12:21 23/07/2021

Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ

Quang Trung

Với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV...

Toàn cảnh phiên họp sáng 23/7 - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp sáng 23/7 - Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với kết quả 470/470 đại biểu (chiếm 94,19% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành. 

Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Quốc hội sau đó thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - Ảnh: Quochoi.vn
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - Ảnh: Quochoi.vn

Theo Nghị quyết, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ. 

18 bộ gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

4 cơ quan ngang bộ gồm Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

Chiều 22/7, trình bày Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức, có một số ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

"Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tập trung thực hiện "mục tiêu kép", để đạt các mục tiêu thì trước mắt, giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV là cần thiết, phù hợp", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Do đó, Chính phủ đề nghị trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ như khóa XIV.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật nhất trí phương án giữ nguyên cơ cấu của Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bởi việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ là cơ sở để tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động của Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép”. 

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cần gắn với xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, đề cao trách nhiệm của các bộ, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền, rà soát sửa đổi các quy định, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và rà soát kỹ các nội dung giao thoa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ để sớm có phương án giải quyết triệt để, đồng thời, đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, đặc biệt là đối với các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

 
Cũng trong sáng 23/7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021 Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Các đại biểu sau đó thảo luận ở tổ về những nội dung trên.
Buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và báo cáo thẩm tra về hai nội dung này. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai nội dung.