài mong đợi” của du khách đều thuộc về các thành phố châu Âu không giáp biển là Budapest, Brussels và Zurich. Những du khách đến Budapest đều vô cùng ấn tượng với kiến trúc tuyệt đẹp cùng những dòng sông uốn khúc quanh thành phố. Hơn 96% các bài đánh giá mà nghiên cứu xem xét đều có nhận xét tích cực về thành phố này. Brussels và Zurich cũng có rất nhiều điểm khiến du khách ngạc nhiên. Còn thành phố Penang ở Malaysia là nơi khách du lịch cảm thấy “đặc biệt thú vị”.
Trong việc tận dụng khai thác công nghệ mới để quảng bá các điểm đến, rõ ràng là các mạng xã hội đã giúp cho ngành du lịch thu hút được thêm nhiều khách hàng. Thế nhưng, nếu chỉ đơn thuần dựa vào mạng xã hội để chọn các điểm tham quan, hay để chuẩn bị cho các kỳ đi chơi xa thì e rằng vẫn chưa đủ. Du khách giờ đây cần phải tìm thêm nhiều nguồn thông tin khác hầu phân biệt thực và ảo, để rồi từ đó lựa chọn đúng đắn một điểm đến sao cho gần sát nhất với sở thích của riêng mình.