14:53 13/11/2024

Quá trình chuyển giao quyền lực để giữ Prada lại cho nước Ý

Minh Nguyệt

Những thương hiệu thời trang được vận hành với mô hình gia đình luôn đề cao sự quan trọng của việc kế thừa. Từ tập đoàn LVMH đến Salvatore Ferragamo và Ermenegildo Zegna, những thế hệ tiếp nối đã bắt đầu được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng...

Ảnh: Le Monde
Ảnh: Le Monde

Có rất nhiều lo ngại rằng vị thế của Italy sẽ suy yếu khi mà các quyết định chiến lược trong ngành thời trang giờ đây thường được thực hiện ở Paris, London hay New York, dù trên thực tế 80% hàng xa xỉ trên toàn cầu đều đi qua các xưởng và nhà máy Italy. Đối với các gia tộc sở hữu thương hiệu, điều này đồng nghĩa với việc mất đi quyền kiểm soát và danh tiếng. Tuy nhiên, những người đứng đầu Prada hiện tại rất muốn đảm bảo rằng thương hiệu xa xỉ này vẫn thuộc về nước Ý và “Prada-ness” sẽ tồn tại mãi mãi.

Bà Miuccia (76 tuổi) và Patrizio – chồng của bà (78 tuổi) đều quyết tâm thực hiện việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ tiếp theo một cách phù hợp và suôn sẻ nhất để đảm bảo Prada có thể duy trì được sự độc lập của mình. Điều đó có nghĩa là cặp vợ chồng đứng đầu tập đoàn Prada không muốn thương hiệu của mình bị phụ thuộc hoặc bị kiểm soát bởi các tập đoàn lớn như LVMH hay Kering SA, vốn đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực hàng xa xỉ.

Bà Miuccia Prada và chồng Patrizio Bertelli.
Bà Miuccia Prada và chồng Patrizio Bertelli.

Các nhà mốt Ý đã từng chứng kiến rất nhiều thương hiệu một bị các công ty toàn cầu lớn thâu tóm. Chẳng hạn như thương vụ mua lại Fendi và Loro Piana của LVMH và lần gần đây nhất, tập đoàn Pháp này đã mua lại một phần cổ phần của công ty Moncler SpA. Quỹ đầu tư L Catterton (cũng là một phần của LVMH) đã tham gia vào quá trình mua lại cổ phiếu của Tod’s từ công chúng, khiến Tod’s không còn là công ty đại chúng mà trở thành công ty tư nhân. Hay việc Kering sở hữu Gucci, Bottega Veneta và có quyền kiểm soát Valentino.

Mặt khác, một số người sáng lập các doanh nghiệp lớn tại Ý như Giorgio Armani hiện đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn chưa chỉ định người thừa kế. Leonardo Del Vecchio – nhà sáng lập tập đoàn EssilorLuxottica sở hữu Ray-Ban – qua đời vào năm 2022 nhưng gia đình ông vẫn đang tranh cãi về vấn đề kế thừa hai năm sau đó. Việc các cuộc thảo luận về việc chuyển giao cho thế hệ tiếp theo là điều cấm kỵ, khiến những người thừa kế không được chuẩn bị đầy đủ dẫn đến các cuộc tranh chấp. Chẳng hạn, John Elkann, người đứng đầu gia đình Agnelli, những người sáng lập ra hãng xe Fiat, vẫn đang tranh chấp trên toà với mẹ mình là Margherita Agnelli.

Để tránh bị rơi vào các trường hợp trên, bà Miuccia đã chủ động chuyển nhượng hầu hết cổ phần của mình cho hai con trai. Mặc dù bà vẫn giữ quyền biểu quyết, người con trai cả Lorenzo (36 tuổi) nắm 50,5% cổ phần tại Ludo SpA (công ty mẹ của Prada). Em trai Giulio – người hiện không có kế hoạch làm việc trong công ty gia đình – nắm giữ phần còn lại.

Lorenzo Bertelli xác nhận anh sẽ thừa kế chức vụ Tổng giám đốc trong khoảng 3, 4 năm tới.
Lorenzo Bertelli xác nhận anh sẽ thừa kế chức vụ Tổng giám đốc trong khoảng 3, 4 năm tới.

Ông Patrizio Bertelli chưa thực hiện các động thái tương tự như bà Miuccia và hiện vẫn kiểm soát hoàn toàn công ty đầu tư của mình, theo các hồ sơ pháp lý ở Ý. Tuy nhiên, điều này vẫn không ảnh hưởng đến vị trí của Lorenzo. Ngoài ra, ông Patrizio cũng hoàn toàn ủng hộ động thái chuyển nhượng cổ phần của bà Miuccia. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông cho biết Lorenzo sẽ là người quyết định thời điểm anh sẵn sàng nắm quyền điều hành tập đoàn và ông có thể bàn giao công việc hoàn toàn trong vòng ba năm.

Bà Miuccia Prada và chồng Patrizio Bertelli đã chính thức rời vị trí đồng Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Prada vào đầu năm 2023. Thay vào đó, bà chuyển sang giữ chức vụ Giám đốc sáng tạo của Miu Miu và đồng hành cùng nhà thiết kế Raf Simons tại Prada, còn chồng bà tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch tập đoàn. Bước đi của bà Miuccia Prada và chồng được cho là vô cùng khôn khéo khi có thể trấn an tinh thần của các nhà đầu tư có cổ phiếu trong tập đoàn Prada.

“Đây là một bước tiến quan trọng để chúng tôi tiếp tục sự tiến hóa của Prada Group, và để làm giảm thiểu những biến động trong giai đoạn chuyển giao thừa kế cho Lorenzo Bertelli”, ông Patrizio Bertelli và bà Miuccia Prada chia sẻ trong thông cáo báo chí chính thức khi đó.

Tờ Bloomberg nhận định kế hoạch trên là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy gia đình Bertelli có ý định tiếp tục nắm quyền điều hành tập đoàn thời trang hàng đầu Italy. Trong một cuộc phỏng vấn, tỷ phú Bertelli cũng cho biết Prada không có ý định liên kết với bất kỳ tập đoàn xa xỉ nào trên toàn cầu và công ty không tìm kiếm nhà đầu tư vì không cần thêm vốn.

Quá trình chuyển giao quyền lực để giữ Prada lại cho nước Ý - Ảnh 1

Lorenzo Bertelli là con trai cả của bà Miuccia Prada và chồng Patrizio Bertelli. Khi tham gia vào công việc kinh doanh gia đình, Lorenzo Bertelli bắt đầu ở vị trí giám đốc truyền thông và quảng cáo của tập đoàn. Hai năm sau, anh nhận thêm nhiệm vụ lãnh đạo mảng phát triển vì xã hội, môi trường và cộng đồng. Anh được cho là người có công khiến cho các sản phẩm của Miu Miu và Prada trở nên được lòng khách hàng Gen Z.

Sự trẻ hóa đã thể hiện ở hai lĩnh vực mà Lorenzo Bertelli đã mau chóng thay đổi ở tập đoàn. Đó là việc đầu tư vào công nghệ số hóa, và tăng cường các biện pháp thân thiện với môi trường. Sự bùng nổ của kênh bán hàng online của tập đoàn Prada trong thời gian qua là thành quả của Lorenzo Bertelli, doanh số đến từ kênh online tăng trưởng gấp ba lần chỉ sau một năm.

Với việc chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần mới nhất,  cựu tay đua xe địa hình này sẽ sở hữu cổ phần lớn nhất trong công ty mẹ của gia đình, nắm giữ 80% Prada. Điều đó sẽ củng cố vai trò ngày càng tăng của anh tại công ty. Tập đoàn có trụ sở tại Milan cho biết doanh số bán hàng của các thương hiệu trong quý 3 năm nay đã tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi các thương hiệu xa xỉ báo cáo kết quả kinh doanh kém do doanh số tại Trung Quốc giảm trong năm 2024, Prada và Hermès là hai tập đoàn hiếm hoi ghi nhận mức tăng trưởng dương.

Prada đang có nhiều nỗ lực để mở rộng năng lực sản xuất tại Ý.
Prada đang có nhiều nỗ lực để mở rộng năng lực sản xuất tại Ý.

Trong bối cảnh doanh số bán hàng tiếp tục tăng cao, tháng trước Tập đoàn Prada đưa hoàn toàn hoạt động sản xuất hàng dệt kim vào nội bộ tại nhà máy Torgiano mở rộng của mình. Ra mắt vào ngày 7/5 bởi Lorenzo Bertelli và Giám đốc điều hành Andrea Guerra, trung tâm dệt kim Torgiano là một cột mốc quan trọng trong động lực phát triển công nghiệp và bền vững của Tập đoàn Prada.

Bằng việc tăng gấp đôi năng lực sản xuất của cơ sở và tuyển dụng hơn 200 người dân địa phương (chủ yếu là phụ nữ), Prada đang củng cố cam kết lâu dài của mình đối với nghề thủ công “Made in Italy” đồng thời nuôi dưỡng thế hệ nghệ nhân tiếp theo. Hiện có diện tích 9.000 mét vuông, nhà máy tập hợp tất cả các giai đoạn chính của thiết kế và sản xuất hàng dệt kim cho nhà mốt Prada và Miu Miu.

Trong khi các đối thủ nặng ký khác phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số và chuỗi cung ứng, chiến lược đầy tham vọng của Prada nhằm tạo ra giá trị bền vững, cùng với niềm đam mê thúc đẩy đối thoại và thay đổi về văn hóa dường như đang mang lại cho Tập đoàn lợi thế cạnh tranh cao hơn trong một thị trường đầy biến động.