07:43 17/05/2023

Số lượng công trình xanh vẫn còn khiêm tốn

Thanh Xuân

Mặc dù rất quyết tâm thực hiện các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ có 233 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng đạt tiêu chí công trình xanh. Đây là con số khiêm tốn so số lượng dự án được xây dựng suốt thập niên vừa qua...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã cam kết biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngoài ra, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong Hội nghị Bộ trưởng “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á” (AZEC) gần đây càng khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết của Việt Nam được nêu tại Hội nghị lần thứ 26.

MỚI CHỈ CÓ 233 CÔNG TRÌNH

Tuy nhiên tại sự kiện về công trình xanh tổ chức cuối năm 2022, thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, thực tế Việt Nam chỉ có 233 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng đạt tiêu chí công trình xanh. Đây là con số khiêm tốn so số lượng dự án được xây dựng suốt thập niên vừa qua.  

Đứng trước thực tế đó nhưng 10 năm trở lại đây, mức năng lượng tiêu thụ đã tăng với tốc độ nhanh hơn tăng GDP, bình quân đạt từ 7-10%/năm. Mặt khác, tăng trưởng xây dựng cũng bình quân đạt 12%. Các công trình Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 1/3 tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Như vậy, mức độ ảnh hưởng của ngành xây dựng rất lớn trong khi áp lực gia tăng dân số ngày càng cao. 

Theo Bộ Xây dựng, dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số thành thị tăng lên 45% do đó mỗi năm phải thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Để đạt được cam kết đặt ra về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự tham gia tích cực và phối hợp toàn diện giữa chủ đầu tư, nhà phát triển cũng như ban quản lý, khách thuê. 

Tuy nhiên rào cản lớn nhất của thị trường công trình xanh Việt Nam hiện nay là nhận thức chưa đúng của chủ đầu tư về công trình xanh. Nhiều chủ đầu tư lo ngại việc xây dựng, phát triển công trình xanh khiến chi phí đầu tư tăng 20-30%, thậm chí cao hơn. Song từ các nghiên cứu trên thế giới, mặc dù công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3 - 8% so đầu tư thông thường, nhưng lại tiết kiệm từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm 30 - 50% lượng nước sử dụng, 50 - 70% chi phí xử lý chất thải. 

Hơn nữa, những năm gần đây, thứ tự ưu tiên mua nhà của người dân đã thay đổi, để đi được lâu dài cùng thị trường, doanh nghiệp địa ốc phải thay đổi theo nhu cầu của đa số khách hàng. Trước đây, người dân đi mua nhà chỉ mong có chốn an cư, đi lại thuận tiện thì nay họ cũng chú ý nhiều đến chất lượng chỗ ở. Dự án công trình xanh, chú trọng vào tiện ích, sức khỏe con người và môi trường xung quanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu.

“Từ thực tế, người dân ở các đô thị lớn đang phải đối mặt với bụi mịn, ô nhiễm không khí ở mức đáng báo động. Nên một công trình xanh đem lại nhiều lợi ích bền vững như: giảm lượng khí thải carbon, tiết kiệm lượng nước sử dụng và chi phí bảo dưỡng công trình, sẽ đáp ứng chất lượng sống ngày một cao hơn của con người. Đó chính là một giải pháp cho bài toán ô nhiễm môi trường sống hiện nay”, đại diện Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng) nhận xét.

CẦN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, hướng tới mục tiêu loại bỏ phát thải ròng trong tương lai, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ công trình đạt tiêu chí xanh; hỗ trợ chủ đầu tư công trình xanh thông qua các gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ tư vấn đầu tư, thiết kế... 

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam chưa có hệ thống nào được cơ quan quản lý Nhà nước chính thức ban hành như một công cụ có tính pháp lý để đánh giá, quản lý “Công trình xanh". Nhận thức về “Công trình xanh" vẫn chưa chính xác. Hầu hết công trình xanh được mọi người hiểu rằng “công trình xanh nghĩa là nhiều cây xanh". Song ngoài kiến trúc xanh, công trình xanh còn phải đạt hiệu quả cao khi sử dụng năng lượng, nước, vật liệu… nhằm đảm bảo không tác động xấu tới sức khỏe người dân, giảm thiểu chất thải độc hại cho môi trường. 

“Do đó, Chính phủ phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về công trình xanh tại Việt Nam để chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công có nhận thức đầy đủ về các bộ tiêu chí áp dụng. Mặt khác để cấp chứng nhận cho công trình xanh phải có con số, định lượng hóa cụ thể tiêu chí đưa ra. Tránh hiện tượng mượn nhãn dự án bất động sản xanh giúp gia tăng khả năng thu hút, xoay vòng vốn và mở rộng diện khách hàng. 

Liên quan vấn đề này, nhiều chuyên gia đánh giá các thành phố và các tòa nhà là một nguồn phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Song nếu các thành phố, tòa nhà được xanh hóa với giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, thì chúng có thể đóng góp đáng kể vào ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Mà phát triển công trình xanh thông qua tích hợp các yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng trong thiết kế, xây dựng, nghiệm thu và vận hành tòa nhà… chỉ có thể thực hiện được với sự nâng cao nhận thức, năng lực của chủ đầu tư công trình, nhà phát triển xây dựng, những người vận hành công trình, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, cán bộ nghiệm thu công trình.