08:52 21/07/2021

Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Dương chuẩn bị cho tình huống “xấu hơn”

Phúc Minh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Bình Dương tính toán tiếp tục tăng số giường điều trị, nhân lực để chuẩn bị cho tình huống xấu hơn cũng như sẵn sàng hỗ trợ, chi viện phần nào cho TP.HCM khi cần thiết…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch chiều 20/7. Ảnh - VGP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch chiều 20/7. Ảnh - VGP.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhấn mạnh nội dung này tại cuộc họp với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch chiều 20/7.

DÀNH NGUỒN LỰC XÉT NGHIỆM, TRUY VẾT ĐẾN CÙNG

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4), tỉnh ghi nhận 3.303 ca mắc trong cộng đồng ở 9/9 địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 52 công ty trong và ngoài khu công nghiệp với 1.657 ca bệnh; phần lớn các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng đã được kiểm soát.

Từ ngày 14/6 đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện những ca dương tính tại nhiều công ty đan xen với các khu nhà trọ đông công nhân lưu trú; tập trung chủ yếu ở 46 ổ dịch/chuỗi lây nhiễm với 52 công ty/doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, có nguồn lây từ TP.HCM.

 

Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 12 máy RT-PCR với năng lực xét nghiệm 8.000 mẫu đơn/ngày (tương đương 80.000 mẫu gộp 10/ngày); đang thực hiện xã hội hóa xét nghiệm để nâng cao năng lực lên trên 100.000-300.000 mẫu gộp/ngày. Tỉnh đã thành lập 600 đội lấy mẫu cơ động với công suất tối đa 176.000 mẫu/ngày.

Bình Dương đang tổ chức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng Covid-19 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kết hợp Realtime-PCR cho 1,8 triệu người dân trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên xét nghiệm nhanh tại các công ty/xí nghiệp và tầm soát bằng phương pháp lấy mẫu gộp cho người dân sinh sống trong các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch trong cộng đồng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh quyết tâm chốt chặt, giữ vững và từng bước mở rộng những vùng an toàn. Tổ chức điều hành lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm để sớm phát hiện, “bóc” ngay F0 ra khỏi cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của Bình Dương là mở rộng vùng an toàn, bằng các biện pháp đồng bộ từ xét nghiệm, truy vết, sàng lọc định kỳ nhiều lần.

Đối với cách ly, điều trị, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn về cách ly F1 tại nhà, giảm thời gian điều trị F0 nhưng nhất thiết phải tổ chức đường dây nóng để hỗ trợ cho các trường hợp này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bình Dương cần dành nguồn lực để xét nghiệm, truy vết đến cùng. Nâng cao năng lực chuyên môn đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm để chi viện cho các huyện, thành phố phía nam tỉnh.

Đối với những vùng đỏ đậm đặc (vùng nguy cơ lây nhiễm cao), các lực lượng phải “quét đi, quét lại” nhiều lần bằng xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR, căn cứ vào kết quả xét nghiệm có kế hoạch phân loại, đưa người bệnh vào các cơ sở điều trị phù hợp tuỳ vào tình trạng bệnh tật và khoảng cách di chuyển.

SẼ PHÁT HIỆN THÊM NHIỀU CA MẮC TRONG 2 TUẦN TỚI

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương dự báo, trong 2 tuần tới sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc Covid-19 mới, tổng số ca bệnh có thể lên đến khoảng 10.000 người. Vì vậy tỉnh sẽ mở rộng các khu cách ly tập trung lên 50.000 người, sau đó là 100.000 người, tăng số giường điều trị từ 4.000 lên 10.000.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Công ty Yazaki (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ảnh - VGP. 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Công ty Yazaki (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ảnh - VGP. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bình Dương tính toán tiếp tục tăng số giường điều trị, nhân lực để chuẩn bị cho tình huống xấu hơn cũng như sẵn sàng hỗ trợ, chi viện phần nào cho TP.HCM khi cần thiết. Bộ Y tế căn cứ trên nhu cầu đề nghị của Bình Dương để điều phối nhân lực, vật lực hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Phó Thủ tướng lưu ý, trong những cơ sở thu dung, quản lý F0 không có triệu chứng thì cần tạo điều kiện cho bà con sinh hoạt, vận động, thư giãn, bớt bức bách về tinh thần.

Bên cạnh đó, tỉnh cần thiết lập ngay hệ thống oxy tập trung trong thời gian ngắn nhất. Tổ chức mạng lưới xe vận chuyển đưa bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng lên các tuyến trên nhằm giảm số bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa tử vong.

“Các đồng chí cần khảo sát điều kiện, cơ sở vật chất của các bệnh viện điều trị Covid-19 để thiết lập hệ thống oxy tập trung có quy mô phù hợp, không dàn đều. Sau đó dựa trên kết quả xét nghiệm, sức khoẻ của người nhiễm, nếu có dấu hiệu nặng thì đưa ngay đến những bệnh viện có hệ thống oxy trung tâm”, Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Bình Dương không được để tình trạng do các quy định về định mức kỹ thuật trong điều kiện thông thường mà thiếu vật tư, trang thiết bị điều trị cho các bệnh viện, cũng như đồ bảo hộ để giữ an toàn tối đa cho lực lượng y, bác sĩ điều trị tuyến đầu, các kíp xe vận chuyển bệnh nhân.

 

Về khôi phục hoạt động sản xuất, đến ngày 19/7, Bình Dương có 1.100 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”, với gần 170.000 lao động đăng lý làm việc.

Phó Thủ tướng lưu ý, tỉnh cần tiếp tục quan tâm tới những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những khu, cụm dân cư tập trung rất đông người nghèo, không có tích luỹ… huy động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân chung tay đùm bọc, giúp đỡ.

Đề nghị tỉnh nhanh chóng xác định những khu trọ, nhà máy an toàn, sắp xếp lại theo hướng mỗi khu nhà trọ sau khi đã làm sạch là một ký túc xá cho một doanh nghiệp hay cụm doanh nghiệp gần nhau.

Đối với việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong khi vaccine còn rất khan hiếm, cần ưu tiên cho những lực lượng tuyến đầu chống dịch, người già, có bệnh nền, người tham gia hệ thống vận tải, phân phối hàng hoá; công nhân sản xuất và cần công khai, minh bạch.

Đồng thời, tổ chức tiêm phải an toàn, bảo đảm các quy định phòng, chống dịch bệnh, không để tập trung đông người, lây nhiễm chéo.