Quảng Ninh ghi nhận 3 người chết, hơn 2.000 nhà bị tốc mái do bão số 3
Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh. Theo thống kê sơ bộ tính đến sáng 8/9, toàn tỉnh ghi nhận 3 người chết, 157 người bị thương. Mất điện trên diện rộng và gián đoạn thông tin chưa thể khắc phục...
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều đến tối ngày 7/9/2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Binh có gió bão cấp 13 - 14, giật cấp 17 và mưa to tới rất to, với lượng mưa từ 100 - 250 mm.
Thống kê tình hình thiệt hại tính đến sáng ngày 8/9, toàn tỉnh ghi nhận 3 người chết, 157 người bị thương. Toàn tỉnh mất điện trên diện rộng và gián đoạn thông tin từ 14h00 ngày 6/9, đến nay chưa khắc phục được.
Về tài sản, theo thống kê bước đầu từ các địa phương, có 2.083 nhà bị tốc mái, 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ, 70% cây xanh tại các đô thị tại 4 địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên) bị gãy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 336 ha lúa bị đổ, ngập úng.
Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng. Pano biển quảng cáp bị gãy đổ. Hệ thống thông tin liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối không liên lạc được, mất điện trên diện rộng. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thống kê cụ thể để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đến sáng 8/9, đã tìm kiếm và cứu hộ thành công 46 người bị trôi dạt trên biển (trong đó có 8 người thuộc Công ty Kho Vận, 8 người của Tổng Công ty Đông Bắc, 11 người thuộc các đơn vị khác).
Lý do là hiện nay địa phương chưa thể có con số chính xác về thiệt hại do bão số 3 gây ra do bão ảnh hưởng trên địa bàn rộng, vào thời điểm cuối ngày, gây mất điện diện rộng (gãy đổ cột điện 110 kv) và mất kết nối thông tin).
Trước đó, ngay trong đêm 7/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn bắt đầu tổ chức tìm kiếm, ưu tiên các trường hợp bị nạn ở dưới biển như lật thuyền, trôi dạt, mất tích…
Chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung dọn đẹp để ổn định cuộc sống người dân trên địa bàn. Tập trung công tác chỉ huy tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với người trên các phương tiện và các tàu bị đắm. Tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại để có phương án khắc phục, xử lý kịp thời.
Trước mắt giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương thống kê một cách đầy đủ nhất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ ngay cho nhân dân.
Trong đó, tập trung vào trường hợp sau: (¡) Một là, người nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại ở trên biển do mưa, bão; (ii) Hai là, người trồng lúa, trồng hoa màu và trồng rừng bị thiệt hại; (ii) Ba là, hỗ trợ cho người dân có nhà bị tốc mái, bị đổ, sập; (iv) Bốn là, hỗ trợ cho nhân dân đối với tàu du lịch, tàu cá bị chìm, hư hỏng do mưa, bão.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Ninh, các nhà mạng tập trung khắc phục ngay tình trạng mất điện, tê liệt thông tin phục vụ nhân dân; đặc biệt là việc cấp điện, thông suốt thông tin tại trụ sở của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các địa phương, xác định đây là khó khăn lớn nhất của tỉnh.
Trước tình hình thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, và Cục hộ cứu nạn của Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Trung tâm cứu hộ cứu nạn miền Bắc, Cục Kiểm ngư hỗ trợ lực lượng và phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh, nhất là cứu nạn trên biển.
Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Công ty Viễn Thông (VNPT, Viettel, Mobiphone) hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh khắc phục ngay tình trạng mất điện, khắc phục việc tê liệt thông tin phục vụ nhân dân; đặc biệt là việc cấp điện, thông suốt thông tin.
Địa phương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành, lĩnh vực (quy chuẩn về xây dựng khu neo đậu tránh trú bão, xây dựng công trình thủy lợi...) để phù hợp với biến đổi khí hậu ngày các diễn ra gay gắt.
Đồng thời, đề nghị Trung ương nâng cấp đê Hà Nam có thể chịu được gió, bão cấp 15 trong điều kiện thích ứng biến đôi khí hậu.