Quy hoạch huyện Mê Linh thành trung tâm giao thương quốc tế
Quy hoạch xây dựng vùng huyện là cơ hội để huyện Mê Linh nghiên cứu những lợi thế cạnh tranh, lợi thế vùng, lấy trục vành đai 4, sân bay quốc tế Nội Bài làm thế mạnh, giúp quy hoạch huyện thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng, trung tâm tri thức sáng tạo tầm cỡ trong nước và khu vực…
Tại Hội thảo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm khẳng định quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh là nhiệm vụ chính trị quan trọng được ưu tiên hàng đầu, có vai trò dẫn dắt sự phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực và định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội của địa phương.
MỘT TRỤC, HAI CÁNH, NĂM HÀNH LANG LIÊN KẾT
Theo đó, việc lập quy hoạch vùng huyện nhằm nghiên cứu mọi tiềm năng, lợi thế của huyện trong mối liên hệ vùng, tập trung phát triển đô thị gắn trục trung tâm là đường vành đai 4 đi qua huyện 16 km, làm động lực phát triển chính; nghiên cứu quy hoạch huyện Mê Linh phát triển hài hòa về đô thị, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, dịch vụ, du lịch.
Phấn đấu đến năm 2030, Mê Linh trở thành vùng phát triển của thành phố, có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo, phát triển đảm bảo tiêu chí mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái.
Đặc biệt, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh quy hoạch xây dựng vùng huyện là cơ hội để Mê Linh nghiên cứu những lợi thế cạnh tranh, lợi thế vùng, lấy trục vành đai 4, sân bay quốc tế Nội Bài làm thế mạnh, giúp quy hoạch huyện thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng, trung tâm tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học… tầm cỡ trong nước và khu vực.
Theo đó, báo cáo phương án đề xuất xây dựng quy hoạch vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị tư vấn) cho biết: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đã định hướng sự phát triển huyện gắn với sự phát triển của Thủ đô theo hướng là một phần của Thành phố mới tương lai (thành phố trong thành phố); và quy hoạch huyện theo hướng lên thành quận sau năm 2025, theo kế hoạch UBND TP phê duyệt.
Về phân vùng chức năng và tổ chức không gian, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đề xuất quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh dự kiến phát triển theo mô hình: Một trục - Hai cánh - Năm hành lang liên kết.
Cụ thể, một trục động lực là vành đai 4, với hai cánh phát triển gồm cánh phía Tây: khu vực tập trung phát triển nông nghiệp nông thôn, dịch vụ du lịch sinh thái, đô thị mới...; cánh phía Đông: khu vực tập trung phát triển đô thị - công nghiệp, trung tâm hành chính huyện, trung tâm dịch vụ thương mại...; và 5 hàng lang liên kết: hành lang ven sông Hồng, sông Cà Lồ; hành lang dọc tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai; hàng lang dọc tuyến đường trục trung tâm Mê Linh; hành lang dọc tuyến đường Tiền Phong-Tự Lập.
Đồng thời, trong đề xuất của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Mê Linh được phân thành 5 vùng chức năng và tổ chức không gian. Gồm vùng 1: vùng phát triển đô thị, dân cư đô thị, trung tâm hành chính của huyện, trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, văn phòng đào tạo nghỉ ngơi giải trí, công viên và khu dân cư. Vùng 2: vùng phát triển đô thị, dân cư đô thị, trung tâm hành chính của huyện, trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, văn phòng đào tạo nghỉ ngơi giải trí, công viên và khu dân cư.
Vùng 3: vùng nông nghiệp, nông thôn ngoại thành Hà Nội; khu vực phát triển nông nghiệp đô thị và nguồn đất dự trữ của huyện. Các xã được quy hoạch phù hợp quy hoạch điểm dân cư nông thôn gắn kết với các khu vực quy hoạch phát triển đô thị lân cận, trước hết là hệ thống giao thông. Vùng 4: vùng không gian nêm xanh liên kết các khu vực phát triển đô thị, khu vực nông nghiệp, nông thôn. Vùng 5: vùng cảnh quan sông Hồng với tính chất không gian xanh mặt nước tạo thành hành lang xanh dọc hai bên sông Hồng, điểm dân cư đô thị hóa, điểm dân cư nông thôn.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển giao thông đô thị Mê Linh dựa trên nguyên tắc kết hợp theo các giao thông của phân khu đô thị, tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ và nông thôn...
LẤY CÔNG NGHIỆP, DỊCH VỤ LÀM NỀN TẢNG, ĐỘNG LỰC CHO PHÁT TRIỂN
Đánh giá cao đồ án quy hoạch của đơn vị tư vấn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng góp ý Mê Linh cần định hướng quy hoạch huyện trở thành quận để quản lý chặt chẽ theo các cấp đô thị và xa hơn nữa là Thành phố trong Thành phố. Muốn vậy, Mê Linh phải khai thác được các động lực, tiềm năng, lợi thế của huyện, lấy công nghiệp, dịch vụ làm nền tảng, động lực cho phát triển và phát triển nông nghiệp gắn với công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái. Đặc biệt, tận dụng thế mạnh về nguồn lực đất đai rộng lớn, hệ thống hạ tầng giao thông với đường vành đai 3, vành đai 4, sân bay quốc tế Nội Bài và tiếp giáp sông Hồng…
Ngoài ra, nguyên Phó Thủ tướng lưu ý việc xây dựng quy hoạch vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần gắn với quy hoạch liên vùng của tỉnh Vĩnh Phúc và địa phương lân cận. Phát triển công nghiệp, đô thị đi đôi với phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo điều kiện sống cho người lao động trong khu công nghiệp. Đồng thời gắn phát triển với khu dịch vụ; khai thác không gian xanh, vùng đệm; chú trọng bảo tồn làng truyền thống. Đồ án quy hoạch phải bám sát thực trạng, đảm bảo tính định hướng, có độ mở, không bó hẹp, không quá chi tiết, cụ thể; quy hoạch gắn với kế hoạch, có lộ trình triển khai thực hiện để đảm bảo hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí..
Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Quy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Flamigo và ThS KTS. Nguyễn Hồng Diệp, phòng nghiên cứu phát triển chiến lược, Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (VIUP)/Chuyên gia tư vấn quy hoạch thuộc Công ty cổ phần Flamigo, nêu đề xuất: một trong những tính chất, chức năng, vai trò của huyện đã xác định là khu vực phát triển đô thị dịch vụ ở cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố, gắn với vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp dịch vụ thân thiện môi trường. Từ tính chất này có thể hình thành những vùng phát triển tạo động lực đô thị như: khu vực đô thị dịch vụ sinh thái, cụm công viên chuyên đề hoa... phát triển cả vùng đô thị gắn khu đô thị đại học, khu đô thị sân bay...
Các chuyên gia nhìn nhận với lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng đất đai, văn hóa, Mê Linh còn đóng vai trò kết nối giữa Hà Nội với các khu vực trung tâm trong vùng Thủ đô, nên cần phát huy lợi thế này bằng hệ thống giao thông kết nối, có thể bằng hệ thống đường sắt đô thị kết hợp tuyến vành đai 4 trong tương lai. Mặt khác, huyện có thể trở thành trung tâm phân phối, logistics liên quan đến cảng hàng không và hàng hóa tiêu dùng.
Đánh giá cao phương án đề xuất quy hoạch vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng như ý tưởng quy hoạch của các đơn vị tư vấn, các chuyên gia khuyến nghị, để xây dựng huyện Mê Linh trở thành điểm sáng về lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái; kết hợp phát triển hài hòa và bền vững giữa đô thị và nông thôn, bên cạnh quy hoạch quảng trường hành chính, Mê Linh cần bổ sung quy hoạch các loại quảng trường khác; quy hoạch các đường gom dọc đường vành đai 4 nhằm phát huy lợi thế của tuyến đường trọng điểm quốc gia; cân nhắc điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Quang Minh theo hướng công nghệ cao…