Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo rà soát, tạo điều kiện để các thí sinh dự thi THPT đợt 2
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế về việc tổ chức đợt thi thứ 2 của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021…
Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, căn cứ tình hình dịch Covid-19; có kế hoạch cụ thể tổ chức đợt thi tiếp theo của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021; bảo đảm an toàn, quyền lợi của thí sinh và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, tạo điều kiện để các thí sinh không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác nhau (trừ trường hợp gian lận) được dự thi ở đợt thi tiếp theo.
Theo số liệu chung của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.021.340. Tổng số thí sinh dự thi: 981.773 đạt tỷ lệ 96,13% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi là 23.569 chiếm tỷ lệ 2,31%. Đây là các thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 hoặc đang cư trú tại địa bàn cách ly, phong tỏ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, An Giang là tỉnh có số lượng thí sinh mong muôn dự thi đợt 2 nhiều nhất. Tiếp đến là Đồng Tháp, Bình Định và TP.HCM.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã có cuộc họp trực tuyến với các địa phương có thí sinh dự thi đợt hai, đề xuất thời gian dự kiến tổ chức đợt hai của kỳ thi vào các ngày 6 và 7/8. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo xin ý kiến ủy ban nhân dân các tỉnh về thời gian và phương án tổ chức thi.
Về tiến độ chấm thi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đã họp trực tuyến với Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh của 11 tỉnh phía Nam và Tây Nguyên để kiểm tra về công tác chấm thi.
Tại buổi làm việc, 11 Hội đồng thi đã báo cáo hoạt động chấm diễn ra thuận lợi, đúng quy trình, quy chế. Những quy định trong chấm tự luận như: một bài thi được 2 giám khảo ở 2 tổ chấm độc lập, có thống nhất điểm; chấm kiểm tra ít nhất 5% tổng số bài thi… được thực hiện nghiêm. Qua báo cáo, việc chênh lệch điểm giữa 2 giám khảo ít xảy ra; quá trình chấm kiểm tra cũng chưa phát hiện vấn đề bất cập.
Trong số 11 Hội đồng thi tham gia cuộc họp, TP.HCM có số lượng bài thi đông nhất với 87.668 bài tự luận Ngữ văn, hơn 420.000 bài trắc nghiệm. Với công suất và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm hiện nay, Hội đồng thi sẽ hoàn thành công tác chấm chậm nhất vào ngày 24/7, theo đúng kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.
Cũng tại Hội đồng thi này, gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu chấm thi, trước khi thực hiện nhiệm vụ, đều được xét nghiệm Covid-19. Hoạt động xét nghiệm này đều đặn tiến hành 5 ngày/lần, để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh, đảm bảo an toàn cao nhất cho nhân sự tham gia.
Hội đồng thi của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã chia nhỏ Ban chấm thi thành 20 tổ, mỗi tổ không quá 10 người để đảm bảo giãn cách. Các tổ chấm chia ca, tổ chức chấm lệch giờ để tránh tập trung đông người.
Bên cạnh đảm bảo công tác chuyên môn về chấm thi, Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM phải “căng mình” ứng phó với dịch bệnh. Song song với các Ban chuyên môn như Ban làm phách, Ban chấm thi tự luận, Ban chấm thi trắc nghiệm…TP.HCM còn thành lập Ban phòng chống Covid-19 để kiểm soát, phòng chống dịch cho tất cả đội ngũ giám khảo, cán bộ, nhân viên tham gia chấm thi được yên tâm thực hiện nhiệm vụ.