Ra mắt cửa hàng đồ nội thất đầu tiên, Louis Vuitton vẫn chọn Trung Quốc
Việc tìm kiếm những con đường mới để tăng trưởng, đặc biệt là đối với những người tiêu dùng thượng lưu, đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các thương hiệu xa xỉ ở Trung Quốc khi Covid-19 vẫn lây lan, thị trường bất động sản suy giảm và bất ổn kinh tế gây áp lực chi tiêu…
Louis Vuitton và tập đoàn LVMH đã quyết định đột phá hơn nữa sang các dịch vụ phong cách sống cho khách hàng thượng lưu Trung Quốc. Phòng trưng bày đồ nội thất và đồ gia dụng chuyên dụng tại Thượng Hải chỉ dành cho các khách hàng đặt hẹn, đã khai trương vào ngày 28/11, nằm trong một tòa nhà ba tầng có tuổi đời hàng thế kỷ, nằm ngay phía sau đường Nam Kinh, khu mua sắm cao cấp hàng đầu của thành phố.
Louis Vuitton cho biết phòng trưng bày sẽ được thử nghiệm trong vài tháng dưới dạng cửa hàng pop up, và nếu thành công thì sẽ trở thành một mô hình phát triển lâu dài. Mặc dù không có bảng giá nào xuất hiện tại cửa hàng trong buổi giới thiệu trước truyền thông, nhưng một nhân viên của Louis Vuitton cho biết chiếc ghế kén treo có màu sắc rực rỡ do anh em nhà Campana thiết kế có giá hơn 700.000 Nhân dân tệ (97.860 USD) và một chiếc đèn nhỏ có giá 10.500 Nhân dân tệ.
Bên cạnh đó, một tòa nhà phụ nhỏ hơn được dành riêng để trưng bày các thiết kế của Frank Chou, nhà thiết kế Trung Quốc đại lục đầu tiên được Louis Vuitton mời hợp tác trong bộ sưu tập sản phẩm nội thất và đồ gia dụng Objets Nomades.
Kể từ khi được thành lập năm 2012, bộ sưu tập Louis Vuitton Object Nomads đã quy tụ được nhiều nhà thiết kế nội thất nổi tiếng. Sự kết hợp giữa những con mắt nghệ thuật độc đáo của cùng với danh tiếng của Louis Vuitton đã tạo nên những thiết kế độc nhất vô nhị mà nhiều tín đồ mê cái đẹp sẽ không khỏi xuýt xoa, trầm trồ. Các mẫu nội thất trong bộ sưu tập đều được sản xuất giới hạn, mang tính biểu tượng cho tinh thần Louis Vuitton và sự đơn giản của chủ nghĩa dịch chuyển.
Chẳng ngoa khi nói rằng, năm 2022 đánh dấu cột mốc 10 năm thương hiệu Pháp cho ra mắt dòng sản phẩm Objets Nomades là các sáng tạo độc đáo, liên tục vượt qua mọi giới hạn và chinh phục được trái tim giới mộ điệu trong suốt thời gian qua. Louis Vuitton đã hợp tác cùng nhiều tên tuổi nổi bật trong mảng thiết kế để tạo nên vô vàn món đồ đặc sắc, ứng dụng các kỹ thuật chế tác thủ công lừng lẫy của thương hiệu. Objets Nomades dễ dàng thích ứng với các không gian kiến trúc nội thất mang nhiều phong cách khác nhau, tạo nên dấu ấn đặc sắc cho phong cách sống ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Năm 2022, dòng sản phẩm Objets Nomades của Louis Vuitton không chỉ cho ra mắt những phiên bản mới của các thiết kế từng rất thành công trước kia mà còn giới thiệu các thiết kế mang "linh hồn" mới. Công ty thiết kế Thụy Sĩ Atelier Oï - một trong những cái tên gắn liền với Objets Nomades ngay từ những ngày đầu giới thiệu các mẫu Belt Chair mới. Hai anh em Fernando & Humberto Campana (Campana Brothers) trình làng thiết kế sofa dạng module độc đáo Bomboca có thể được bày biện trong nhà hoặc ngoài trời.
Khi kinh doanh các món đồ thời trang xa xỉ trở nên khó khăn hơn, Louis Vuitton đã chuyển sang tập trung phát triển các dịch vụ hướng đến phong cách sống tại Trung Quốc. Tháng trước, thương hiệu đã mở một nhà hàng ở phía tây nam thành phố Thành Đô, ngay bên cạnh một không gian triển lãm. Bobby Verghese, nhà phân tích người tiêu dùng của GlobalData cho biết: “LMVH đang cố gắng định vị lại mình như một thương hiệu cao cấp đương đại bằng cách khai thác những con đường mới phù hợp với người tiêu dùng Millennials và Gen Z của Trung Quốc”.
Theo ông Verghese, đồ gia dụng là một lựa chọn tốt cho Louis Vuitton. “Không giống như những khách hàng trung tuổi đề cao tính riêng tư, thế hệ Gen Y và Gen Z Trung Quốc không phản đối việc phô trương lối sống xa xỉ của họ trên mạng xã hội. Vì thế, LMVH đặt mục tiêu đạt được lợi thế sớm trong lĩnh vực mới nổi này”, ông Verghese nói.
Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn thứ 2 trên thế giới của nhà mốt Pháp và thương hiệu ngày càng trở nên ngày một phổ biến tại đất nước tỷ dân. Tuy nhiên, năm 2021, một tổ chức nghiên cứu thị trường đã tiến hành cuộc phỏng vấn với khá nhiều khách hàng thượng lưu, tài sản đầu tư khoảng hơn 10 triệu USD. Phần đông đáp án của họ là không còn muốn mua túi xách từ Louis Vuitton nữa. Một nữ tỷ phú cư trú ở Bắc Kinh cho hay: “Sản phẩm Louis Vuitton đã trở nên quá phổ biến. Ai cũng có thể mua được nó. Bạn nhìn thấy nó rải rác ở khắp các nhà hàng ở Bắc Kinh. Giờ tôi thích mua hàng của các thương hiệu ít đại trà hơn”.
Do đó, để đối đầu với sự cạnh tranh từ các thương hiệu chuyên biệt hơn, Louis Vuitton đã phải dành thêm tiền vào hoạt động tiếp thị để giữ được vị thế. Họ mở cửa hàng sang trọng tại trung tâm mua sắm xị sò nhất, liên kết với nhiều đơn vị có tiếng khác ở sở tại để làm quảng cáo… Nhưng thế vẫn còn chưa đủ. Các thương hiệu xa xỉ trên thế giới đều đổ xô tới thị trường Trung Quốc và mỗi hãng buộc phải nắm được tâm lý giới siêu giàu Trung Quốc ngày một tinh tế và không muốn sử dụng hàng phổ thông đại chúng. Ở cấp độ cao, các thương hiệu xa xỉ chỉ có thể giành chiến thắng nếu biết cách cho hàng hóa của mình có chỗ đứng riêng biệt.