Sân bay Phù Cát sẽ có kiến trúc tòa Tháp Chàm, đón 7 triệu khách/năm
Đến năm 2050, Cảng hàng không Phù Cát dự kiến xây mới các nhà ga hành khách, nâng công suất lên 7 triệu khách/năm và khai thác được tàu bay Code E. Cùng với đó, sẽ tạo hình thức kiến trúc của khối nhà ga đồng bộ, có 3 tòa tháp mang dáng dấp những tòa Tháp Chàm...
Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Cảng hàng không Phù Cát, trước đây là sân bay Phù Cát, được Mỹ xây dựng từ những năm 1960 - 1970, là căn cứ quan trọng của Không quân Mỹ - Ngụy. Từ năm 2000 đến nay, Cảng hàng không Phù Cát được đầu tư xây dựng mới một số công trình thiết yêu phục vụ các hoạt động hàng không dân dụng như: đường lăn, sân đô máy bay (năm 2001 - 2002), nhà ga hành khách dân dụng và đài chỉ huy (năm 2003), mở rộng sân đỗ tàu bay (năm 2015)...
Nhà ga hành khách hiện có công suất: 600 hành khách/giờ cao điểm, tương đương 1,5 triệu hành khách/năm; diện tích sử dụng 8.397m2.
Đánh giá năng lực khai thác của sân đỗ tàu bay, đơn vị tư vấn nhận định với tổng số 8 vị trí đỗ, Cảng hàng không Phù Cát đảm bảo đáp ứng nhu cầu khai thác hiện tại các loại tàu bay Code C (A320, A321 và tương đương) với điều kiện hạn chế về tải trọng khai thác do sức chịu tải của hệ thống sân đường khu bay xuống cấp vì được xây dựng, khai thác từ lâu và có thể đạt mức tương đương khoảng 3 triệu hành khách/năm.
Đồng thời, Cảng hàng không Phù Cát là sân bay quân sự cấp I, có mật độ bay huấn luyện cao.
Do đó, "để đáp ứng yêu cầu khai thác các loại tàu bay Code C (A320, A321 và tương đương) đầy tải hoặc tàu bay Code E lớn hơn cần phải nâng cấp toàn bộ hệ thống sân đường khu bay theo định hướng, đáp ứng nhu cầu khai thác đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, cần có thêm vị trí đỗ dự phòng để đảm bảo khai thác liên tục, an toàn trong quá trình nâng cấp, sửa chữa", đơn vị tư vấn khẳng định.
Cùng với đó, Bình Định được coi như cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên, đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 bình quân 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 8.300 USD (theo giá hiện hành). Tỉnh Bình Định cũng hướng đến sự phát triển bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hoá.
Vì vậy, để đáp ứng tốt các yêu cầu khai thác hiện tại và trong tương lai, Cảng hàng không Phù Cát cần được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại hơn.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, sẽ giữ nguyên công trình hiện có, mở rộng về 2 phía tạo nên 3 hình khối giống nhau và đảm bảo dây chuyền hoạt động thông suốt đồng bộ.
Bên cạnh đó, đơn vị tư xuất đề xuất: "Cải tạo hình thức kiến trúc của khối nhà ga cũ đồng bộ với 2 khối nhà ga mới thành tập hợp công trình có 3 tòa tháp mang dáng dấp những tòa Tháp Chàm, một trong những biểu tượng văn hóa, lịch sử của địa phương".
Về ưu điểm, đơn vị tư vấn cho rằng sẽ tận dụng được nhà ga hành khách đang khai thác mới đầu tư; đảm bảo yếu tố kinh tế; sử dụng hợp lý quỹ đất hàng không dân dụng hiện đang quản lý.
Tuy nhiên, "sẽ cần phải có biện pháp thi công đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về kiến trúc khi cải tạo nhà ga cũ; đáp ứng yêu cầu về tiến độ, sự an toàn khi vừa khai thác sử dụng vừa thi công xây dựng các khối nhà ga mới Cảng hàng không Phù Cát quy hoạch với quy mô 5 triệu hành khách/năm, đảm bảo khai thác máy bay quân sự cấp I, máy bay dân dụng A320/A321 và tương đương với chiều dài đường cất hạ cánh là: 3.048m, có thể khai thác máy bay Code E khi có nhu cầu, khai thác linh hoạt và hiệu quả hơn", đơn vị tư vấn nhấn mạnh.
Theo đó, với quy hoạch nhà ga hành khách, trên cơ sở dự báo sản lượng hành khách đến năm 2030, đơn vị tư vấn cho rằng cần thiết xây mới nhà ga hành khách cạnh nhà ga hành khách hiện hữu, công suất thiết kế 2,3 triệu hành khách, cải tạo nhà ga hiện hữu đạt công suất 2,4-2,7 triệu hành khách, tổng công suất nhà ga đạt được 5 triệu hành khách/năm tương đương 2.000 hành khách/giờ cao điểm. Tính chất là ga nội địa, 2 cao trình.
Sau đó, giai đoạn đến 2050, xây mới nhà ga hành khách về phía bên trái nhà ga hiện hữu với công suất 2,3 triệu hành khách tổng công suất nhà ga đạt được 7 triệu hành khách/năm. Cải tạo hình thức kiến trúc của khối nhà ga cũ đồng bộ với khối nhà ga mới thành tập hợp công trình có 3 tòa tháp mang dáng dấp những tòa Tháp Chàm, một trong những biểu tượng văn hóa, lịch sử của địa phương.
Còn về nhà ga hàng hóa, giai đoạn đến 2030, cải tạo nhà ga hành khách cũ thành kho hàng hóa đáp ứng công suất 5.000 tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn đến 2050, xây mới nhà ga hàng hóa về vị trí lô đất rộng 5.000m2 với công suất 50.000 tấn hàng hóa/năm.