13:23 29/06/2021

Phố Wall vẫn đang đặt cược vào sự tăng giá của nguyên vật liệu thô

An Huy

Nhiều hàng hoá cơ bản, từ đồng tới gỗ, đã giảm mạnh từ mức đỉnh gần đây, theo đó làm dịu bớt nỗi lo về một vòng xoáy lạm phát. Tuy nhiên, giới đầu tư ở Phố Wall vẫn tin vào triển vọng tăng giá của nhiều mặt hàng trong số này, cho rằng mức giá hiện tại vẫn còn rẻ...

Thu hoạch ngô ở Mỹ - Ảnh: Bloomberg/WSJ.
Thu hoạch ngô ở Mỹ - Ảnh: Bloomberg/WSJ.

Nhiều hàng hoá cơ bản, từ đồng tới gỗ, đã giảm mạnh từ mức đỉnh gần đây, theo đó làm dịu bớt nỗi lo về một vòng xoáy lạm phát. Tuy nhiên, giới đầu tư ở Phố Wall vẫn tin vào triển vọng tăng giá của nhiều mặt hàng trong số này, cho rằng mức giá hiện tại vẫn còn rẻ.

Giá đồng hiện giảm 10% so với mức kỷ lục thiết lập vào tháng 3. Giá ngô và đậu tương giảm tương ứng 13% và 19% so với mức đỉnh hồi tháng 5. Giá lợn hơi giao sau đã giảm 17% trong tháng 6 này.

 
“Tôi không cho rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói”.
Giám đốc đầu tư Ed Egilinsky của Direxion

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell gần đây nói rằng việc giá gỗ leo thang chóng mặt rồi lao dốc là một bằng chứng cho thấy việc giá nguyên vật liệu thô tăng cao chỉ là vấn đề tạm thời. Sự tăng giá này chẳng qua do nền kinh tế mở cửa trở lại dẫn tới nhu cầu bung nén trong khi nguồn cung lại đang có những nút thắt cổ chai – theo ông Powell.

Sau khi tăng gấp 4 lần kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, giá gỗ giao sau ở Mỹ gần đây đã sụt giảm 54%.

TIỀN VẪN CHẢY VÀO HÀNG HOÁ CƠ BẢN

“Mấy tháng trước, mọi người đều có chung quan điểm rằng giá hàng hoá cơ bản chỉ có tăng mà thôi”, ông Richard Dunbar, trưởng bộ phận nghiên cứu thuộc Aberdeen Standard Investments, phát biểu. “Nhưng gần đây, một số diễn biến đã nhắc nhở chúng ta rằng giá nguyên vật liệu thô sẽ không tăng theo một đường thẳng”.

Dù đã giảm mạnh, giá gỗ ở Mỹ hiện vẫn đang cao gấp 2 lần so với mức giá thường thấy ở thời điểm này hàng năm. Giá đồng, nông sản và lợn hơi vẫn đang ở vùng giá cao của nhiều năm. Giá dầu và giá khí đốt đã nhảy lên mức cao nhất từ năm 2018.

Đối với các nhà đầu tư, sự tăng giá nguyên vật liệu thô gửi đi những tín hiệu trái chiều. Một mặt, giá tăng được xem là một mối đe doạ đối với sự hồi phục kinh tế, vì đẩy chi phí đầu vào gia tăng. Nhưng mặt khác, giới đầu tư cũng muốn đổ tiền vào hàng hoá cơ bản để hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và để bảo vệ phần còn lại của danh mục khỏi lạm phát.

“Tôi không cho rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói”, Giám đốc đầu tư Ed Egilinsky của Direxion, một công ty quản lý các quỹ ETF chuyên đầu tư vào thị trường nguyên vật liệu thô giao sau phát biểu.

Nhu cầu tiêu dùng mạnh, các khoản chi tiêu khổng lồ của chính phủ - như việc Trung Quốc làm đầy dự trữ hậu Covid và dự luật đầu tư hạ tầng trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD đang được đàm phán của Mỹ - cùng quãng thời gian nhiều năm đầu tư không đầy đủ cho việc phát triển nguồn cung là những lý do để không ít nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào sự tăng giá của hàng hoá cơ bản. Thậm chí, có nhiều người tin rằng, với những yếu tố như vậy, giá nguyên vật liệu thô như hiện nay là rẻ.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Deutsche Bank, giá hàng hoá cơ bản có khuynh hướng tăng tốt hơn so với các tài sản khác mỗi khi lạm phát tăng cao. Mặt khác, ở thời điểm hiện tại, giá hàng hoá cơ bản đang rẻ tương đối với giá cổ phiếu, trong bối cảnh các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ thời gian qua liên tục lập kỷ lục.

“Nguyên vật liệu thô là một lớp tài sản ít được chú trọng trong 10 năm qua. Chỉ cần một sự dịch chuyển nhỏ của dòng vốn trở lại thị trường này cũng có thể tạo ra ảnh hưởng lớn về giá”, chiến lược gia Jim Reid của Deutsche Bank nhận định.

NHÂN TỐ TRUNG QUỐC

Nhà quản lý danh mục Matt Fine thuộc Third Avenue Management gần đây mua mạnh cổ phiếu khai mỏ đồng và cổ phiếu các nhà cung cấp dịch vụ-thiết bị khoan tìm dầu khí, để bổ sung vào quỹ đầu tư cổ phiếu giá trị có quy mô 663 triệu USD của công ty.

Trung Quốc – quốc gia mua khoảng 60% lượng nguyên vật liệu thô trên thị trường quốc tế - là một rủi ro đối với những khoản đặt cược.

Một trong những cổ phiếu mà ông Fine đang nắm nhiều nhất là Interfor, một công ty chế biến gỗ của Canada. Công ty này liên tục báo lãi kỷ lục từ mùa hè năm ngoái do giá gỗ tăng cao. Trong vòng 1 năm, cổ phiếu Interfor tăng 174%, so với mức tăng chỉ 39% của chỉ số S&P 500.

Trong một báo cáo vào tuần trước, BofA Securities khuyến nghị nhà đầu tư rót vốn vào Sở giao dịch chứng khoán Toronto – nơi cổ phiếu các công ty khoan tìm dầu khí, khai mỏ, chế biến gỗ và các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực hàng hoá cơ bản chiếm hơn 1/4 tổng vốn hoá toàn thị trường, so với mức chỉ 6% trong chỉ số S&P 500.

Ngân hàng Goldman Sachs mới đây cũng khuyến nghị mua cổ phiếu của 5 công ty lớn trong chuỗi cung ứng khí đốt, gồm EQT Corp., Targa Resources, và Cheniere. Giá khí đốt ở Mỹ hiện đã tăng hơn 1/3 kể từ tháng 3 và đắt gấp hai lần so với cách đây 1 năm, trong khi giá khí đốt ở châu Âu vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm, trong bối cảnh lượng khí đốt tồn kho giảm nhanh hơn so với tốc độ tăng của nguồn cung mới.

Tuy nhiên, Trung Quốc – quốc gia mua khoảng 60% lượng nguyên vật liệu thô trên thị trường quốc tế - là một rủi ro đối với những khoản đặt cược như vậy. Nhu cầu của Trung Quốc đã đẩy giá đậu tương, ngô, khí đốt, than, đồng và kẽm lên ngưỡng đỉnh, nhưng nước này gần đây đã có loạt động thái kiềm chế sự leo thang. Trong đó phải kể tới việc Bắc Kinh xả dự trữ đồng, kẽm và nhôm.

“Nguồn cung đôi khi có thể đến từ những nơi không ai ngờ tới”, ông Dunbar nhận xét về việc Trung Quốc xả dự trữ. “Mọi người cứ nghĩ là sẽ phải mất tới 5 năm để nguồn cung cải thiện đáng kể, nhưng thực tế lại chỉ mất có 5 phút”.