13:36 08/12/2023

Phát triển bất động sản đang hướng tới yếu tố “xanh”

Thanh Xuân

Thị trường vẫn đang dịch chuyển và chủ đầu tư cần tiếp nhận những thay đổi, xu thế mới để duy trì được tính cạnh tranh. Yếu tố công trình xanh, hướng đến giá trị bền vững dần trở thành yếu tố không thể thiếu trong việc hoạch định, phát triển dự án bất động sản…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phát triển bền vững và công trình xanh là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực phát triển bất động sản. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn khá hạn chế.

BƯỚC VÀO CHU KỲ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Đánh giá về tốc độ chậm chuyển đổi theo hướng bền vững của thị trường bất động sản, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, lưu ý đến nguyên nhân một phần do chu kỳ phát triển bất động sản. Mỗi dự án đều cần một khoảng thời gian để hoạch định, xây dựng mới có thể đưa vào sử dụng. Phần lớn các công trình, dự án bất động sản đang vận hành hiện nay lại được hoạch định, thiết kế trước dịch Covid-19, vốn là giai đoạn mà đa số chủ đầu tư tại Việt Nam chủ yếu chạy theo quy mô, chứ chưa dành nhiều sự quan tâm đến yếu tố bền vững, chất lượng trải nghiệm tại dự án.

Theo chuyên gia, yếu tố bền vững có các hình thức, vai trò khác nhau trong mỗi loại hình bất động sản. Ví dụ ngành khách sạn, tính bền vững trở thành yếu tố không thể thiếu khi du khách ngày càng nhận thức rõ hơn về tác động của hoạt động du lịch lên môi trường, và điều này thúc đẩy nhu cầu sử dụng các sản phẩm mang yếu tố bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. “Bên cạnh đó, đối với yếu tố phát triển bền vững của địa phương. Cụ thể ở những điểm đến ven biển như Phú Quốc, Cam Ranh, chúng ta có thể vừa phát triển hoạt động du lịch, đồng thời vừa bảo tồn các giá trị cộng đồng, cũng như duy trì chất lượng môi trường, cảnh quan”, ông nói.

Về loại hình bất động sản thương mại, bao gồm văn phòng và cho thuê bán lẻ, ngày càng nhiều khách thuê, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu tòa nhà đạt tiêu chí xanh, bền vững. Trong bối cảnh nguồn cung dự án đáp ứng tiêu chí còn hạn chế, nhóm khách thuê này sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho dự án đạt các chứng chỉ xanh.

Còn loại hình bất động sản dân cư, chủ đầu tư, đặc biệt là chủ đầu tư quốc tế đang chú trọng hơn đến yếu tố phát triển bền vững, chú trọng trải nghiệm nâng cao sức khỏe trong việc hoạch định, phát triển dự án. “Đây không chỉ là điểm nhấn marketing, mà chúng tôi đánh giá rằng yếu tố bền vững sẽ trở thành tiêu chí quan trọng mà thị trường tìm kiếm. Bởi chất lượng môi trường sống, giấc ngủ là những yếu tố người mua ngày càng quan tâm, và cả dự án có thể xem xét, cải thiện các yếu tố này thông qua việc kết hợp yếu tố cảnh quan thiên nhiên hoặc đưa vào các tiện ích chăm sóc sức khỏe”, chuyên gia nhấn mạnh.

TIẾP NHẬN XU THẾ MỚI ĐỂ DUY TRÌ TÍNH CẠNH TRANH

Người mua hiện nay có yêu cầu cao hơn và nhiều sự lựa chọn hơn, do vậy, để duy trì cũng như nâng cao tính cạnh tranh, chủ đầu tư cần chú trọng yếu tố xanh, hướng đến giá trị bền vững trong quá trình hoạch định và truyền tải đúng các giá trị cam kết khi triển khai dự án.

Ông Mauro Gasparotti cho biết thị trường vẫn đang dịch chuyển, chủ đầu tư cần tiếp nhận những thay đổi, xu thế mới để duy trì được tính cạnh tranh. Yếu tố công trình xanh, hướng đến giá trị bền vững dần trở thành yếu tố không thể thiếu trong hoạch định, phát triển dự án.

Trước đây, khi thị trường chưa hiểu rõ về giá trị của công trình xanh, người mua cảm thấy khó thuyết phục nếu phải chi trả thêm cho các giá trị “vô hình”. Tuy nhiên, giờ đây bối cảnh thị trường đã thay đổi, người mua ngày càng khắt khe và sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm được phát triển chỉn chu, đáp ứng tiêu chí bền vững. Điều này giúp cho chủ đầu tư cải thiện biên lợi nhuận khi dự án có thể truyền tải tốt và đưa sản phẩm đúng đến với người mua.

Mặt khác, nếu được triển khai tốt, các dự án công trình xanh còn giúp cải thiện chi phí hoạt động sau khi đi vào vận hành. Chính vì vậy, lợi ích của công trình xanh là kết quả cộng hưởng của hai yếu tố, vừa giúp sản phẩm có thể đạt mức giá bán tốt hơn, đồng thời cũng tối ưu chi phí hoạt động so với những sản phẩm truyền thống thông thường. Theo đó, khi cân nhắc đến việc phát triển các công trình xanh, chủ đầu tư cần xem xét không chỉ từ góc độ lợi ích marketing, truyền thông dự án, mà ở cả hiệu quả tài chính từ việc vận hành dự án trong dài hạn.

Việc thúc đẩy yếu tố phát triển bền vững đòi hỏi một lộ trình vì điều này cần có sự thay đổi trong nhận thức của cả cộng đồng, chứ không chỉ đến từ chiến dịch riêng lẻ. Theo đó, chuyên gia khuyến nghị Việt Nam có thể cân nhắc dành thêm nguồn lực để tăng cường truyền thông về tính cấp thiết của hành trình phát triển bền vững, nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề này. Việt Nam có thể bắt đầu từ một vài khu vực, như thúc đẩy hoạt động hướng đến phát triển bền vững, bảo tồn môi trường tại Côn Đảo, giúp nơi đây trở thành một trường hợp điển hình cho những điểm đến khác.

Trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú, có thể thấy các nhà điều hành khách sạn, đặc biệt là chuỗi thuộc phân khúc hạng sang đang nỗ lực nhiều hơn trong hành trình phát triển bền vững, ví dụ các dự án của Six Senses, Mandarin Oriental và Zannier Hotels…. Những chuỗi khách sạn này luôn chú trọng việc đưa yếu tố bền vững và giữ gìn đặc sắc cộng đồng tại khu vực dự án. Đây là mô hình có thể tham khảo trong hành trình hướng đến phát triển xanh, bền vững.