08:39 01/06/2013

Phố Wall tuột dốc mạnh phiên cuối tháng

Thanh Hải

Khối lượng giao dịch bùng nổ với khoảng 7,64 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động 
trong thời gian gần đây, là do xuất hiện tin tức về việc Cục 
Dự trữ Liên bang Mỹ có thể rút chương trình kích thích tăng trưởng - Ảnh: Getty.<br>
Thị trường chứng khoán Mỹ biến động trong thời gian gần đây, là do xuất hiện tin tức về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể rút chương trình kích thích tăng trưởng - Ảnh: Getty.<br>
Thị trường chứng khoán Mỹ lâm cảnh bán tháo khi vào gần cuối phiên 31/5, do vấn đề kỹ thuật và tái cân bằng chỉ số MSCI, khiến các chỉ số chính giảm mạnh hơn 1%. Tuy nhiên, tính cả tháng, các chỉ số vẫn tăng khá lớn.

Cụ thể, kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tháng 5, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh tới 208,96 điểm, tương ứng với mức 1,36%, xuống 15.115,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,67 điểm, tương ứng với mức 1,43%, xuống còn 1.630,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 35,38 điểm, tương ứng 1,01%, xuống 3.455,91 điểm.

Tính cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,2%, chỉ số S&P 500 giảm 1,1% và chỉ số Nasdaq Composite hạ nhẹ 0,1%. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 5, Dow Jones tăng 1,9%, S&P 500 tăng 2,1% và Nasdaq tiến 3,8%. Trong đó, chỉ số S&P 500 đánh dấu tháng tăng điểm thứ 7 liên tiếp, giai đoạn tăng liên tục dài nhất từ 2009.

Chỉ số S&P 500 đã tăng 14,3% kể từ đầu năm 2013 cho tới nay. Trong vài tháng gần đây, chỉ số này liên tục lập và vượt kỷ lục điểm số, sau khi chính thức chọc thủng ngưỡng điểm cao nhất mọi thời đại xác lập trước giai đoạn suy thoái kinh tế. Nhìn chung trong suốt 7 tháng giao dịch vừa qua, chỉ số S&P 500 đã tăng mạnh 15,5%.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu xuất hiện những biến động trong khoảng 1 tuần trở lại đây, sau khi xuất hiện tin tức về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể rút chương trình kích thích tăng trưởng, động lực chính cho thị trường thời gian qua. Sự lo lắng của nhà đầu tư càng lớn hơn sau phát biểu của Chủ tịch FED.

Đà lao dốc của thị trường trong phiên cuối tháng cũng không nằm ngoài lý do này, nhất là sau khi có báo cáo cho biết hoạt động sản xuất trong tháng 5 tăng cao hơn so với dự kiến. Mặc dù chi tiêu dùng trong tháng 4 giảm lần đầu tiên trong gần 1 năm qua, song điều này không đủ dập tắt đồn đoán về khả năng FED có động thái trên.

Trong số các cổ phiếu giảm giá, đáng chú ý nhất là nhóm năng lượng và chăm sóc y tế. Chỉ số S&P lĩnh vực chăm sóc y tế giảm tới 2,2%, trong khi chỉ số S&P lĩnh vực năng lượng trượt 2%.

Khối lượng giao dịch bùng nổ khi MSCI tái cân bằng danh mục, với khoảng 7,64 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao hơn mức trung bình hàng ngày 6,37 tỷ cổ phiếu trong năm 2013. Số cổ phiếu giảm điểm vượt số tăng trên sàn New York với tỷ lệ là 2.572/ 459, sàn Nasdaq là 1.787/ 693.

Thị trườngChỉ sốĐóng cửaTăng/giảm (điểm)Tăng/giảm (%)
MỹDow Jones15.115,57-208,96-1,36
S&P 5001.630,74-23,67-1,43
Nasdaq3.455,91-35,38-1,01
AnhFTSE 1006.583,09-73,90-1,11
PhápCAC 403.948,59-47,72-1,19
ĐứcDAX8.348,84-51,36-0,61
Nhật BảnNikkei 22513.774,54+185,51+1,37
Hồng KôngHang Seng22.392,16-92,15-0,41
Trung QuốcShanghai Composite2.300,60-16,94-0,73
Đài LoanTaiwan Weighted8.254,80+11,51+0,14
Hàn QuốcKOSPI Composite2.001,05+0,95+0,05
SingaporeStraits Times3.311,37-24,64-0,74
Nguồn: CNBC, Market Watch.