Pfizer và Moderna có thể “hốt bạc” từ mũi tiêm nhắc lại vaccine Covid-19
Các hãng dược phẩm Pfizer, BioNTech và Moderna có thể thu về hàng tỷ USD từ mũi tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 từ một thị trường có thể ngang ngửa thị trường vaccine cúm mùa với doanh thu 6 tỷ USD mỗi năm - theo hãng tin Reuters...
Từ mấy tháng qua, các nhà sản xuất này đã nói rằng những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid của họ sẽ cần thêm một mũi tiêm tăng cường để duy trì sự bảo vệ và ngăn ngừa các biến chủng mới của virus. Giờ đây, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Chile, Đức và Israel đã quyết định cho người lớn tuổi hoặc người có hệ miễn dịch yếu tiêm nhắc lại vaccine Covid, trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan nhanh.
Vào hôm thứ Năm vừa rồi, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê chuẩn mũi tiêm nhắc lại vaccine Pfizer và Moderna đối với những người có hệ miễn dịch yếu.
Bộ đôi nhà sản xuất Pfizer/BioNTech và Moderna dự kiến đạt tổng doanh thu hơn 60 tỷ USD từ vaccine Covid trong năm 2021 và 2022. Những hợp đồng đã ký kết bao gồm vaccine dành cho hai mũi tiêm đầu tiên, cộng thêm vaccine chuẩn bị cho khả năng tiêm mũi nhắc lại ở các nước giàu.
Dự báo về năm 2023, các nhà phân tích cho rằng Pfizer/BioNTech sẽ thu 6,6 tỷ USD và Moderna thu 7,6 tỷ USD từ bán vaccine Covid, mà chủ yếu là mũi tiêm nhắc lại. Sau đó, thị trường vaccine Covid sẽ có doanh thu dao động quanh ngưỡng 5 tỷ USD mỗi năm hoặc hơn, và sẽ có thêm các hãng dược khác cạnh tranh.
Pfizer và Moderna nói rằng có bằng chứng cho thấy mức kháng thể giảm xuống ở những người đã tiêm đủ vaccine được 6 tháng, cũng như sự gia tăng của những ca nhiễm đột phá (đã tiêm đủ vaccine vẫn mắc Covid) ở những quốc gia có biến chủng Delta lây lan nhanh. Họ lập luận rằng điều đó cho thấy sự cần thiết của việc tiêm nhắc lại.
Một số dữ liệu ban đầu cho thấy vaccine Moderna có thể có tác dụng bền hơn vaccine Pfizer, do liều cao hơn. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để xác định xem tác dụng của vaccine có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như sức khoẻ nền hay tuổi tác của người tiêm.
Bởi vậy, chưa thể xác định được những đối tượng nào cần được tiêm nhắc lại, và nhắc lại với tần suất như thế nào. Giới khoa học vẫn đang đặt câu hỏi liệu tiêm nhắc lại có cần thiết, đặc biệt đối với những người trẻ, khoẻ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề nghị các chính phủ hoãn tiêm nhắc lại để nhường vaccine cho những người trên thế giới còn chưa được tiêm mũi đầu tiên.
Nếu việc tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 là cần thiết cho tất cả mọi người, thị trường mũi tiêm này sẽ có quy mô tương tự như thị trường vaccine cúm, với hơn 600 triệu liều được tiêu thụ hàng năm. Tại các nước phát triển, tỷ lệ tiêm vaccine cúm chiếm khoảng 50% dân số.
Vaccine cúm có giá khoảng 18-25 USD/liều, theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, và sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất giúp kiềm chế sự tăng giá. Năm 2021, giá vaccine cúm ở Mỹ tăng khoảng 4-5%.
Pfizer/BioNTech và Moderna có thể có sức mạnh lớn hơn khi ra giá vaccine Covid tiêm nhắc lại, ít nhất ở giai đoạn đầu. Lúc đầu, Pfizer đưa ra mức giá 19,5 USD mỗi liều vaccine Covid ở Mỹ và 19,5 Euro ở châu Âu, nhưng sau đó đã tăng giá tương ứng 24% và 25% tại hai thị trường này.
AstraZeneca và Johnson & Johnson đều đang thu thập dữ liệu để đánh giá về một mũi tiêm nhắc lại của mỗi hãng. Các vaccine khác như Novavax, Curevax và Sanofi cũng có thể được dùng để tiêm nhắc lại, nhưng các vaccine này đều chưa nhận được sự phê chuẩn của cơ quan chức năng. Thị trường càng có nhiều nhà cung cấp thì mức giá sẽ càng cạnh tranh.
Ngoài ra, cũng chưa rõ việc tiêm nhắc lại sẽ được triển khai như thế nào ở Mỹ. Vẫn có khả năng mũi tiêm nhắc lại là một vaccine khác với hai mũi tiêm ban đầu. Nhà chức trách Mỹ đang thử nghiệm chế độ tiêm tăng cường bằng một vaccine khác, và nhiều quốc gia cũng đã áp dụng các tiêm kết hợp vaccine và cho thấy không có vấn đề gì với cách làm như vậy.
Một yếu tố khác có thể kiềm chế sự tăng giá của mũi tiêm nhắc lại là Chính phủ Mỹ tiếp tục chi trả cho tất cả các mũi tiêm vaccine Covid ở nước này, thay vì để việc này cho các công ty bảo hiểm y tế tư nhân. Trong trường hợp đó, Chính phủ Mỹ có thể đàm phán giá vaccine trực tiếp với nhà sản xuất, và có thể dùng sức mạnh của một khách hàng lớn để ngăn sự tăng giá.