Phá lúa, trồng đay và… trắng tay
Nhà máy bội tín, nông dân trắng tay, chuyện không mới nhưng vẫn đang gây nhiều bức xúc ở Long An
Nhà máy Bột giấy Phương Nam được nông dân Long An gọi là "siêu dự án". Hiện nay nguy cơ phá sản của nhà máy này là rất lớn nếu không được “cấp cứu” kịp thời.
Năm 2003, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An phê duyệt dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải Tracodi, thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, với số vốn gần 1.900 tỷ đồng. Tháng 3/2006 dự án mới được khởi công tại ấp Bà Luông, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Theo lời "quảng cáo" của chủ đầu tư, đây là nhà máy có công nghệ tiên tiến nhất nước, sản xuất bột làm giấy trắng tương đương tiêu chuẩn EU, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Dự án sẽ chuyển khoảng 20.000 ha lúa năng suất thấp sang trồng đay nguyên liệu, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương. Tại lễ khởi công, Ban quản lý dự án tuyên bố nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 8/2007.
40 tỷ đồng "đội nón ra đi"
Trước những lời hứa chắc như "đinh đóng cột" của lãnh đạo nhà máy, năm 2007 tỉnh Long An đã vận động nông dân ba huyện vùng Đồng Tháp Mười là Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa xây dựng vùng nguyên liệu, trồng đay bán cho nhà máy.
Phương thức canh tác một vụ lúa đông xuân, một vụ đay hè thu được nông dân tích cực hưởng ứng. Phía nhà máy cũng cử cán bộ kỹ thuật xuống gặp gỡ nông dân tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trồng đay và không quên vẽ ra viễn cảnh trước mắt nhà nông, rằng nếu trồng đay đúng kỹ thuật thì sẽ lãi lớn.
Và thế là nông dân ào ạt phá lúa trồng đay. Năm 2006 diện tích đay ở ba huyện chỉ có khoảng 2.000 ha, năm 2007 tăng vọt lên gần 9.000 ha. Song người trồng đay mừng chưa kịp vui thì đã được chính quyền cấp báo dự án chưa hoàn thành. Nhà máy làm bể hợp đồng, dân kêu trời. "Ông" nhà máy cũng chỉ cử người xuống mua gom chiếu lệ, gọi là cho có.
Không biết tiêu thụ ở đâu, hàng ngàn hộ dân ở ba huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa ùn ùn kéo hàng ngàn tấn đay tươi ra sông Vàm Cỏ Tây ngâm lấy sợi. Hậu quả, con sông này phải gồng mình chịu trận mấy tháng trời, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.
Nhưng đay sợi bán cũng không xong. Phải bán đổ, bán tháo khỏi trắng tay, nhưng một khối lượng lớn đay sợi khô vẫn tồn đọng trong nhà dân. Thương lái thừa cơ ép giá, đay tốt loại 1 chỉ còn 3.000 - 3.500 đồng/kg, giá chưa bằng 1/2 so với năm 2006, còn đay loại 2 mời họ cũng không thèm mua. Dân lỗ, nhà nào cũng ôm nợ đầm đìa, cho tới giờ trả chưa xong.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thạnh Phước (Thạnh Hóa), xã có diện tích trồng đay chuyên canh lớn nhất tỉnh Long An, cho biết: năm 2006 cả xã trồng chưa đến 1.000 ha, năm 2007 nghe theo lời hứa hẹn của nhà máy và chính quyền địa phương diện tích đay tăng vọt lên 3.500 ha.
Vào mùa thu hoạch, nhà máy làm xuống ký hợp đồng với mấy hộ nông dân mua được 100 ha, với giá 250 đồng/kg đay loại tốt; 220 đồng/kg đay loại 2 (bán tại nhà máy). Cả xã có gần 123.000 tấn đay nguyên liệu, nhà máy chỉ mua được 3.500 tấn (trên 2%).
Tính ra, với chi phí đầu tư khoảng 12 triệu đồng/ha, năng suất rất thấp, bình quân chỉ đạt 25 tấn/ha (bằng 50% con số nhà máy đưa ra thuyết phục bà con nông dân). Với giá mua của nhà máy, nông dân lỗ 5-7 triệu đồng/ha, chưa tính phí vận chuyển từ ruộng về nhà máy. Ước tính, nông dân 3 huyện ở Đồng Tháp Mười (Long An) mất khoảng 40 tỷ đồng vì trồng đay.
Phá sản vùng nguyên liệu
Người nông dân phá lúa trồng đay ở Long An rất bất bình và cho rằng nhà máy bội tín. Lãnh đạo nhà máy đã không thực hiện đúng lời hứa như lúc đầu vụ xuống vận động nhân dân trồng đay. Còn chính quyền địa phương cũng lặng thinh, không ý kiến gì.
Cuối tháng 5/2008, kết thúc xuống giống vụ đay hè thu, toàn tỉnh chỉ trồng hơn 1.500 ha đay (bằng 8% năm 2007) và tuyệt nhiên không một hộ nào ký hợp đồng bán đay cho nhà máy. Trong khi đó thương lái vào tận nhà “đặt hàng”, với giá 7.000 đồng/kg (đay sợi). Để nông dân tin, họ đầu tư ứng trước tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu.
Thế là, mới được một năm đã mất trắng vùng nguyên liệu. Ông Nguyễn Văn Lâm lý giải, nhà máy không giữ chữ tín nên nông dân rất sợ trồng đay. Riêng Thạnh Phước, năm nay toàn bộ diện tích trồng đay (3.500 ha) đã chuyển sang cấy lúa. Lúa đang được giá nên bà con hăng hái lắm.
Đối với nhà máy, đã được gia hạn hoàn thành đến hai lần. Lần thứ nhất tháng 8/2007; lần thứ hai tháng 6/2008 và lần thứ 3 - bây giờ, xin gia hạn đến tháng 9/2009. Thế nhưng, theo thông tin mới đây của Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa, công trình này 6 tháng nay tạm ngưng xây dựng vì thiếu vốn. Nhiều hạng mục như nhà kho, xưởng sản xuất, nhà làm việc chỉ mới thực hiện đạt khoảng 30 - 40% khối lượng xây dựng.
Theo báo cáo của Phòng Công nghiệp huyện Thạnh Hóa, hiện nay công trình xây dựng Nhà máy Bột giấy Phương Nam mới đạt 70%, nhưng đã sử dụng hết 1.900 tỷ đồng và phần còn lại 30% cần thêm 500 tỷ đồng để hoàn thành. Nếu không tìm ra nguồn vốn để tiếp tục thi công thì coi như số tiền đã bỏ ra ném qua cửa sổ. Bí thư huyện ủy Thạnh Hóa, ông Đỗ Văn Dũng cho rằng: "Nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ phá sản của Nhà máy Bột giấy Phương Nam là rất lớn".
Để cứu nguy cho nhà máy, vừa qua lãnh đạo tỉnh Long An đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn kích cầu của Chính phủ hoặc được vay vốn theo dạng hỗ trợ ưu đãi lãi suất để hoàn thành dự án.
Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính tiến hành thẩm định lại toàn bộ dự án. Như vậy, số phận Nhà máy Bột giấy Phương Nam còn chờ kết quả thẩm định của liên bộ.
Theo hồ sơ dự án, để sản xuất được 100.000 tấn bột giấy/năm theo công suất thiết kế, nhà máy tiêu thụ khoảng 600.000 tấn đay tươi, phải có vùng nguyên liệu khoảng 15.000 ha. Nhiều người lo ngại, với vùng đay nguyên liệu chỉ còn khoảng trên 1.500 ha như hiện nay, Nhà máy Bột giấy Phương Nam sẽ khó có thể tồn tại.
Năm 2003, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An phê duyệt dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải Tracodi, thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, với số vốn gần 1.900 tỷ đồng. Tháng 3/2006 dự án mới được khởi công tại ấp Bà Luông, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Theo lời "quảng cáo" của chủ đầu tư, đây là nhà máy có công nghệ tiên tiến nhất nước, sản xuất bột làm giấy trắng tương đương tiêu chuẩn EU, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Dự án sẽ chuyển khoảng 20.000 ha lúa năng suất thấp sang trồng đay nguyên liệu, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương. Tại lễ khởi công, Ban quản lý dự án tuyên bố nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 8/2007.
40 tỷ đồng "đội nón ra đi"
Trước những lời hứa chắc như "đinh đóng cột" của lãnh đạo nhà máy, năm 2007 tỉnh Long An đã vận động nông dân ba huyện vùng Đồng Tháp Mười là Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa xây dựng vùng nguyên liệu, trồng đay bán cho nhà máy.
Phương thức canh tác một vụ lúa đông xuân, một vụ đay hè thu được nông dân tích cực hưởng ứng. Phía nhà máy cũng cử cán bộ kỹ thuật xuống gặp gỡ nông dân tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trồng đay và không quên vẽ ra viễn cảnh trước mắt nhà nông, rằng nếu trồng đay đúng kỹ thuật thì sẽ lãi lớn.
Và thế là nông dân ào ạt phá lúa trồng đay. Năm 2006 diện tích đay ở ba huyện chỉ có khoảng 2.000 ha, năm 2007 tăng vọt lên gần 9.000 ha. Song người trồng đay mừng chưa kịp vui thì đã được chính quyền cấp báo dự án chưa hoàn thành. Nhà máy làm bể hợp đồng, dân kêu trời. "Ông" nhà máy cũng chỉ cử người xuống mua gom chiếu lệ, gọi là cho có.
Không biết tiêu thụ ở đâu, hàng ngàn hộ dân ở ba huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa ùn ùn kéo hàng ngàn tấn đay tươi ra sông Vàm Cỏ Tây ngâm lấy sợi. Hậu quả, con sông này phải gồng mình chịu trận mấy tháng trời, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.
Nhưng đay sợi bán cũng không xong. Phải bán đổ, bán tháo khỏi trắng tay, nhưng một khối lượng lớn đay sợi khô vẫn tồn đọng trong nhà dân. Thương lái thừa cơ ép giá, đay tốt loại 1 chỉ còn 3.000 - 3.500 đồng/kg, giá chưa bằng 1/2 so với năm 2006, còn đay loại 2 mời họ cũng không thèm mua. Dân lỗ, nhà nào cũng ôm nợ đầm đìa, cho tới giờ trả chưa xong.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thạnh Phước (Thạnh Hóa), xã có diện tích trồng đay chuyên canh lớn nhất tỉnh Long An, cho biết: năm 2006 cả xã trồng chưa đến 1.000 ha, năm 2007 nghe theo lời hứa hẹn của nhà máy và chính quyền địa phương diện tích đay tăng vọt lên 3.500 ha.
Vào mùa thu hoạch, nhà máy làm xuống ký hợp đồng với mấy hộ nông dân mua được 100 ha, với giá 250 đồng/kg đay loại tốt; 220 đồng/kg đay loại 2 (bán tại nhà máy). Cả xã có gần 123.000 tấn đay nguyên liệu, nhà máy chỉ mua được 3.500 tấn (trên 2%).
Tính ra, với chi phí đầu tư khoảng 12 triệu đồng/ha, năng suất rất thấp, bình quân chỉ đạt 25 tấn/ha (bằng 50% con số nhà máy đưa ra thuyết phục bà con nông dân). Với giá mua của nhà máy, nông dân lỗ 5-7 triệu đồng/ha, chưa tính phí vận chuyển từ ruộng về nhà máy. Ước tính, nông dân 3 huyện ở Đồng Tháp Mười (Long An) mất khoảng 40 tỷ đồng vì trồng đay.
Phá sản vùng nguyên liệu
Người nông dân phá lúa trồng đay ở Long An rất bất bình và cho rằng nhà máy bội tín. Lãnh đạo nhà máy đã không thực hiện đúng lời hứa như lúc đầu vụ xuống vận động nhân dân trồng đay. Còn chính quyền địa phương cũng lặng thinh, không ý kiến gì.
Cuối tháng 5/2008, kết thúc xuống giống vụ đay hè thu, toàn tỉnh chỉ trồng hơn 1.500 ha đay (bằng 8% năm 2007) và tuyệt nhiên không một hộ nào ký hợp đồng bán đay cho nhà máy. Trong khi đó thương lái vào tận nhà “đặt hàng”, với giá 7.000 đồng/kg (đay sợi). Để nông dân tin, họ đầu tư ứng trước tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu.
Thế là, mới được một năm đã mất trắng vùng nguyên liệu. Ông Nguyễn Văn Lâm lý giải, nhà máy không giữ chữ tín nên nông dân rất sợ trồng đay. Riêng Thạnh Phước, năm nay toàn bộ diện tích trồng đay (3.500 ha) đã chuyển sang cấy lúa. Lúa đang được giá nên bà con hăng hái lắm.
Đối với nhà máy, đã được gia hạn hoàn thành đến hai lần. Lần thứ nhất tháng 8/2007; lần thứ hai tháng 6/2008 và lần thứ 3 - bây giờ, xin gia hạn đến tháng 9/2009. Thế nhưng, theo thông tin mới đây của Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa, công trình này 6 tháng nay tạm ngưng xây dựng vì thiếu vốn. Nhiều hạng mục như nhà kho, xưởng sản xuất, nhà làm việc chỉ mới thực hiện đạt khoảng 30 - 40% khối lượng xây dựng.
Theo báo cáo của Phòng Công nghiệp huyện Thạnh Hóa, hiện nay công trình xây dựng Nhà máy Bột giấy Phương Nam mới đạt 70%, nhưng đã sử dụng hết 1.900 tỷ đồng và phần còn lại 30% cần thêm 500 tỷ đồng để hoàn thành. Nếu không tìm ra nguồn vốn để tiếp tục thi công thì coi như số tiền đã bỏ ra ném qua cửa sổ. Bí thư huyện ủy Thạnh Hóa, ông Đỗ Văn Dũng cho rằng: "Nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ phá sản của Nhà máy Bột giấy Phương Nam là rất lớn".
Để cứu nguy cho nhà máy, vừa qua lãnh đạo tỉnh Long An đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn kích cầu của Chính phủ hoặc được vay vốn theo dạng hỗ trợ ưu đãi lãi suất để hoàn thành dự án.
Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính tiến hành thẩm định lại toàn bộ dự án. Như vậy, số phận Nhà máy Bột giấy Phương Nam còn chờ kết quả thẩm định của liên bộ.
Theo hồ sơ dự án, để sản xuất được 100.000 tấn bột giấy/năm theo công suất thiết kế, nhà máy tiêu thụ khoảng 600.000 tấn đay tươi, phải có vùng nguyên liệu khoảng 15.000 ha. Nhiều người lo ngại, với vùng đay nguyên liệu chỉ còn khoảng trên 1.500 ha như hiện nay, Nhà máy Bột giấy Phương Nam sẽ khó có thể tồn tại.