09:40 20/03/2023

Phá sản ngân hàng tại Mỹ và hàm ý chính sách cho Việt Nam

TS. Khúc Thế Anh - ThS. Lê Phong Châu - Đại học Kinh tế Quốc dân

Bài viết thảo luận vấn đề sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ, Silicon Valley Bank (SVB), trong thời gian gần đây trên khía cạnh thực hiện các quy định quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Vấn đề này được tiếp cận từ góc độ thanh khoản cũng như tập trung vốn của các tài sản trong những ngân hàng này...

Không giống như các ngân hàng Việt Nam có phần lớn nguồn vốn đến từ dân cư, doanh nghiệp và quỹ đầu tư là khách hàng gửi tiền chủ yếu của SVB. Mặc dù, cá nhân gửi tiền tiết kiệm để sinh lời và có thể có tỷ lệ rút trước hạn thấp hơn doanh nghiệp, hoạt động của SVB lại được hưởng lợi từ dòng tiền gửi lớn và đều đặn của doanh nghiệp. Để tìm ra nguyên nhân sâu xa của sự sụp đổ ngân hàng gây rung động trên thị trường tài chính quốc tế, việc áp dụng các quy định của Basel 3 sẽ được xem xét cùng với thảo luận về phản ứng của giới chức Mỹ khi các ngân hàng sụp đổ.

SO SÁNH VỚI CÁC QUY ĐỊNH, NGÂN HÀNG NÀY ĐÃ SAI Ở ĐÂU?

Nhiều bài viết trong thời gian qua đề cập đến việc SVB tập trung vốn vào trái phiếu chính phủ Mỹ và trái phiếu bất động sản được đảm bảo, những tài sản được coi là an toàn và thanh khoản, và nghĩa vụ của ngân hàng trong việc hoàn trả tiền gửi trả trước hạn khi có yêu cầu. Tuy nhiên, khi so sánh với quy định của Basel 3 mà các ngân hàng Mỹ phải tuân thủ, một số vấn đề được phát hiện như sau:

Thứ nhất, SVB gặp phải rủi ro lãi suất (thuộc nhóm rủi ro thị trường), rủi ro thanh khoản và rủi ro tập trung vốn vào một loại tài sản. Rủi ro lãi suất phát sinh khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát khiến giá trái phiếu dài hạn có lãi suất cố định giảm xuống.

Việc không có các biện pháp phòng ngừa rủi ro lãi suất như hợp đồng hoán đổi lãi suất, hợp đồng kỳ hạn lãi suất hay hợp đồng quyền chọn lãi suất khiến ngân hàng phải bán lỗ trái phiếu, làm giảm giá trị tài sản ròng và gây tâm lý bất an cho người gửi tiền hay nhà đầu tư trên thị trường. Điều đó tất yếu gây ra rủi ro thanh khoản.

Tuy nhiên một vấn đề cần chú ý, đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của tiền gửi vào SVB từ 60 tỷ USD trong quý 1/2020 lên đến 175 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2022, trong khi tổng tài sản của SVB cuối năm 2022 là 212 tỷ USD. Khi tiền gửi tăng nhanh chóng nhưng không có nhiều cơ hội cho vay, ngân hàng đã đầu tư khoảng 90 tỷ USD vào trái phiếu chính phủ Mỹ và trái phiếu bất động sản được đảm bảo (cuối năm 2022) cho thấy chỉ riêng một loại tài sản đã chiếm 42% tổng tài sản của ngân hàng này. Khi đó, ngân hàng đứng trước  rủi ro tập trung vốn vào một nhóm ngành hay tài sản. Điều không mong muốn là SVB sụp đổ, dù các trái phiếu mà SVB đầu tư được cho là rất an toàn và thanh khoản.

Thứ hai, không có cảnh báo từ cơ quan quản lý ngân hàng về vấn đề tập trung vốn của SVB. Basel 3 (và tương lai là Basel 4) quy định khá chặt chẽ về tỷ lệ an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio – CAR), đồng thời yêu cầu thiết lập hệ thống cảnh báo sớm. Một ngân hàng được cho là có đủ vốn nếu có CAR không nhỏ hơn 8%.

Trong công thức tính CAR, các khoản mục thuộc tài sản nằm ở mẫu số. Trái phiếu chính phủ Mỹ (vốn được coi là an toàn) thường có hệ số rủi ro bằng 0. Với 42% tổng tài sản có hệ số rủi ro xấp xỉ 0, tức là CAR của SVB lên đến trên 16% vào cuối năm 2022. Vậy theo Basel 3, tại sao SVB vẫn sụp đổ?

Vấn đề nằm ở việc tập trung tài sản vào một chỗ. Nhưng nếu tuân thủ chặt chẽ theo các quy định, phải có hệ thống cảnh báo sớm từ Fed để SVB phải phân tán rủi ro bằng cách điều chỉnh danh mục đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về CAR. Basel 3 đã xuất hiện lỗ hổng về việc giám sát của ngân hàng trung ương, hoặc SVB đã bỏ qua cảnh báo của Fed, hoặc do cả hai lý do trên.

PHẢN ỨNG CỦA GIỚI CHỨC MỸ 

Khi SVB mất khả năng chi trả, chính phủ Mỹ, Fed và  FDIC (Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang) đều thông báo rằng hệ thống ngân hàng vẫn an toàn, vì SVB tập trung cho những lĩnh vực hẹp (start up, công nghệ, bảo vệ môi trường…) và chỉ ảnh hưởng đến những ngân hàng khác trong cùng lĩnh vực. Điều này giúp trấn an dư luận và hạn chế ảnh hưởng của hiệu ứng domino – theo những kỳ vọng khác nhau. Tuy nhiên, một số quỹ đầu tư mạo hiểm đã rút tiền và hướng dẫn nhiều startup trong danh mục của quỹ rút tiền gửi từ SVB trước khi ngân hàng này sụp đổ. Founders Fund, USV và Coatue là một vài cái tên đã thực hiện việc rút tiền. Moody’s hạ mức xếp hạng của SVB lại đẩy ngân hàng này sụp đổ nhanh hơn.

Mặc dù 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi tại SVB vào cuối năm 2022 không được bảo hiểm, FDIC vẫn cho phép tất cả người gửi tiền vẫn có thể rút toàn bộ tiền gửi nếu muốn, ngay cả sau khi đã quyết định đóng cửa ngân hàng. Nhờ vậy, hơn 300 quỹ đầu tư mạo hiểm đã ký một tuyên bố chung cam kết sẽ kinh doanh trở lại với SVB trong trường hợp ngân hàng này được “mua lại và tái cấp vốn”. Điều này có thể hạn chế phần nào những ảnh hưởng tiêu cực từ sự phá sản của SVB.

ĐỐI CHIẾU VỚI TRƯỜNG HỢP VIỆT NAM VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH  

Việc tập trung vào một nhóm tài sản tài chính (như trái phiếu), một số lĩnh vực hay một số doanh nghiệp không phải là trường hợp chưa xảy ra tại Việt Nam. Điển hình là việc Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Hà Nội (Habubank) tập trung khoảng 30% tổng tài sản vào Vinashin. Sau khi nợ xấu của ngân hàng này lên đến 16% vào khoảng những năm 2011 – 2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội đã tiếp quản Habubank, làm thương hiệu này dừng hoạt động từ ngày 28/8/2012.

Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành để đảm bảo không cho ngân hàng nào bị sụp đổ và thường xuyên cảnh báo sớm trong thời gian gần đây để giúp hệ thống ngân hàng không rơi vào tình trạng như cách đây 10 năm. Việc tuân thủ các quy định trong quản lý hệ thống ngân hàng (như thường xuyên báo cáo thanh khoản; cảnh báo sớm về danh mục đầu tư của ngân hàng; yêu cầu đảm bảo tỷ lệ CAR,…) đã giúp hệ thống ngân hàng thương mại, dù đôi lúc thiếu thanh khoản tạm thời, vẫn đứng vững được trên thị trường. Nhờ đó, chưa có một ngân hàng nào bị tuyên bố phá sản ở Việt Nam.

Trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19 (2020 – 2022), các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng nắm giữ một lượng lớn trái phiếu. Vào tháng 4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết tổ chức tín dụng là nhà đầu tư trái phiếu chính phủ lớn thứ 2 sau Bảo hiểm Xã hội và đang nắm giữ khoảng 793.000 tỷ đồng, chiếm gần 42% tổng giá trị đang được giao dịch trên thị trường...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2023 phát hành ngày 20-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Phá sản ngân hàng tại Mỹ và hàm ý chính sách cho Việt Nam - Ảnh 1