19:06 16/03/2023

Ninh Bình kiến nghị trung ương hỗ trợ gần 6.500 tỷ đồng xây 25km cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng

Anh Tú

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có công văn số 171/UBND – VP4 đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình với tổng mức đầu tư khoảng 8.450 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 6.450 tỷ đồng thực hiện dự án...

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc cao tốc Bắc - Nam qua Ninh Bình.
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc cao tốc Bắc - Nam qua Ninh Bình.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) có chiều dài khoảng 109km, thuộc nhóm các tuyến đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc; với điểm đầu tại đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, TP. Ninh Bình, điểm cuối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Trong đó, đoạn tuyến qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình dài khoảng 80km là một phần của tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.

ĐỀ XUẤT ĐẦU TƯ CÔNG 8.450 TỶ ĐỒNG KHOẢNG 25KM ĐOẠN QUA NINH BÌNH

UBND tỉnh Ninh Bình cho biết dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình dài 25,4 km có điểm đầu tại nút giao Mai Sơn giao với tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối là cầu vượt sông Đáy (cầu Tam Tòa) nối hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình, dự án bắt đầu từ nút giao Mai Sơn, tuyến vượt qua Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc – Nam, đi qua địa phận hai huyện Yên Mô và Yên Khánh, giao với Quốc lộ 10 tại vị trí cuối tuyến tránh Yên Ninh, huyện Yên Khánh và kết nối vào cầu vượt sông Đáy (cầu Tam Tòa nối hai tỉnh Ninh Bình, Nam Định) để sang tỉnh Nam Định.

 

Dự án sẽ xây dựng tuyến cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120 km/h, bề rộng nền đường 24,75m, bề rộng mặt đường 15 m. Hình thức đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình là đầu tư công.

Với quy mô đầu tư như trên, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 8.450 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng chính tuyến và đường gom là 3.658 tỷ đồng; xây dựng cầu, hầm chui, cống lớn là 1.597 tỷ đồng.

UBND tỉnh Ninh Bình cho biết địa phương sẽ bố trí 2.000 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng và một số chi phí có liên quan khác, trong đó trước năm 2025 là 1.500 tỷ đồng, sau năm 2025 bố trí 500 tỷ đồng.

Phần vốn còn lại (6.450 tỷ đồng), UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị Chính phủ hỗ trợ theo tiến độ triển khai dự án.

Nếu phương án này được chấp thuận, UBND tỉnh Ninh Bình cam kết sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đầu tư để khởi công công trình trong vòng 1 năm; khởi công công trình từ năm 2024 và hoàn thành vào năm 2026.

Ngoài việc kết nối với tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 sắp hoàn thành, giảm tải cho tuyến Mai Sơn - Cao Bồ qua trung tâm TP. Ninh Nình, tuyến Mai Sơn – cầu Tam Toà, dự án sau khi hoàn thành còn kết nối giao thông toàn khu vực phía Đông tỉnh Ninh Bình, huyện Nga Sơn – Thanh Hóa, phát huy Quốc lộ 10, đường ven biển, trục giao thông Đông – Tây của Ninh Bình.

ĐẦU TƯ NÂNG CẤP HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Ninh Bình được củng cố và phát triển, thông qua việc đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ đời sống dân sinh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh thực hiện các dự án trọng điểm như: xây mới tuyến cao tốc Bắc Nam qua tỉnh Ninh Bình, nâng cấp hai tuyến quốc lộ (Quốc lộ 1 tránh TP. Ninh Bình, Quốc lộ 12B), xây dựng đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình, đường Bái Đính - Ba Sao - Mỹ Đình, tổng chiều dài đường được xây dựng, nâng cấp khoảng 100km đạt quy mô từ cấp III đồng bằng trở lên, với tổng kinh phí hơn 8.000 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, theo đánh giá, một số địa bàn như Nho Quan, Yên Mô, Kim Sơn... vẫn còn nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, mở rộng ngành nghề phát triển kinh tế - xã hội, do nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng còn hạn chế, giao thông đi lại không thuận lợi.

Chẳng hạn, tại huyện miền núi Nho Quan, dù có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng và dư địa mở rộng thu hút đầu tư song lâu nay Nho Quan vẫn được coi là “vùng trũng” về hệ thống cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, nhất là những xã miền núi, vùng cao.

Giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh xác định rõ mục tiêu tập trung đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng đảm bảo tính kết nối vùng, liên vùng, mở rộng không gian đô thị, tạo dư địa và động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Dấu ấn nổi bật trong năm 2022 chính là việc khánh thành, đưa vào sử dụng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, với chiều dài khoảng 15km, quy mô 4 làn xe, do địa phương làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình cũng khởi công xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng như: tuyến đường Đông - Tây,  đường bộ ven biển, đường ĐT 482, ĐT 477, tuyến đường nối Quốc lộ 12B và Quốc lộ 21B đoạn từ cầu Tu đến cầu Cọ; đường T21…