Quảng Nam đề xuất chấm dứt hoạt động đầu tư những dự án không có khả năng thực hiện
Văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ: đối với những dự án đầu tư không có khả năng tiếp tục thực hiện, điều chỉnh tiến độ nhiều lần mà chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý theo quy định hoặc trên thực tế chưa triển khai thực hiện thì kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền chấm dứt hoạt động đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư...
Ngày 19/7, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn số 4700/UBND-KTN đề nghị các Sở, ngành, đơn vị liên quan, các địa phương theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai đối với các dự án chậm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư các dự án và các địa phương liên quan thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu tại Kết luận thanh tra đối với các dự án do cơ quan mình chủ trì thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo của UBND tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường: 14 dự án, Thanh tra tỉnh: 08 dự án); Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm đối với các đơn vị không chấp hành thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nội dung kết luận thanh tra;
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất; Kịp thời xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ theo quy định.
UBND tỉnh cũng giao Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu Công nghiệp tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi cơ quan mình quản lý. Đối với những dự án đầu tư không có khả năng tiếp tục thực hiện, điều chỉnh tiến độ nhiều lần mà chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý theo quy định hoặc trên thực tế chưa triển khai thực hiện thì kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền chấm dứt hoạt động đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư; Giải quyết hoặc tham mưu giải quyết các thủ tục pháp lý về đầu tư của các dự án đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Còn UBND các huyện, thị xã, thành phố thì có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án để kịp thời bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đầu tư dự án đã được chấp thuận. Trường hợp phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định. Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức đã được giao đất, cho thuê đất triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn mình quản lý; tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các tổ chức sử dụng đất, các dự án đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai.
Trước đó, Quảng Nam đã tổ chức thanh tra, rà soát các dự án treo, dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh. Tại Quảng Nam, có nhiều dự án đang bị treo, bị chậm tiến độ do khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư, ảnh hưởng bởi đại dịch…
Ngoài ra, cũng có hiện tượng không ít doanh nghiệp không đủ năng lực thực hiện nhưng vẫn tìm cách đề xuất dự án và được giao đất, cho thuê đất rồi giữ đất chờ giá trị tăng lên để chuyển nhượng dự án nhằm hưởng chênh lệch. Được biết, tính đến ngày 1/3/2022, trên địa bàn tỉnh còn 11 đơn vị tổ chức sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai; nhiều dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư...