12:10 21/10/2021

Phiên đáo hạn phái sinh, cổ phiếu giảm giá hàng loạt

Kim Phong

Phiên đáo hạn phái sinh thường chỉ liên quan đến các cổ phiếu blue-chips VN30, nhưng sáng nay độ rộng chung trên HoSE rất hẹp. VN30-Index đang giảm 0,11% với số mã giảm giá gấp 4 lần số tăng...

Mức đóng cửa của Vn30-Index sẽ là giá thanh toán cho hợp đồng tương lai chỉ số tháng 10 đáo hạn hôm nay.
Mức đóng cửa của Vn30-Index sẽ là giá thanh toán cho hợp đồng tương lai chỉ số tháng 10 đáo hạn hôm nay.

Phiên đáo hạn phái sinh thường chỉ liên quan đến các cổ phiếu blue-chips VN30, nhưng sáng nay độ rộng chung trên HoSE rất hẹp. VN30-Index đang giảm 0,11% với số mã giảm giá gấp 4 lần số tăng.

Ảnh hưởng lớn của các blue-chips đang tác động lên VN-Index. Chỉ số này chốt phiên sáng giảm 0,16% với 164 mã tăng/244 mã giảm.

VCB nảy tăng kỹ thuật chớp nhoáng vài phút đầu phiên hơn 1%, nhưng sau đó lại trượt dốc và chốt phiên sáng giảm 0,21%. Trong nhóm blue-chips ngân hàng, duy nhất HDB tăng nhẹ 0,2%, còn lại đều giảm: BID giảm 0,13%, CTG giảm 0,33%, ACB giảm 0,93%, MBB giảm 0,53%, TPB giảm 0,23%, VPB giảm 0,78%.

Nhóm dầu khí cũng quay đầu phần lớn, thậm chí GAS đang là cổ phiếu gây áp lực lớn nhất lên VN-Index. Cổ phiếu này giảm 1,82% sau 11 phiên đi ngang không có tiến triển gì rõ ràng. PLX cũng đang giảm 0,56% còn loạt dầu khí bên HNX cũng đều đỏ. Duy nhất PVD đang tăng nhẹ 0,39%.

Nhóm bảo hiểm, chứng khoán, phân bón cũng chủ đạo là giảm và các mã dẫn dắt giảm. Hiện chỉ có cổ phiếu thép dường như khá mạnh, với HPG tăng 1,41%, HSG tăng 0,41%, TLH tăng 1,28%... Nói chung vẫn có cổ phiếu trong các nhóm này tăng, nhưng phân hóa là tình trạng phổ biến.

Nhóm blue-chips VN30 đang rất yếu, khi chỉ có 5 mã tăng nhưng tới 21 mã giảm. Trong số tăng, HPG và SAB (+1,68%) là hai mã nâng đỡ chính đối với VN-Index. Tuy vậy sức ép ở phía giảm quá lớn, cả về số lượng lẫn vốn hóa. Chỉ riêng GAS giảm 1,83%, VHM giảm 0,63% cũng đủ triệt tiêu toàn bộ hai trụ tăng nói trên. Đó là chưa kể tới GVR cũng giảm 1,07%.

Mặc dù độ rộng hẹp, nhưng cơ bản mức giảm của cổ phiếu Vn30 cũng không mạnh. Ngoài 3 mã nói trên thì nhóm VNM, VIC, VCB, MSN, VPB... chỉ giảm nhẹ. Đó cũng là nguyên nhân giúp cả VN30-Index lẫn VN-Index mất điểm không đáng kể. Cả sàn HoSE có tầm 90 mã giảm trên 1%, một mức không phải là tệ.

Số tăng giá dĩ nhiên dồn vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Midcap vẫn tăng nhẹ 0,23%, Smallcap tăng 0,22%. Độ rộng của cả hai rổ này vẫn nghiêng về phía giảm. Các giao dịch mạnh đang tập trung tại số ít cổ phiếu như HQC, ITC, PSH, FTM, TNT, QCG, HAI...

Các blue-chips có khả năng kéo VN30-Index chỉ giảm rất nhẹ sáng nay.
Các blue-chips có khả năng kéo VN30-Index chỉ giảm rất nhẹ sáng nay.

Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh nên khả năng cao là thị trường sẽ có biến động giật cục vào đợt ATC hoặc những thay đổi mạnh trong phiên chiều. Trong phiên sáng xu hướng giảm là chủ đạo, VN-Index và Vn30-Index đạt đỉnh cao nhất ngay đầu giờ, nhưng sau đó các cổ phiếu thi nhau trượt dốc. Lực bán chủ động khá rõ hi đẩy được thanh khoản lên cao, sàn HoSE khớp lệnh tăng 9,1% về giá trị so với sáng hôm qua, VN30 tăng 12,3% trong khi cổ phiếu trượt từ đỉnh cao xuống giá đỏ. Thay đổi trong độ rộng ở sàn này cho thấy rõ diễn biến giá theo chiều hướng xấu dần: Thời điểm VN-Index đạt đỉnh đầu phiên, có 208 mã tăng/93 mã giảm, đến tầm 10h vẫn còn 215 mã tăng/183 mã giảm. Khoảng 10h45 trở đi độ rộng đã cân bằng với số lượng mã giảm tăng lên. Đến sau 11h thì số mã giảm hoàn toàn áp đảo.

Mức giảm giá nhẹ ở các blue-chips VN30 vẫn mở ra cơ hội phục hồi ở phiên chiều. Về lý thuyết thì VN30 tăng sẽ có lợi cho các nhà đầu tư nắm giữ vị thế Long phái sinh. Cho đến hết phiên hôm qua, kỳ hạn F1 vẫn đang có 26.623 hợp đồng còn mở. Trong top 5 vốn hóa của VN30 các cổ phiếu đều không giảm nhiều, thậm chí HPG đang kéo tốt, TCB, VIC, FPT, VNM đều có thể quay trở lại tham chiếu hoặc tăng dễ dàng vì khối lượng dư bán cũng không nhiều.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giao dịch khá hiền, chỉ bán ra tổng cộng 657,8 tỷ đồng trên HoSE, tương đương 5,8% tổng giá trị sàn này. Mức bán ròng khá nhỏ với 136,8 tỷ đồng. HPG tiếp tục bị xả nhiều nhất với gần 96 tỷ đồng. Tiếp đến là NLG với -49 tỷ. Các mã khác bán ròng ít. Phía mua có VNM xấp xỉ 50 tỷ và MBB hơn 23 tỷ là đáng chú ý.