15:49 07/05/2021

Rà soát, đánh giá kỹ thêm về hiện trạng năng lực hệ thống điện quốc gia trong Quy hoạch điện 8

Mạnh Đức

Việt Nam sẽ cần số vốn khoảng 12,8 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2021-2045 cho kịch bản nâng công suất hệ thống điện lên 102.193 MW vào năm 2025; tăng lên 137.662 MW vào 2030 và đạt 276.601 MW vào năm 2045...

Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo phát triển ngành điện bền vững, nâng cao khả năng tự chủ về năng lượng đất nước
Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo phát triển ngành điện bền vững, nâng cao khả năng tự chủ về năng lượng đất nước

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực (Ban chỉ đạo) vừa yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung nhiều nội dung và lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện 8) trình lại Thủ tướng trước ngày 15/6/2021.

Ban chỉ đạo nêu rõ, Quy hoạch điện 8 phải đảm bảo phát triển ngành điện bền vững, nâng cao khả năng tự chủ về năng lượng đất nước. Trong đó, xác định quy mô phát triển hợp lý hệ thống điện quốc gia qua từng thời kỳ để có giá bán điện hợp lý nhất. 

 

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho biết: những nội dung cần bổ sung trong quy hoạch điện 8 liên quan đến các chính sách, định hướng lớn như tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn tới, hệ số đàn hồi điện, cách thức mô phỏng chương trình phát triển nguồn điện với các kịch bản đề xuất,

Theo đó, Bộ Công Thương phải rà soát, đánh giá kỹ thêm về hiện trạng năng lực hệ thống điện quốc gia; khả năng cung ứng điện tối đa trong trường hợp có và không có ràng buộc về truyền tải công suất các nguồn điện.

Quy mô phát triển nguồn, cơ cấu nguồn điện hợp lý so với dự báo nhu cầu điện, nhất là giai đoạn đến năm 2030; phân bổ hợp lý không gian phát triển các nguồn điện, nhất là nguồn điện khí hóa lỏng (LNG) trong quy hoạch cũng cần được rà soát kỹ, nhằm tránh xảy ra tình trạng dự phòng điện không hợp lý.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phải rà soát quy định về cơ quan chủ trì xây dựng cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án, và làm rõ mối liên hệ phát triển nguồn và lưới giữa quy hoạch điện 8 và các quy hoạch tỉnh đang được địa phương tổ chức lập.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho biết: những nội dung cần bổ sung trong quy hoạch điện 8 liên quan đến các chính sách, định hướng lớn như tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn tới, hệ số đàn hồi điện, cách thức mô phỏng chương trình phát triển nguồn điện với các kịch bản đề xuất, những nghiên cứu sâu hơn về năng lượng sinh khối trong quy hoạch điện, giải pháp đặt ra khi tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô lớn trong hệ thống điện, công nghệ tích trữ năng lượng trong tương lai....

Trên cơ sở đó, để đảm bảo chủ động trong công tác điều hành của Chính phủ, Quy hoạch điện 8 đã bổ sung thêm phương án cao có tính đến sự chậm trễ của một số nguồn điện lớn.

Bên cạnh đó, để có thể thực hiện thành công Quy hoạch điện 8, nhiều nhóm giải pháp đã được đề xuất trong Quy hoạch điện 8, nhằm giải quyết những vướng mắc từng gặp trong các quy hoạch điện quốc gia giai đoạn trước.

Trước đó, Quy hoạch điện 8 đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện 8 bỏ phiếu nhất trí thông qua các nội dung của Quy hoạch.