Rõ lợi thế, doanh nghiệp vẫn ngần ngại chuyển đổi “kép”
Dồn sức chuyển đổi “kép” số và xanh để tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, nhưng trong tiến trình này những rào cản về nguồn lực, rủi ro về pháp lý đang khiến doanh nghiệp ngần ngại đi xa trên chặng đường đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh..
Những năm gần đây tại Việt Nam, nhiều mô hình kinh tế mới, nổi lên là kinh tế chia sẻ như: Grab, Be, Airbnb… dần len lỏi trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Đặc biệt, nhờ được nhân lên bởi sức mạnh của công nghệ, những doanh nghiệp kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ chứng kiến những bước phát triển thần tốc.
NHIỀU CHẤT "XÚC TÁC" PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam (Vietnam New Economy 2023) với chủ đề: “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tuần vừa qua, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM, cho rằng Việt Nam được nhìn nhận như một trong các quốc gia khởi nghiệp và toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương như một châu lục khởi nghiệp.
Cùng sự tham gia của công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên môi trường xúc tác rất mạnh mẽ để thương mại hóa công nghệ mới thành các sáng kiến, các mô hình kinh tế mới và giúp nền kinh tế chia sẻ trở nên phổ biến.
Theo ông Cương, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế số. Trong báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022; đồng thời, được đánh giá là một trong bảy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua và luôn luôn đứng trong top 3 của nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có giá cước trung bình để sử dụng 1GB dữ liệu thuộc nhóm rẻ nhất thế giới (đứng thứ 21/237 giá cước trung bình 0,29 USD/1GB, rẻ nhất có gói cước chi phí 0,09 USD/1GB, đắt nhất là 2,49 USD/1GB). Bên cạnh đó, người Việt Nam dành thời gian sử dụng internet, mạng xã hội khá lớn (trung bình khoảng 2,5h cho các hoạt động liên quan đến mạng xã hội, trung bình dùng 6,5h để online với tất cả những phần mềm).
Cùng với đó, Việt Nam có khoảng 76,93% hộ gia đình kết nối internet tốc độ cao, tỷ lệ thuê bao di động dùng điện thoại thông minh 79,2%; 77% dùng Facebook, 62 triệu người dùng YouTube, 52 triệu người dùng Messenger, cao thứ 5 thế giới.
Như vậy, “một cách tự nhiên, dù người Việt Nam tham gia hoạt động kinh tế số hay không thì tiềm năng để phát triển kinh tế số rất lớn”, ông Cương đánh giá.
Bên cạnh đó, Việt Nam ghi nhận tỷ lệ rất cao về số người sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt, từ những khu chợ, hàng quán kinh doanh vỉa hè hay đến những người bán hàng rong đều dùng QR Code và các hình thức không dùng tiền mặt để thanh toán. Nền tảng thanh toán số Vietcombank có 12,4 triệu người dùng, MB Bank là 10,2 triệu, BIDV 9,2 triệu, Zalo Pay 6,9 triệu người dùng…
Từ những đặc điểm thuận lợi để phát triển kinh tế chia sẻ và kinh tế số nêu trên, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương nêu bật lên những lợi ích mà mô hình kinh tế mới này đem lại.
Thứ nhất, thị trường cạnh tranh và sôi động hơn.
Sau khi có sự xuất hiện của taxi công nghệ như Grab, Uber, một loạt các hãng taxi truyền thống cũng phải thay đổi theo xu hướng áp dụng các nền tảng, sử dụng các công nghệ tương tự công nghệ của nền kinh tế chia sẻ.
Một thống kê cho thấy thị trường giao đồ ăn nhanh của Việt Nam trị giá khoảng 1,1 tỷ USD, trong đó, Grab chiếm khoảng 45% thị phần; Shopee khoảng 41%, Baemin khoảng 12%, Gojek 2%. Hãng Baemin dù được trợ sức rất mạnh mẽ từ các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc, nhưng bắt đầu dần rời bỏ thị trường kinh tế chia sẻ bởi sự cạnh tranh quá khốc liệt và mạnh mẽ.
Thứ hai, kinh tế chia sẻ đem lại một hệ sinh thái rất khác biệt. Ông Cương chỉ rõ kinh tế chia sẻ không chỉ nuôi sống một quán ăn với doanh thu lên đến 300 triệu đồng/tháng, mà có thể nuôi sống toàn bộ một đoạn phố nhờ hình thành nên một hệ sinh thái phục vụ các doanh nghiệp thuộc nền kinh tế chia sẻ.
TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO
Mặc dù bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều biến động bất thường nhưng các mô hình kinh tế chia sẻ lại minh chứng là một giải pháp rất hiệu quả để doanh nghiệp và thế giới thích ứng, vượt qua những cú sốc. Theo Phó Viện trưởng CIEM, mô hình chia sẻ đem lại rất nhiều thay đổi kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam.
“Thật khó tin khi nhận thấy một doanh nghiệp kinh tế chia sẻ tại một số thời điểm cung cấp số việc làm nhiều hơn số việc làm do một doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, một doanh nghiệp FDI lớn nhất Việt Nam hay một doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Việt Nam tạo ra. Đây là một động lực tốt trong việc tạo ra công ăn việc làm cho người lao động”, ông Cương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo CIEM, bên cạnh những lợi ích đem lại, nền kinh tế chia sẻ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, người lao động và lợi ích của các bên khác.
“Điều đáng lo ngại của nền kinh tế chia sẻ là hiện có nhiều biến tướng hoặc sự thay đổi mà khi mới áp dụng cũng không nghĩ tới”, ông Cương bày tỏ. Lãnh đạo CIEM phân tích:
Một là, bản chất của nền kinh tế chia sẻ là ban đầu sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có để tăng hiệu suất sử dụng, không để nguồn tài nguyên lãng phí; tuy nhiên, khi nhìn thấy những lợi ích của mô hình này, có rất nhiều doanh nghiệp, người dân đổ xô mua ô tô, xe máy mới tham gia vào hệ thống.
Hai là, kinh tế chia sẻ là mô hình mới, vì vậy vấp phải nhiều vấn đề liên quan đến rào cản pháp lý. Theo ông Cương, khi rủi ro tương đối lớn xảy ra hay sự xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp, mô hình kinh doanh truyền thống với doanh nghiệp, mô hình kinh tế chia sẻ, cơ quan quản lý nhà nước có xu hướng đưa kinh tế chia sẻ về quản lý như các mô hình kinh doanh thông thường.
“Điều này có khả năng triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo”, ông Cương quan ngại.
Ngoài ra, còn nhiều rào cản về nguồn lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp, sự chậm trễ khi thực thi chính sách… khiến tiến trình chuyển đổi số vẫn gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế số, theo Phó Viện trưởng CIEM, Việt Nam cũng đẩy mạnh việc phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Theo đó, nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình này, như: Luật Bảo vệ môi trường; Chiến lược tăng trưởng xanh 2021 – 2030; Chiến lược chống biến đổi khí hậu, sản xuất sạch; dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm kinh tế tuần hoàn…
DOANH NGHIỆP NGẠI ĐI XA HƠN
Về thực trạng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, kết quả điều tra 500 doanh nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, trải dài từ Bắc vào Nam của CIEM gần đây cho thấy hiện doanh nghiệp nhận được khá nhiều hỗ trợ, như: đào tạo người lao động, hỗ trợ cung cấp tư vấn chuyên gia; hỗ trợ về khoa học công nghệ như chuyển giao, đào tạo, hướng dẫn; hỗ trợ vốn…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo CIEM, doanh nghiệp mong muốn nhiều hơn các hình thức hỗ trợ khác để thực hiện mô hình kinh doanh như: hỗ trợ mặt bằng, trợ giá cho sản phẩm, hỗ trợ lãi suất…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2023 phát hành ngày 09-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam