14:00 02/02/2022

Qua “cơn bão dịch”, cây lại xanh tươi, kết trái

Đức Long - Song Hoàng

Chưa bao giờ những ngôi làng chuyên canh cây cảnh, hoa trái đặc sản tại Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn như trong năm 2021. Bão dịch quét qua khiến việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân điêu đứng. Nhưng họ vẫn giữ niềm tin để chiến thắng dịch bệnh bằng những vụ mùa bội thu.

Nông dân Tràng Cát phấn khởi khi lá dong được giá, được mùa
Nông dân Tràng Cát phấn khởi khi lá dong được giá, được mùa

Đêm 30 Tết Canh Tý, gần như cả miền Bắc chìm trong cơn cuồng phong, mưa đá dữ dội. Ông Nguyễn Văn Cương, người trồng phật thủ nổi tiếng ở Đắc Sở, một vùng quê thuần nông ven Hà Nội bảo đó là một kiểu thời tiết dị thường, mang đến những dự cảm chẳng mấy tốt lành. Nhiều diện tích phật thủ mới trồng của ông năm đó may mắn không bị mưa đá phá hỏng hoàn toàn, nhưng cũng hư hại rất nhiều.

Dự cảm của ông Cương về sự biểu hiện bất thường của thời tiết quả thật không sai. Sau trận mưa đá giữa đêm giao thừa, những ngày sau đó, dịch bệnh Covid -19 xuất hiện như một cơn ác mộng.

KHÔNG CHO ĐẤT NGHỈ, CHỜ BÃO DỊCH ĐI QUA

Những người làm nông nghiệp ở Hà Nội như ông Cương từng bước thấy rõ được những khó khăn, thách thức. Nhiều lúc phật thủ chín rộ mà chờ dài cổ thương lái cũng không đến mua. “Người ta lo bệnh tật cuống lên, tâm trí đâu nữa mà mua hoa trái”, ông Cương nói.

Nhiều lần vợ chồng ông phải kẽo kẹt chở phật thủ ra phố lớn để bán lẻ. Cũng may chưa cần ai giải cứu, và cũng may không phải ăn phật thủ thay cơm, ông Cương cười rổn rảng trong lúc khoe những quả phật thủ đẹp không tì vết. Vụ mùa năm nay - Tết Nhâm Dần, ông Cương đã thấy những khó khăn qua đi, hoa trái trong vườn đang bán tốt lên mỗi ngày.

Bà Nguyễn Thu Hương, vợ ông Cương phấn khởi vì vườn phật thủ xuất bán đúng lúc được giá
Bà Nguyễn Thu Hương, vợ ông Cương phấn khởi vì vườn phật thủ xuất bán đúng lúc được giá

“Không còn cảnh phong tỏa, không còn cảnh cách ly, không phải lo giấy đi đường, cũng không lo bị phạt nếu chẳng may lây Covid, tôi thấy mừng lắm. Năm nay thời tiết đúng kiểu ngày xưa vào Tết, rét ngọt vừa đủ, mưa gió thuận hòa, nên cây nào cũng cho trái đẹp. Tôi tin năm tới dịch bệnh sẽ hết, nông dân chúng tôi cũng được tiêm 2 mũi vắc xin rồi nên vững tâm lắm. Giá hàng hóa không ách tắc, ùn ứ ở biên giới nữa thì năm nay dân Đắc Sở cũng như nông dân cả nước ăn Tết to để mừng vì dịch bệnh đã gần đi qua”. Ông Cương nói trong tâm trạng đầy hy vọng. 

Hơn 15 năm trước, ông Cương là một trong những hộ dân đầu tiên mang giống cây mới lạ này về Đắc Sở, Quốc Oai, Hà Nội. Nhờ chịu khó tìm tòi và cũng trải qua rất nhiều phen bầm dập vì mất mùa, mất giá, nhưng ông Cương cũng như nhiều người dân ở làng quê này đang từng bước giàu lên. Sự giàu lên từ đất đai, từ trồng cấy, từ sự chịu thương chịu khó của người nông dân khiến cho Đắc Sở luôn yên bình, xanh mát.

Người Đắc Sở bây giờ trồng phật thủ đã đạt “đẳng cấp” nghệ nhân. Những quả phật thủ không những phải to đẹp, lớp vỏ sáng bóng mà còn phải nhiều ngón, hội tụ đủ các yếu tố “thịnh - suy - bĩ – thái” theo quan niệm tâm linh.

Đặc biệt những quả phật thủ có ngón cuối cùng rơi vào chữ “thịnh” sẽ được giới nhà giàu săn đón vì họ tin rằng, sở hữu quả “tay phật” như vậy, gia đình sẽ được sung túc, ăn nên làm ra. Hoặc giả, một số quả phật thủ có số ngón vừa phải nhưng có nhiều tầng lớp cũng rất được ưa chuộng. Vì rằng, cũng theo quan niệm tâm linh, có quả phật thủ để thờ cúng, gia đình sẽ đông con, nhiều cháu.

LÁ DONG TRÀNG CÁT XUẤT KHẨU SANG NGA, ĐỨC

Cũng trải qua những ngày tháng “hú vía” khi Covid -19 quét qua, bây giờ khi cận Tết, dịch bệnh cơ bản không còn, người trồng lá dong Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đang tíu tít đi hái lá, thu tiền.

Ông Nguyễn Văn Định 84 tuổi, chủ một gia đình 3 đời trồng lá dong khoe, loại lá “đặc hữu” của Tràng Cát này bất chấp đại dịch, năm ngoái vẫn xuất sang Singapore, Đức, rồi cả Liên bang Nga… Nói chung, lá này gói bánh, hay làm gì cũng đẹp, chẳng sợ Covid-19. Nhưng nếu không có Covid-19, chắc sẽ bán tốt hơn nữa”.

Ông Định nói xong cười rung cả râu. Ông bảo rất yêu ngôi làng xanh mướt ven sông Đáy này và cũng như nhiều người dân Tràng Cát, ông tự hào vì thứ lá “đặc sản” của quê hương.

“Dù có dịch bệnh thế nào thì vẫn phải có lá dong tiến vua cho người Hà Nội gói bánh chưng đón Tết chứ”. Ông Định cam kết chắc nịch.

Bà Nguyễn Thị Thành thì “hãi” dịch bệnh hơn. Bà lo, nếu Tết đến mà chẳng may lại cấm đường như đợt trước, thương lái không đến được, xe cộ đi lại, thì “toi” mất bao nhiêu tiền. Nhà bà Thành đang bán buôn loại lá dong cao cấp nhất với giá 100.000 đồng/ 100 lá. Vụ mùa năm nay, nếu không có Covid-19 thì bà Thành bỏ túi tầm 30 triệu đồng. 30 triệu là số tiền lớn với người dân ở vùng đất thuần nông ven sông Đáy này.

Nông dân Tràng Cát "cam kết" cung cấp đủ lá dong cho người Hà Nội gói bánh chưng đóng Tết
Nông dân Tràng Cát "cam kết" cung cấp đủ lá dong cho người Hà Nội gói bánh chưng đóng Tết

Theo những người cao niên trong làng, lá dong thôn Tràng Cát đã có từ 600 năm trước và được chọn gói bánh chưng tiến vua. Vì có lịch sử lâu đời như vậy, nên người Tràng Cát hầu như nhà nào cũng chỉ toàn lá dong. Từ trong sân nhà cho đến ngoài cánh đồng, đâu cũng một mầu xanh mướt.

Người làng Tràng Cát tự hào vì sản vật này là đặc biệt. Lá dong ở đây nổi tiếng bởi bầu lá tròn và dai, mặt dưới lá có màu xanh non, cuống lá dài và cùng màu với gân lá. Khi luộc chín, bánh chưng sẽ có màu xanh tự nhiên vừa đẹp mắt lại có vị thơm.

Năm nay, khi các làn sóng dịch đã không còn khốc liệt, căng thẳng thì nhịp sống bình thường đã quay trở lại, những ngôi làng đầy hoa trái rực rỡ của Hà Nội như Tràng Cát, Đắc Sở, Tây Tựu, Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên… lại rộn rã, khoe sắc đẹp hơn trong tiết xuân dịu ngọt đang tràn về.

Tết luôn mang đến nhiều hy vọng. Nhìn vào sắc xuân năm nay, nhìn vào những vụ mùa bội thu với những hoa trái rộ mùa, nhiều nông dân Hà Nội tin chắc rằng những ngày tháng vất vả, lo lắng, bất an đã đi qua.

Chỉ cần dịch bệnh đi qua, thì trên những cánh đồng trù phú, những nông dân của Hà Nội vẫn dư sức làm giàu mà không cần bán đất. Một mùa xuân “bình thường mới” lại tràn về với những ngôi làng đầy màu xanh, đầy hoa trái của Hà Nội, trái tim cả nước.