Quy hoạch xây dựng tỉnh: "Thế giới đang làm sao chúng ta lại bỏ?"
Theo ông Trần Ngọc Chính, "đừng có nói chúng ta làm nhiều loại quy hoạch, chồng chéo nhau mà không hiệu quả. Đấy là do làm không tốt thôi"
Dự kiến vào ngày 20/11 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch do Chính phủ trình.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo lần này là Chính phủ đề xuất vẫn tiếp tục duy trì Quy hoạch xây dựng tỉnh, trong khi không ít ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải giữ Quy hoạch xây dựng tỉnh trong khi đã có Quy hoạch tỉnh nằm trong Luật Quy hoạch.
Cần làm rõ nội hàm 2 quy hoạch
Trong tờ trình của mình, Chính phủ cho rằng, cần thiết phải có quy hoạch xây dựng tỉnh, vì đây là một trong những công cụ chủ yếu và hữu hiệu để quản lý đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh; đã được thực hiện ổn định trong nhiều năm, về cơ bản không có vướng mắc trong quy định pháp luật trước và sau khi có Luật Quy hoạch.
Trong khi đó, nhiều thành viên của Ủy ban Kinh tế cho rằng, nội dung Quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch, ngoài việc đã kế thừa toàn bộ những nội dung hợp lý, đang được triển khai trong thực tiễn của Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh trong Luật Xây dựng hiện hành.
"Trường hợp cần thiết phải có Quy hoạch xây dựng tỉnh, đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể nội dung Quy hoạch xây dựng tỉnh ngay trong dự thảo luật, bảo đảm không trái với các nguyên tắc quy định trong Luật Quy hoạch và không có sự trùng lặp nội dung giữa các quy hoạch, đặc biệt là không trùng lặp với nội dung của Quy hoạch tỉnh", báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Theo TS.Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, Quốc hội đang phải xây dựng 1 luật điều chỉnh tới 37 luật, trong đó có Luật Xây dựng. Đây dường như là việc hy hữu trong lịch sử làm luật nước ta và là thách thức rất lớn.
Chuyên gia này cho rằng, về sự cần thiết có Quy hoạch xây dựng tỉnh và có sự trùng lặp về phạm vi, nội dung, mức độ chi tiết với Quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch đã được bàn ở Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội và cũng có những ý kiến chưa thống nhất với nhau. Tuy vậy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch vẫn theo hướng cần phải duy trì quy hoạch xây dựng tỉnh.
Là người từng có hàng chục năm làm quy hoạch và quản lý công tác quy hoạch, ông Nghiêm cho hay, quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch và Quy hoạch xây dựng tỉnh trong dự thảo Luật có nội hàm khác nhau. Nếu nói những nội dung của quy hoạch xây dựng tỉnh đã được tích hợp trong quy hoạch tỉnh thì theo tôi là chưa thực sự đầy đủ, chính xác.
Bởi lẽ, quy hoạch tỉnh mang tính định hướng, là quy hoạch chung; còn quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ cụ thể hóa quy hoạch tỉnh. Ông Nghiêm cho biết, hiện Việt Nam có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và có cả quy hoạch ngành.
"Trong Luật Quy hoạch đề ra 37 loại quy hoạch ngành, trong đó có quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Vậy thì đề xuất có quy hoạch xây dựng tỉnh không trái với Luật Quy hoạch và các luật khác. Tôi cho rằng cần phải phải có quy hoạch xây dựng tỉnh. Tuy nhiên, nội hàm quy hoạch xây dựng tỉnh cụ thể như thế nào thì cần phải làm cho rõ", ông Nghiêm nói.
Còn theo Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia Nguyễn Thành Hưng, Quy hoạch xây dựng tỉnh là công việc đã được chúng ta thực hiện trong nhiều năm và khá ổn định. Quy hoạch này bản chất vừa là một quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành lại vừa có tính tích hợp cao.
Đó là hoạch định ra hệ thống, quy mô, hình hài đô thị, vị trí và quy mô các khu công nghiệp, các khu nghỉ dưỡng, các vùng bảo tồn, các vùng sinh thái… và đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường xá, các công trình đầu mối như nhà ga, bến xe, sân bay, hồ đập, khu xử lý chất thải rắn…).
Đây là một quy hoạch dựa trên những tính toán chi tiết về kinh tế và kỹ thuật do vậy nó là công cụ rất tin cậy để tiến hành quản lý và đầu tư tất cả các cơ sở hạ tầng kinh tế trong tỉnh cũng như trong đô thị.
Do đó, chuyên gia này giữ quan điểm cần thiết phải tồn tại cả Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch xây dựng cùng trên một tỉnh. Việc lập chính sách phát triển của một tỉnh cũng có các tầng bậc rõ ràng. Tầng bậc kinh tế tổng hợp được bàn thảo dựa trên các tổng kết kinh tế đa ngành, vĩ mô, đó là lớp chính sách phi vật thể. Quy hoạch tỉnh là công cụ phục vụ việc ra quyết sách ở tầng bậc đó - Đây là Quy hoạch thiên về chính sách tổng thể về kinh tế - xã hội phi vật thể.
"Thế giới đang làm sao chúng ta lại bỏ"
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, ở Việt Nam hiện đang có một số quy hoạch như quy hoạch vùng Tp.HCM, vùng thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông cửu long… và 63 tỉnh thành, gần như trước đây đều có quy hoạch xây dựng vùng của tỉnh.
Theo ông Chính, chúng ta phải phân biệt rõ giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh là 2 cái nội hàm khác nhau và đều có giá trị trong việc xây dựng đất nước. Quy hoạch tỉnh là để làm kinh tế xã hội, để nói rõ các sự phát triển của xã hội, để làm GDP, để làm sự phát triển các ngành, để làm rõ việc làm các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, về nhân lực, về khai thác tài nguyên, tài nguyên…cho nó phù hợp.
Nhưng về lĩnh vực về đô thị, lĩnh vực về nông thôn, lĩnh vực về công nghiệp, lĩnh vực về cảnh quan đô thị, và tất cả những thứ về hành lang kỹ thuật thì quy hoạch này không thể nói lên được. Những nội dung này phải được đặt trong quy hoạch xây dựng.
"Thế giới người ta làm thế mà tại sao chúng ta lại bỏ đi. Đừng có nói chúng ta làm nhiều loại quy hoạch và nhiều loại quy hoạch chồng chéo nhau mà không hiệu quả. Đấy là do nội dung người ta làm không tốt thôi", ông Chính nói.
Trước đó, tại phiên họp tổ thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch ngày 24/10 vừa qua, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh, thì những vấn đề đặt ra trong kỹ thuật như bản đồ, độ cao, độ thấp, vùng đô thị giáp liền nhau… sẽ thiếu cơ sở pháp lý để xử lý.
Trong khi đó, Chính phủ là người tổ chức thực hiện chính sách, cọ xát với chính sách. Do đó, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng "nên chăng có thể chấp thuận đề nghị này của Chính phủ".
"Quá trình thực hiện, phát sinh xung đột thì giao Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết, bảo đảm không tạo ra sự trùng lặp giữa các loại quy hoạch. Quy hoạch tỉnh là quy hoạch bao trùm và quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch ở mặt kỹ thuật", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.