07:57 20/08/2013

Phố Wall giảm liên tục 4 phiên

Thanh Hải

Thị trường giảm tốc vào cuối ngày là do những tin đồn về khả năng FED thay đổi chính sách trong cuộc họp tháng 9 tới

Chỉ số S&amp;P 500 hiện đã là ngày thứ hai chốt ở dưới đường trung bình trong vòng 50 ngày - Ảnh: Reuters.<br>
Chỉ số S&amp;P 500 hiện đã là ngày thứ hai chốt ở dưới đường trung bình trong vòng 50 ngày - Ảnh: Reuters.<br>
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần (19/8), đánh dấu ngày giảm thứ 4 liên tiếp, do nhà đầu tư lo ngại về các động thái sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Cùng với phiên giảm này, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã xác lập chuỗi ngày giảm điểm liên tiếp dài nhất từ đầu năm tới nay, trong khi chỉ số Nasdaq Composite xác lập chuỗi ngày giảm điểm dài nhất kể từ trung tuần tháng 6 cho đến nay, mặc dù chỉ số này đi lên khá tích cực trong phần lớn thời gian của phiên.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 71,11 điểm, tương ứng với mức 0,47%, xuống còn 15.010,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,77 điểm, tương ứng với mức giảm 0,59%, còn 1.646,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Compossite hạ 13,69 điểm, tương ứng với 0,38%, xuống còn 3.589,09 điểm.

Trong đó, đáng chú ý nhất là chỉ số S&P 500 hiện đã là ngày thứ hai chốt ở dưới đường trung bình trong vòng 50 ngày. Đây là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng, việc ở dưới ngưỡng này liên tiếp nhiều ngày cho thấy chỉ số S&P 500 có khả năng sẽ còn giảm xuống mức sâu hơn nữa trong vài phiên giao dịch sắp tới.

Hôm qua, nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục gây ấn tượng mạnh, trong đó đặc biệt là các cổ phiếu Apple và Google. Cụ thể, giá cổ phiếu Apple tăng 1,1% lên 507,74 USD, trong khi cổ phiếu Google tăng 1% lên 865,65 USD. Tuy nhiên, áp lực bán tháo vào cuối ngày vẫn khiến chỉ số Nasdaq Composite bị tổn hại.

Nguyên nhân chính khiến thị trường giảm tốc vào cuối ngày là do những tin đồn về khả năng FED thay đổi chính sách trong cuộc họp tháng 9 tới. Chương trình thu mua trái phiếu hàng tháng trị giá 85 tỷ USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã trở thành động lực giúp chỉ số S&P 500 tăng gần 16% từ đầu năm tới giờ.

Theo giới phân tích, FED tiến hành thu mua trái phiếu hàng tháng nhằm giữ lãi suất ở mức thấp, hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục ổn định. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế khởi sắc hiện nay, việc duy trì lãi suất thấp không còn cần thiết. Hiện giới đầu tư đang chờ xem biên bản cuộc họp tháng 7 dự kiến công bố vào 21/8.

Tuần trước, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã xác lập mức giảm mạnh nhất trong hơn một năm, cũng xuất phát từ lý do nêu trên. Do đó, việc nhà đầu tư khoanh tay chờ đợi là điều hoàn toàn dễ hiểu. Hôm qua, lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã lên tới 2,90%, mức cao nhất trong vòng hai năm vừa qua.

Phiên 19/8, khối lượng giao dịch toàn thị trường tiếp tục ở mức thấp, với khoảng 5,22 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả 3 sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức trung bình hàng ngày 6,32 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ mã giảm/ tăng ở sàn New York là 2.487/576, sàn Nasdaq là 1.774/759.

Thị trườngChỉ sốĐóng cửa+/- (điểm)+/- (%)
MỹDow Jones15.010,74-70,73-0,47
S&P 5001.646,06-9,77-0,59
Nasdaq3.589,09-13,69-0,38
AnhFTSE 1006.465,73-34,26-0,53
PhápCAC 404.083,98-39,91-0,97
ĐứcDAX8.366,29-25,65-0,31
Nhật BảnNikkei 22513.758,13+108,02+0,79
Hồng KôngHang Seng22.463,70-54,11-0,24
Trung QuốcShanghai Composite2.085,60+17,15+0,83
Đài LoanTaiwan Weighted7.900,21-24,79-0,31
Hàn QuốcKOSPI Composite1.917,64-2,47-0,13
SingaporeStraits Times3.173,33-24,20-0,76
Nguồn: CNBC, Market Watch.