17:32 19/11/2021

Phát triển nhà ở cho công nhân còn nhiều vướng mắc

Phan Dương

Việt Nam hiện có trên 16 triệu công nhân, chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hàng năm trực tiếp sản xuất, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, các khu công nghiệp đang thiếu hụt trầm trọng nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo… dẫn đến đời sống người lao động còn nhiều khó khăn…

Tại toạ đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp” do Báo Xây dựng tổ chức ngày 19/11, nhiều đại biểu đã đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

CƠ CHẾ CHƯA ĐỦ HẤP DẪN CÁC NHÀ ĐẦU TƯ

Phát biểu tại tọa đàm, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Về quỹ đất, tổng hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và báo cáo của các địa phương thì mục tiêu đến năm 2020 cả nước dành khoảng 600ha đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp. Đến nay cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án với diện tích đất hơn 350 ha).

Như vậy việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân KCN cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Về nguồn vốn, đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (Ngân hàng chính sách xã hội tự huy động thêm 2.163 tỷ đồng nữa để thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo quy định). Theo báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong cả giai đoạn 2020 – 2025, mới chỉ có khoảng 2.270 lượt khách hàng là người lao động được vay vốn theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, với dư nợ khoảng 794 tỷ đồng.

Đối với các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (04 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020 chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

“Việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030: phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở”, đại diện Bộ Xây dựng nhìn nhận.

Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Văn Ân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) bày tỏ, trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội nói chung, nhà ở công nhân nói riêng rất lớn nhưng không nhiều nhà đầu tư quan tâm do bị giới hạn về lợi nhuận dự án; giới hạn về đối tượng khách hàng; phê duyệt giá, danh sách khách hàng… Trong dự án nhà ở xã hội bắt buộc phải bố trí một phần diện tích nhà cho thuê nên cũng phần nào làm giảm sự hấp dẫn của phân khúc này…

Còn theo ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera – CTCP, có thể thấy, dù chính sách đã có khá nhiều, nhưng vẫn còn điểm nghẽn, gây khó khăn cho công nhân và cả những công ty tại khu công nghiệp. Đáng chú ý, nhiều khu công nghiệp có đầy đủ và đồng bộ hạ tầng, tạo ra môi trường, cảnh quan rất hiện đại, đầy đủ. Tuy nhiên, qua khảo sát, có đến 80 – 90 % công nhân lao động đều ở tạm cư. Tại khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có đến 100 nghìn công nhân, nhưng số lượng lao động vào các khu nhà ở chỉ khoảng 10 nghìn người, còn lại hơn 90 nghìn công nhân là thuê nhà trọ. Cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều mong muốn được thuê, sử dụng nhà ở nhưng không được do còn vướng chính sách.

ĐẶT VAI TRÒ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG LÊN HÀNG ĐẦU

Để tìm giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, bà Vũ Thị Hợp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp cho biết, công ty Dạ Hợp đã triển khai đầu tư an sinh xã hội về nhà ở công nhân từ rất sớm, từ những năm 2011. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhà ở tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là pháp lý và quy định pháp luật còn xung đột, chồng chéo với nhau.

Do đó, đại diện Công ty Dạ Hợp đã đưa ra bốn đề xuất: Các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần chú ý đến thói quen sinh hoạt, văn hóa… của người lao động; quan tâm hơn đến vai trò, vị trí của công nhân; Chính phủ nên ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở công nhân cho các ngân hàng thương mại thay cho ngân hàng chính sách thì việc sử dụng vốn sẽ được hiệu quả hơn; Chính phủ tiếp tục giao các chỉ tiêu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Khi xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp mong muốn các dự án không cần qua đấu thầu mà nên chấm điểm để lựa chọn nhà đầu tư.

Từ góc độ là nhà quản lý, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng) nêu quan điểm: Cần phải đặt vai trò của người lao động lên ưu tiên hàng đầu bởi công nhân là lực lượng sản xuất chính, nòng cốt đối với nền kinh tế. Vì vậy, công tác chăm lo cho đời sống công nhân, cũng như xây dựng nhà ở an sinh xã hội là cực kỳ quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp mà còn đối với cả xã hội.

“Vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Chỉ khi Nhà nước và doanh nghiệp nhất quán mới có thể giải quyết được những điểm nghẽn, khó khăn trong phát triển nhà ở công nhân hiện nay. Quan trọng không kém là sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như đất đai, nhà ở, lao động, quy hoạch… để đảm bảo người lao động được hưởng thành quả. Chúng ta không nên đề cao lợi nhuận, cần phải ưu tiên những giá trị cốt lõi phục vụ cho xã hội, chính là xây dựng nhà ở để công nhân lao động an tâm sản xuất”, ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh.

 

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2 (đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020); đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2. Trong đó, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn, tổng diện tích 6.700.000 m2.