16:36 18/04/2022

Quý 1 tăng trưởng thành công của nhiều thương hiệu xa xỉ

Tuệ Mỹ

Thị trường đang trải qua biến động chưa từng có khiến cho doanh thu của các ngành hàng xa xỉ có thể chịu ảnh hưởng lớn…

Mới đây, báo cáo tăng trưởng doanh số của một số thương hiệu thời trang xa xỉ trong quý 1/2022 cho thấy sự thành công ở những ngành hàng như đồ may sẵn, phụ kiện và đồng hồ cao cấp. Đáng chú ý, dữ liệu trong báo cáo mới do Brand Finance công bố cho thấy, các thương hiệu cao cấp đang phục hồi dần sau khi suy giảm trong hai năm qua vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi đó sự tăng trưởng của thời trang nhanh có dấu hiệu chậm lại. 

Hermès là một trong những nhãn hiệu xa xỉ có doanh số bán hàng tăng vọt tại Hoa Kỳ với thị trường đặc biệt sôi động trong giai đoạn gần đây. Doanh số bán hàng của hãng thời trang cao cấp Pháp đã tăng 27% trong quý đầu tiên của năm 2022 nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả châu Âu và Hoa Kỳ. Trước đó, các nhà phân tích đã dự đoán mức tăng 15%.

Công ty cho biết, tính đến tháng 3, doanh thu của Hermès theo tỷ giá hối đoái đạt 2,76 tỷ euro trong 3 tháng với sự tăng trưởng ở các thị trường trên khắp thế giới. Doanh số bán hàng ở châu Âu (không bao gồm Pháp) tăng 44%, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng bền vững ở Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Pháp tăng 40% trong khi châu Mỹ tăng 44%.

Tại châu Á, doanh số bán hàng mặc dù đã tăng 20% nhưng về phía thương hiệu, họ cho rằng mức tăng thấp hơn châu Âu là do tác động của việc giãn cách phòng dịch tại Trung Quốc Đại lục. Ngoài ra, 3 cửa hàng ở Moscow đã đóng cửa sau cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine.

Nhà sản xuất sang trọng báo cáo sự tăng trưởng mạnh mẽ trong bộ phận đồng hồ của mình, tăng 62%, và dòng phụ kiện và quần áo may sẵn, tăng 44%. Hàng da và yên ngựa của Hermès tăng 16%, lụa và dệt may tăng 27%. Danh mục Hermès khác, bao gồm đồ gia dụng và đồ trang sức, tăng 37%.

Doanh số bán hàng của Hermès đã tăng 27% trong quý đầu tiên của năm 2022.
Doanh số bán hàng của Hermès đã tăng 27% trong quý đầu tiên của năm 2022.

Axel Dumas, Chủ tịch điều hành của Hermès, cho biết: “Doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh vào đầu năm nay phản ánh sự khao khát của mọi người với các bộ sưu tập, cũng như sự tin tưởng của khách hàng vào cách tiếp cận thủ công và có trách nhiệm của chúng tôi. Bất chấp bối cảnh còn nhiều bất ổn, tập đoàn đang tăng tốc đầu tư chiến lược, tuyển dụng và đào tạo để hỗ trợ sự tăng trưởng của tất cả các mảng nghề nghiệp trong công ty”. 

Trong khi đó, tập đoàn LVMH cho biết mảng kinh doanh thời trang và các mặt hàng thuộc da của họ đã giúp đưa doanh số bán hàng tăng lên 30% trong quý 1/2022.  Tại các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu đều ghi nhận mức tăng hai con số. Louis Vuitton và Dior – những thương hiệu lớn nhất của LVMH hiện dẫn đầu mức tăng doanh thu, trong khi công ty cũng ghi nhận tín hiệu khả quan từ Fendi, Celine, Loro Piana, Loewe và Marc Jacobs. Tăng trưởng chung tăng 23%, lên 18 tỷ Euro so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, Gucci và Armani cũng nằm trong danh sách các thương hiệu đang phát triển, trong khi Boss và Bottega Veneta cũng góp mặt trong Top 50 thương hiệu có giá trị lớn nhất trên toàn thế giới mới được Brand Finance công bố. Cũng theo báo cáo thường niên này, Nike là thương hiệu có giá trị lớn nhất trên toàn thế giới với 33,2 tỷ USD, tăng trưởng 9% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, các thương hiệu đều đưa ra cảnh báo về tác động ngắn hạn khi các đợt giãn cách ở Trung Quốc tiếp tục. Châu Á (không bao gồm Nhật Bản) đã ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất trong khu vực trong quý 1 của LVMH, khi chỉ tăng 8%. Jean Jacques Guiony, Giám đốc tài chính LVMH chia sẻ: “Điều duy nhất mà tôi có thể xác nhận là chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng bởi sự tái bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Mặc dù một số thành phố không bị phong tỏa, nhưng mật độ giao thông vẫn giảm. Vì vậy, điều này đang gây nên một số tác động”.

Louis Vuitton và Dior hiện dẫn đầu mức tăng doanh thu của LVMH.
Louis Vuitton và Dior hiện dẫn đầu mức tăng doanh thu của LVMH.

Các thành phố lớn ở Trung Quốc đã trở lại trạng thái phong tỏa, bao gồm cả Thượng Hải khi các ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong khu vực. Các doanh nghiệp xa xỉ từng báo cáo mức tăng trưởng tốt trong năm 2021, nay cũng phải chuẩn bị cho tình huống xấu. Các nhà phân tích dự đoán rằng việc giãn cách xã hội sẽ gây ảnh hưởng đến doanh số, cũng như chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến các thương hiệu trong giai đoạn đầu năm tài chính.

Bên cạnh đó, vì căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, tình hình kinh doanh của LVMH cũng bị ảnh hưởng. Tiffany & Co. thuộc sở hữu của LVMH đã ngừng làm việc với đối tác cung cấp kim cương từ Nga cùng với Richemont. “Chúng tôi đang làm việc để thay thế nguồn cung ứng từ các mỏ khác. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện trong khoảng thời gian phù hợp,” ông Jean Jacques Guiony nói.

Do đó, câu chuyện của quý 2 tương đối khó khăn với các thương hiệu, khi mà sự biến động của thị trường chứng khoán, lạm phát và lo ngại lãi suất tăng có thể giảm tốc tất cả thành phần của nền kinh tế, ngay cả nhu cầu đối với hàng xa xỉ. Ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng đang bị ép chặt, một số công ty bán lẻ bắt đầu chứng kiến doanh số đi xuống khi nhiều người mua sắm chuyển hướng sang những đối thủ bán hàng giá rẻ hơn.

Marshal Cohen, cố vấn trưởng ngành bán lẻ của NPD, nói: “Sự nhạy cảm về giá đang bắt đầu xuất hiện. Có một ngưỡng giá mà người tiêu dùng xem là giới hạn của họ”. Phản ứng giá của người tiêu dùng Mỹ xảy ra khắp nhiều ngành hàng, trong khi các xa xỉ phẩm đang trở nên khan hiếm vì các vấn đề của chuỗi cung ứng và điều này khiến các thương hiệu có thể phải tiếp tục tăng giá bán.

Hiện các nhà bán lẻ đang tìm cách xác định mức độ tăng giá bán để không làm mất khách hàng và phát triển các giải pháp ứng phó khi việc tăng giá không khả thi.