07:56 11/07/2013

Phố Wall trồi sụt do tín hiệu trái chiều từ FED

Thanh Hải

Ngoài kinh tế Mỹ, số liệu thương mại tháng 6 đầy thất vọng của Trung Quốc cũng phủ một đám mây u ám lên thị trường

Một khía cạnh khác cũng có liên quan tới sự thăng giáng của chứng khoán 
Mỹ trong ngày 10/7 là việc đồng USD giảm khá mạnh so với các ngoại tệ 
khác - Ảnh: Getty.
Một khía cạnh khác cũng có liên quan tới sự thăng giáng của chứng khoán Mỹ trong ngày 10/7 là việc đồng USD giảm khá mạnh so với các ngoại tệ khác - Ảnh: Getty.
Thị trường chứng khoán Mỹ trồi sụt trong phiên giao dịch ngày 10/7, trong đó hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tiếp tục duy trì ngày tăng điểm thứ 5 liên tiếp, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ.

Cụ thể, kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 8,68 điểm, tương ứng với mức 0,06%, xuống còn 15.291,66 điểm. Ngược dòng, chỉ số S&P 500 tăng được 0,30 điểm, tương ứng với mức 0,02% lên 1.652,62 điểm. Tương tự, chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng được 16,50 điểm, tương ứng 0,47%, lên 3.520,76 điểm.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, với khoảng 5,7 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức giao dịch trung bình hàng ngày 6,4 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Số mã tăng vượt số mã giảm trên sàn New York với tỷ lệ 8/7, trong khi tỷ lệ này trên sàn giao dịch Nasdaq là 7/5.

Thị trường mở phiên biến động nhẹ và dần xuất hiện "sóng lớn" từ giữa ngày, đặc biệt là vào buổi chiều sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố biên bản cuộc họp mới đây cho biết, nền kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục nhẹ trong quý hai, song một nửa số thành viên cho rằng cần chấm dứt biện pháp nới lỏng định lượng vào cuối năm.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường việc làm cần có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ hơn nữa, thì Cục Dự trữ Liên bang mới cân nhắc tới việc có nên cắt giảm hay không những biện pháp nới lỏng định lượng. Những quan điểm trái chiều này khiến cho thị trường dao động lên xuống đầy khó lường trước khi chính thức đóng cửa.

Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, hàng hóa tồn kho trong tháng 5 đã giảm 0,5% so với tháng liền trước, ngoài dự kiến của giới phân tích thị trường. Tuy nhiên, doanh số bán buôn tháng 5 lại tăng 1,6%. Ngoài ra, theo Hiệp hội Các ngân hàng thế chấp, số đơn thế chấp nợ tuần qua tại Mỹ (kết thúc ngày 5/7) giảm 4%.

Bên cạnh những vấn đề liên quan tới kinh tế Mỹ, thì số liệu thương mại tháng 6 đầy thất vọng của Trung Quốc cũng phủ một đám mây u ám lên thị trường. Theo báo cáo của Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã giảm mạnh tới 3,1%, trong khi kim ngạch nhập khẩu cũng suy giảm ở mức 0,7%.

Một khía cạnh khác cũng có liên quan tới sự thăng giáng của chứng khoán Mỹ trong ngày 10/7 là việc đồng USD giảm khá mạnh so với các ngoại tệ khác. Tính tới cuối phiên New York, đồng Euro đổi được 1,2881 USD, trong khi đồng bảng Anh đổi được 1,4923 USD, đôla Australia đổi 0,9115 USD. Một USD đổi được 100,18 Yên Nhật.

Thị trườngChỉ sốĐóng cửa+/- (điểm)+/- (%)
MỹDow Jones15.291,66-8,68-0,06
S&P 5001.652,62+0,30+0,02
Nasdaq3.520,76+16,50+0,47
AnhFTSE 1006.504,96-8,12-0,12
PhápCAC 403.840,53-3,03-0,08
ĐứcDAX8.066,48+8,73+0,11
Nhật BảnNikkei 22514.416,60-56,30-0,39
Hồng KôngHang Seng20.904,56+221,55+1,07
Trung QuốcShanghai Composite2.008,13+42,67+2,17
Đài LoanTaiwan Weighted8.011,67+40,51+0,51
Hàn QuốcKOSPI Composite1.824,16-6,19-0,34
SingaporeStraits Times3.188,04+9,41+0,30
Nguồn: CNBC, Market Watch.