Rà quét, xử lý nghiêm các kênh livestream, nhóm chat có nội dung vi phạm, phản cảm
Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip… đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác…
Ngày 28/5/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có công văn số 1800/BTTTT-PTTH&TTĐT đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường rà soát, xử lý những nội dung vi phạm pháp luật và đối tượng vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là trên các mạng xã hội.
Ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành Chỉ thị 22/CT-BTTTT về tăng cường công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet. Theo đó, toàn ngành thông tin và truyền thông nhanh chóng phát hiện, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trên mạng; đặc biệt áp dụng công nghệ mới để phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng, bảo đảm hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như: phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)... để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm a các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Để kịp thời nắm bắt, có biện pháp chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao.
Theo đó cần tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn. Đối với những trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội Youtube, Facebook vi phạm, trong đó đáng chú ý như: Xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh- Timmy tại Tp.HCM; kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc Giang; kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương…
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu Google đóng nhiều kênh Youtube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật.
Trước đó, để tăng cường công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có Chỉ thị toàn ngành thông tin và truyền thông tiếp tục quán triệt, thực hiện triển khai hiệu quả Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam và Đề án tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet.