07:53 06/11/2012

Quản lý FDI: Sẽ soi kỹ chuyện “tiền vào tiền ra”

Anh Minh

Dòng tiền vào ra tại các doanh nghiệp FDI sẽ được quản lý chặt chẽ hơn trước

Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có 
liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến công tác giám sát dòng 
vốn bằng tiền của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm 
dòng vốn góp bằng tiền, dòng vốn vay trong và ngoài nước - Minh họa: Khều.
Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến công tác giám sát dòng vốn bằng tiền của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm dòng vốn góp bằng tiền, dòng vốn vay trong và ngoài nước - Minh họa: Khều.
Nội dung đáng chú ý nhất trong bản đề án về việc nâng hiệu quả quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, vừa được Chính phủ phê duyệt, là việc Chính phủ sẽ đặc biệt chú trọng đến quản lý dòng tiền vào ra.

Bản đề án được Ngân hàng Nhà nước soạn thảo và trình lên Chính phủ với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước cũng như khuôn khổ pháp lý về quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, đề án cũng đặt mục tiêu cụ thể là "nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát các luồng vốn vào - ra, xây dựng cơ sở dữ liệu về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài kịp thời, chính xác đáp ứng yêu cầu của công tác phân tích, dự báo và hoạch định chính sách, điều hành thị trường ngoại hối, ổn định cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối một cách hợp lý".

Với mục tiêu đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành chức năng phải tiến hành nghiên cứu đặc điểm, tính chất các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm dòng vốn góp, dòng vốn vay trong và ngoài nước... và dòng vốn chuyển ra nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các bộ ngành cũng sẽ bổ sung, sửa đổi các quy định về quy trình thủ tục đầu tư, chuyển tiền ra vào liên quan đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như các quy định về vay, trả nợ của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Với mục tiêu đó, với tư cách là cơ quan quản lý về ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến công tác giám sát dòng vốn bằng tiền của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm dòng vốn góp bằng tiền, dòng vốn vay trong và ngoài nước.

Cơ quan này cũng sẽ chủ trì xây dựng cơ chế giám sát tổng mức vay trong nước và vay nước ngoài của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tương quan với tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp và hoàn thiện hệ thống báo cáo thông qua các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, đánh giá và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nói chung và công tác thống kê, giám sát dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng.

Bộ Tài chính cũng được yêu cầu chỉ đạo Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hệ thống theo dõi số liệu về tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số liệu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam dưới hình thức góp vốn bằng hàng hóa, máy móc thiết bị.

Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ triển khai các giải pháp kiểm soát hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước.