16:03 16/10/2024

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: “Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh sẽ là phương thức mới có tính đột phá”

Đỗ Như

Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, diễn ra trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang có nhiều thay đổi nhanh, mạnh và khó lường dưới tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; các vấn đề an ninh phi truyền thống…, quá trình chuyển đổi số, gắn với chuyển đổi xanh sẽ là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá...

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Việt Dũng.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Việt Dũng.

Ngày 16/10, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VNEconomy tổ chức diễn đàn “Kiến tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”.

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết đây là một Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang tích cực tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới; chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng để đưa ra những quan điểm, định hướng và giải pháp mới, đột phá nhằm thực hiện thành công những mục tiêu đã đặt ra, nhất là mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Diễn đàn lại càng có ý nghĩa khi Ban Kinh tế Trung ương đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan khác có liên quan sơ kết Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Tổng kết Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế để tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về chuyển đổi số trong bối cảnh mới.

“CHUYỂN ĐỔI SỐ GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI XANH SẼ LÀ PHƯƠNG THỨC MỚI CÓ TÍNH ĐỘT PHÁ”

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, nền kinh tế mới mà chúng ta muốn kiến tạo trước hết là nền kinh tế có thu nhập cao theo định hướng Xã hội chủ nghĩa hay đây là nền kinh tế lấy con người làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là nền kinh tế có cơ cấu hiện đại với mô hình tăng trưởng mới, dựa chủ yếu vào hiệu quả các nguồn lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; là nền kinh tế số, xanh và tuần hoàn và là nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu, rộng.

“Để xây dựng được nền kinh tế mới này, chúng ta đang thực hiện hai cuộc chuyển đổi lớn. Một là, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa gắn với hội nhập quốc tế. Hai là, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh (hay chúng ta thường gọi là chuyển đổi kép). Điều đặc biệt là cả hai quá trình chuyển đổi này đều mang tính cách mạng”, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Diễn đàn có sự tham gia của nhiều đại biểu các bộ, ban ngành, doanh nghiệp. Ảnh: Việt Dũng.
Diễn đàn có sự tham gia của nhiều đại biểu các bộ, ban ngành, doanh nghiệp. Ảnh: Việt Dũng.

Theo Phó trưởng ban kinh tế trung ương, nếu như chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng về hoàn thiện quan hệ sản xuất, giải phóng và mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển (bởi vì nó giúp phá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp; phá bỏ cơ chế phát triển kinh tế cô lập, khép kín để tạo dựng cơ chế phát triển kinh tế mới: Hiện đại, hội nhập, theo các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng Xã hội chủ nghĩa), thì chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh là cuộc cách mạng về phát triển lực lượng sản xuất mới.

Giải thích điều này, ông Sơn cho rằng vì đây là sự kết hợp hài hoà giữa con người và trí tuệ nhân tạo, dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng; là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện về cách sống, cách làm việc, được tiến hành đồng bộ, toàn diện, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào mọi hoạt động kinh tế - xã hội; là quá trình không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, mà còn góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững, hiện đại và thân thiện với môi trường.

Nhấn mạnh cả hai quá trình chuyển đổi này đều chưa có tiền lệ, còn nhiều điều ở phía trước cần phải tiếp tục nghiên cứu, vừa làm, vừa hoàn thiện do vậy, ông Sơn cho rằng đòi hỏi đầu tiên của cả hai quá trình chuyển đổi này là đổi mới về tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám nghĩ, dám làm.

Tiếp theo là đổi mới về thể chế, cơ chế, chính sách; về quản lý, quản trị và điều hành ở cả tầm vĩ mô (chính phủ) và vi mô (doanh nghiệp), trong đó người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo và dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tiếp nữa là sự thay đổi trong cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực phù hợp và yêu cầu về phối hợp, hợp tác không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả khu vực và toàn cầu.

Theo ông Sơn, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa được bắt đầu vào năm 1986 cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế và sau gần 40 năm đã góp phần đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước có thu nhập trung bình như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

“Diễn ra trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang có nhiều thay đổi nhanh, mạnh và khó lường dưới tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu và rộng…, quá trình chuyển đổi số, gắn với chuyển đổi xanh sẽ là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đưa nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, tiên tiến, văn minh, hiện đại, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để đạt được mục tiêu là nước thu nhập cao theo định hướng Xã hội chủ nghĩa như được nhấn mạnh trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024)”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nói thêm.

CẦN TẬP TRUNG LÀM RÕ 5 VẤN ĐỀ CHÍNH

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, để kiến tạo được nền kinh tế mới nói chung và thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh nói riêng cần phải có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, trong khuôn khổ chủ để diễn đàn về vai trò tiên phong của doanh nghiệp, cần làm rõ về một số vấn đề sau:

Một là, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc góp phần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; góp phần cùng với Nhà nước tạo dựng các thể chế, cơ chế, chính sách mới; nhất là những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (send box)…; cơ sở hạ tầng mới (như hạ tầng mạng internet, trung tâm dữ liệu, mạng 5G…); phát triển nguồn nhân lực mới (với kỹ năng số và hiểu biết về môi trường); phát triển văn hoá mới (như văn hoá số) và thu hút nguồn tài chính mới như tài chính xanh cho chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh?

Nói cách khác, làm thế nào để doanh nghiệp có thể góp phần giúp Nhà nước phát huy được vai trò kiến tạo cho phát triển nói chung và cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nói riêng?

Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tổng kết 40 năm Đổi mới. Ảnh: Việt Dũng.
Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tổng kết 40 năm Đổi mới. Ảnh: Việt Dũng.

Hai là, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò như thế nào trong đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển công nghệ, nhất là công nghệ số; đóng vai trò như thế nào trong việc giúp Việt Nam ứng dụng hiệu quả công nghệ, nhất là công nghệ số và tiến tới làm chủ được công nghệ, nhất là công nghệ số; giúp Việt Nam đảm bảo được an toàn, an ninh mạng?

Nói cách khác, làm thế nào để doanh nghiệp có thể phát huy được vai trò trung tâm trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia?

Ba là, làm thế nào để có thể giải quyết được một cách tối ưu mối quan hệ giữa hiệu quả và chi phí trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đặc biệt là trong bối cảnh năng lực và trình độ của doanh nghiệp chưa cao; đa số các doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cần có những giải pháp gì để Nhà nước có thể hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thành công trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và đảm bảo các cam kết quốc tế.

Bốn là, thảo luận và đề xuất những giải pháp mới, khả thi phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhất là những giải pháp đột phá từ góc độ của doanh nghiệp để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, qua đó giúp chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển đã đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045?

Năm là, thảo luận và đề xuất từ góc độ doanh nghiệp về những nội dung cụ thể về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, có thể được đưa vào văn kiện Đại hội XIV của Đảng (chẳng hạn như các quan điểm mới, chỉ tiêu mới, giải pháp mới, nhất là về hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, phát triển khu vực kinh tế tư nhân; về các đột phá chiến lược; về phát triển khoa học, công nghệ và  đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút FDI chất lượng cao...).