15:00 15/03/2023

Phục hồi du lịch hậu Covid: Kiến nghị đẩy mạnh phát triển sản phẩm golf để thu hút du khách

Tiến Dũng

Đây là kiến nghị được Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển” sáng ngày 15/3...

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá cao, nỗ lực của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng chương trình đẩy nhanh phục hồi phát triển du lịch. Đây là mong muốn của tất cả các doanh nghiệp du lịch.

Theo ông, Trước năm 2019, ngành có khoảng 40.000 doanh nghiệp với 1,5 triệu lao động trực tiếp và 2,5 triệu lao động gián tiếp, lực lượng rất lớn. Cho nên, tất cả mọi người đang chờ đợi vào những  quyết tâm của Chính phủ và sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước cho sự phục hồi.

"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ. Về phía Hiệp hội chúng tôi cũng cam kết sẽ vận động các doanh nghiệp cả nước tích cực triển khai chương trình hiệu quả nhất", ông Vũ Thế Bình nói. "Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề thực tiễn, khi triển khai ai làm cái gì, nguồn lực ở đâu, ai chịu trách nhiệm".

Đánh giá về nhận định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch rằng hạn chế là các doanh nghiệp du lịch chưa chủ động tích cực để kết nối với các thị trường để khai thác, ông Bình cho rằng sau 2 năm "đóng băng",  năng lực của doanh nghiệp giảm sút nên khó kết nối, cho nên sự hỗ trợ lúc này của Nhà nước là vô cùng quan trọng.

"Vấn đề là hỗ trợ đúng hướng để giải quyết một các mạnh mẽ thì chúng ta mới có thể làm được", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu rõ. "Hôm nay chúng tôi có một đề tài được giao là huy động nguồn lực tập hợp của các doanh nghiệp để đẩy mạnh phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch. Chúng tôi thấy rằng có 2 nguồn để hỗ trợ du lịch phát triển, một là nguồn của Nhà nước, hai là của xã hội", ông Vũ Thế Bình nói.

Về chương trình Nhà nước đưa ra để đẩy nhanh phục hồi du lịch, đại diện Hiệp hôi Du lịch đưa ra một số kiến nghị để phục hồi du lịch thời gian tới, đặc biệt là để thu hút loại khách chi trả cao đến Việt Nam và để Việt Nam thành thị trường khách du lịch cao cấp. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch thể thao như golf.

"Hiện nay golf chỉ là môn thể thao nhưng thực chất trở thành sản phẩm du lịch hết sức quan trọng và số lượng khách đến Việt Nam đánh golf ngày càng đông", ông Bình phát biểu.

Ông dẫn chứng, năm 2019, riêng Hàn Quốc có 5 triệu khách đến Việt Nam trong đó có hơn 1 triệu khách du lịch đến đánh golf. Lượng khách này chi trả chi phí tới 2 - 3 tỷ USD cho Việt Nam.

"Nước nào cũng phát triển rất nhiều sân golf để hút khách, nên chúng tôi đề nghị Nhà nước cho phép miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của những người chơi golf là khách du lịch. Bởi 20 năm trước chúng ta nghĩ chơi golf là xa xỉ vì vậy chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng thực ra bây giờ thì toàn khách du lịch", ông Bình kiến nghị. "Đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu để có thể giảm từ 20% xuống 10%, hay 5% hoặc miễn phí được thì nâng cao khả năng cạnh tranh rất lớn cho du lịch Việt Nam".

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG cho cho biết chưa bao giờ Việt Nam đó nhiều khách du lịch đến chơi golf như hiện nay và du lịch golf của Việt Nam được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

"Tập đoàn BRG đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và được các tập đoàn quốc tế top đầu của thế giới quản lý. Vì vậy, đối tượng chính của chúng tôi hiện nay đang có mức chi trả của du lịch cấp cao, gấp 2-3 lần mức của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, từ 200-300USD/ngày và thường ở 3-4 ngày", Đại diện tập đoàn cho biết.

Theo bà, về thuế, chưa nói đến thuế thu nhập nhưng nếu tính đến doanh thu, mức thuế VAT là 10% và thuế tiêu thụ đặc biệt là 20% - đây là mức cao bởi các nước xung quanh chỉ từ 5%-7%. Bà Nga đề nghị Chính phủ nghiên cứu để điều chỉnh mức thuế này cho phù hợp nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn.