15:10 25/11/2008

Phương án xử lý nào đối với ngân hàng "mini"?

Liệu 9 ngân hàng có vốn pháp định "dưới chuẩn" có kịp huy động đủ vốn tối thiểu đúng thời hạn?

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm.
Theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng thì mức vốn điều lệ tối thiểu của các ngân hàng thương mại cổ phần vào ngày 31/12/2008 ít nhất phải đạt 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện vẫn còn 9 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn pháp định "dưới chuẩn". Liệu các ngân hàng này có kịp huy động đủ vốn tối thiểu đúng thời hạn là câu hỏi được đặt ra với nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là các ngân hàng thương mại phải tăng vốn pháp định lên tối thiểu 1.000 tỷ đồng, theo ông, liệu các ngân hàng có thực hiện được?

Mặc dù thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong 10 tháng đầu năm, trong toàn hệ thống ngân hàng vốn điều lệ vẫn tăng thêm khoảng 28%.

Đây là một sự cố gắng rất lớn của các ngân hàng nhằm bảo đảm thực hiện tăng vốn theo lộ trình đúng quy định của Nghị định 141.

Tôi được biết, hiện còn 9 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng, mặc dù họ đã gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán đề nghị tăng vốn, nhưng theo tôi, chỉ có vài ngân hàng đang có mức vốn 800 - 900 tỷ đồng mới có thể thực hiện được, còn những ngân hàng khác, hiện chỉ có vốn điều lệ 500 - 600 tỷ đồng thì khó có thể tăng đủ vốn.

Ông có thể phân tích thêm về nội dung này?

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục xuống dốc như hiện nay, cổ phiếu của nhiều ngân hàng thương mại tên tuổi cũng chỉ được giao dịch bằng thậm chí thấp hơn mệnh giá thì khả năng tăng vốn đối với các ngân hàng nhỏ là rất khó, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.

Bởi khó có ngân hàng nào có thể phát hành cổ phiếu để tăng vốn và cũng rất khó có thể tìm được nhà đầu tư chiến lược.

Trong năm 2008, hoạt động ngân hàng hết sức khó khăn, hầu hết các ngân hàng đều phải điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu, lợi nhuận. Những ngân hàng nhỏ cũng không có nhiều nguồn vốn tích luỹ để tăng vốn bằng biện pháp này.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, ông có lo ngại về việc này?

Trong điều kiện tình hình kinh tế khá nhạy cảm như hiện nay, nếu một ngân hàng nào đó vì không bảo đảm được vốn điều lệ theo Nghị định 141 mà bị đổ vỡ thì hết sức nguy hiểm.

Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nên kiến nghị Chính phủ hướng xử lý, trước mắt thực hiện việc phân loại ngân hàng.

Trên cơ sở phân loại sẽ đưa ra các bước đi thích hợp cho từng ngân hàng cụ thể, nhưng vẫn phải đặt ra mốc cuối cùng là yêu cầu tất cả các ngân hàng phải đáp ứng đủ vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và sau đó nâng lên 3.000 tỷ đồng theo đúng quy định của Nghị định 141. Quy mô tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam rất nhỏ, bình quân chỉ khoảng 30 triệu USD.

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo sức cạnh tranh cho các ngân hàng thương mại trước những ngân hàng 100% vốn nước ngoài có tiềm lực mạnh về vốn và công nghệ đã trở thành một yêu cầu cấp bách.

Sáp nhập các ngân hàng nhỏ với nhau là một trong những hướng đi để tăng quy mô tài chính. Theo ông, hướng đi này có thực hiện được không?

Đây cũng là một hướng, nhưng thực hiện biện pháp này khơi khó, bởi việc sáp nhập để cùng nhau mạnh hơn thường được thực hiện giữa một doanh nghiệp mạnh với một doanh nghiệp yếu hay doanh nghiệp có thế mạnh này sáp nhập với doanh nghiệp có thế mạnh khác để cùng nhau chiếm lĩnh thị trường, đây mới là hướng đi đúng.

Còn 2 - 3 doanh nghiệp, không doanh nghiệp nào có thế mạnh mà sáp nhập với nhau vẫn chỉ là doanh nghiệp yếu, nếu có chăng chỉ là sự đối phó để đáp đủ vốn điều lệ theo quy định.

Hơn nữa, nếu các ngân hàng nhỏ không tự nguyện sáp nhập thì Ngân hàng Nhà nước cũng không can thiệp hành chính để bắt buộc sáp nhập, song đến một lúc nào đó, những ngân hàng này đứng trước khả năng đổ vỡ thì Ngân hàng Nhà nước buộc phải có quyết định hành chính để bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống và cho quyền lợi của nền kinh tế.

Nếu không có cách nào khác thì cách tốt nhất là… cho giải thể, nếu không phải sửa đổi lại Nghị định 141, thưa ông?

Có nên cho phép phá sản một số ngân hàng quá nhỏ, hoạt động yếu kém hay không là một câu hỏi khó với tình hình cụ thể ở Việt Nam, mặc dù trên thế giới, việc phá sản ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn là chuyện bình thường.

Theo tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước có nhiều hướng xử lý, trong đó không loại trừ việc cho một vài ngân hàng nhỏ giải thể hoặc sáp nhập vào ngân hàng lớn.

Nếu điều xấu nhất này xảy ra với ngân hàng nào đó, Nhà nước vẫn bảo đảm tất cả các quyền lợi của người gửi tiền cũng như người vay tiền, đảm bảo cho sự lành mạnh của thị trường tài chính và nền kinh tế, tránh gây xáo trộn dẫn đến ảnh hưởng dây chuyền cho toàn hệ thống.

Tuy nhiên, khả năng phá sản không cao. Việc thực hiện Nghị định 141, tôi nghĩ rằng, do điều kiện phát sinh không thực hiện được thì cũng phải sửa đổi, bổ sung và tìm hướng xử lý cho phù hợp.

Trong khi giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại nhỏ đang rất rẻ, ông có nghĩ rằng, Nhà nước nên bỏ tiền đầu tư vào các ngân hàng này?

Ngân sách Nhà nước có thể bỏ tiền mua cổ phần của một số ngân hàng nhỏ để trở thành cổ đông chiến lược, cổ đông có quyền chi phối, sau khi tái cơ cấu, Nhà nước bán cổ phần cũng là hướng đi đã được một số nước thực hiện.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có tiền lệ và Luật Ngân sách Nhà nước cũng không có khoản nào để đầu tư vào việc này.

Tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước đã có phương án và thời điểm cụ thể để xử lý đối với từng ngân hàng, với mục tiêu xuyên suốt là giữ sự ổn định của toàn hệ thống.

Mạnh Bôn (Đầu tư Chứng khoán)