17:21 12/05/2015

Quản trị doanh nghiệp tốt sẽ thúc đẩy tiếp cận vốn

N.Hoàng

Đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy Việt Nam vẫn cần thực thi những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao chất lượng quản trị

Các tiêu chuẩn quản trị công ty tốt nhất đã từng bước được áp dụng cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng vẫn còn những khoảng cách so với chuẩn quốc tế.
Các tiêu chuẩn quản trị công ty tốt nhất đã từng bước được áp dụng cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng vẫn còn những khoảng cách so với chuẩn quốc tế.
Sáng nay (12/5), Hội nghị tham vấn sáng kiến quản trị công ty khu vực Đông Nam Á khai mạc tại Hà Nội. Đây là diễn đàn đưa ra các sáng kiến hỗ trợ cải thiện tình hình quản trị công ty của các quốc gia trong khu vực, đồng thời nghiên cứu các thách thức đối với quá trình cải cách.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định yêu cầu hình thành nền tảng quản trị công ty tốt ở Việt Nam là vô cùng cấp bách, đồng thời phải thúc đẩy ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, không chỉ riêng với thị trường vốn. 

Đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết các tiêu chuẩn quản trị công ty tốt của OECD (Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế) đã được áp dụng từng bước đối với các công ty niêm yết. Tuy nhiên, kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy Việt Nam vẫn cần thực thi những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao chất lượng quản trị.

“Ngoài một hệ thống pháp luật đầy đủ hình thành một nền tảng quản trị công ty tốt và hiệu quả, bản thân từng doanh nghiệp, từng thành viên hội đồng quản trị và từng thành viên thị trường phải có đầy đủ kinh nghiệm, trình độ, đạo đức nghề nghiệp và ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của quản trị công ty đối với doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Ngay từ khi thành lập thị trường chứng khoán, chúng tôi đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức và năng lực quản trị cho các doanh nghiệp”.
 
Đại diện Ủy ban Quản trị doanh nghiệp Nhật Bản, ông Ken Okamura nhận xét Việt Nam có thị trường vốn tăng trưởng nhanh và khung pháp lý đang hoàn thiện nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là cải cách doanh nghiệp nhà nước. Do đó hội nghị là cơ hội quan trọng để chia sẻ các sáng kiến và và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia Đông Nam Á nói chung, nhất là giải quyết các thách thức trong tiến trình cải cách.

“Đặc điểm chính của việc rà soát các nguyên tắc là đảm bảo quản trị doanh nghiệp hỗ trợ phá triển kinh tế bền vững. Quản trị doanh nghiệp rất quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường vốn phát triển hiệu quả, đầu tư hiệu quả hơn. Thông qua cơ chế này, quản trị doanh nghiệp tốt sẽ thúc đẩy tiếp cận vốn, không chỉ gới hạn ở các doanh nghiệp niêm yết mà cả những doanh nghiệp nhỏ, chưa niêm yết, cùng đạt được mục tiêu về tăng trưởng kinh tế. Nguyên tắc này được thiết kế để cung cấp một cơ chế tham khảo mạnh mẽ, linh hoạt cho các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia để có thể sử dụng”.

Bà Fianna Jurdant, chuyên gia phân tích chính sách của OECD khẳng định Đông Nam Á là một khu vực kinh tế năng động nên càng cần thiết nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng trưởng bền vững và ổn định về mặt tài chính. 

“Chúng tôi cung cấp cho các Ban giám đốc các động cơ phù hợp để thực hiện đúng vai trò của họ, kiểm soát và đối trọng, xây dựng các thực tiễn tốt về quản trị, bảng điểm quản trị công ty đã áp dụng cho các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam. Các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là ưu tiên của OECD. Đặc biệt chúng tôi tập trung vào các quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia”.

Theo nhận xét của các chuyên gia quốc tế, chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc tuân thủ các quy định cũng như việc tham gia của cổ đông còn yếu. Tình hình quản trị công ty tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn bị đánh giá là thiếu rõ ràng so với các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày bao gồm 7 phiên thảo luận. Các nội dung tập trung vào thảo luận và xác định các phản hồi chính sách đối với sự tham gia của cổ đông, quản trị công ty tại các doanh nghiệp nhà nước và việc cưỡng chế thực thi các tiêu chuẩn quản trị công ty tại Việt Nam.

Ngoài ra sẽ là những thảo luận về tình hình hội nhập của các nước khu vực Đông Nam Á, tập trung vào việc thảo luận lộ trình hội nhập thị trường vốn của các nước trong khu vực, xử lý hài hòa các quy định giữa các thành viên…