14:17 12/09/2013

Phê chuẩn phó thủ tướng mới tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chuẩn bị kỳ họp thứ sáu của Quốc hội

Ông Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Huỳnh Đảm tại hội nghị lần thứ 6 (khóa 7) của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sáng 5/9 - Ảnh: VnExpress.
Ông Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Huỳnh Đảm tại hội nghị lần thứ 6 (khóa 7) của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sáng 5/9 - Ảnh: VnExpress.
Cần bố trí thời gian cho công tác nhân sự là đề nghị được Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đưa ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến chuẩn bị kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, sáng 12/9.

Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức danh Phó thủ tướng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân, do mới nhậm chức Chủ tịch Mặt trận tổ quốc và phê chuẩn phó thủ tướng mới, bà Nương nói.

Nên để một ngày  làm công tác nhân sự vì còn có thể có thêm nhân sự khác, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, nếu cần thì dành một ngày rưỡi cho công tác nhân sự để đảm bảo chu đáo các khâu trong quy trình.

4 ngày cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, 3 ngày dành chất vấn và trả lời chất vấn... kỳ họp thứ sáu của Quốc hội dự kiến làm việc trong 35 ngày. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 21/10 và bế mạc vào ngày 3/12/2013.

Theo dự kiến, Quốc hội dành 4 ngày để xem xét, thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong đó bố trí 1,5 ngày ở tổ (kết hợp với thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường), 2 ngày ở hội trường và nửa ngày xem xét, thông qua.  

Nhấn mạnh đây là kỳ họp có thể dài nhất của Quốc hội khóa 13 với đỉnh cao xây dựng luật pháp là thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng nói, vị thế thông qua Hiến pháp phải khác, tâm thế phải khác.

Bên cạnh 2,5 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn như thông lệ, nửa ngày là thời gian dự kiến để Quốc hội nghe và trao đổi về các báo cáo của một số bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5, ông Phúc cho hay.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến nhiều dự án luật khác. Với dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh Chính phủ đã giao Bộ tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này từ kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp thứ 7.

Xem xét các nội dung cụ thể của kỳ họp, nhiều ý kiến phàn nàn việc chuẩn bị tài liệu của một số cơ quan liên quan quá chậm, như báo cáo về mở rộng Hà Nội hay thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường... khiến cho công tác thẩm tra rất khó khăn. Và đây là hạn chế đã kéo dài qua nhiều kỳ họp.