03:08 09/02/2007

Sáng nay, Thủ tướng đối thoại trực tuyến

Ngọc Kiên

Trong thời gian dự kiến hơn 2 giờ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời trực tiếp câu hỏi mà người dân gửi tới qua Internet

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra mới đây ở Davos (Thụy Sỹ) - Ảnh: AP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra mới đây ở Davos (Thụy Sỹ) - Ảnh: AP.
Trong thời gian dự kiến hơn 2 giờ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời trực tiếp câu hỏi mà người dân gửi tới qua Internet.

Theo thông tin từ website của Chính phủ, hiện mọi công việc chuẩn bị cho buổi đối thoại trực tuyến giữa Thủ tướng và người dân - bắt đầu từ 9h đến hơn 11h sáng nay (9/2) tại trụ sở website Chính phủ, 16 Lê Hồng Phong, Hà Nội - đã được hoàn tất.

Theo Ban tổ chức, sẽ có bốn phòng phục vụ buổi đối thoại gồm một phòng chính nơi Thủ tướng ngồi đối thoại, một phòng cho bộ phận thư ký (20 người) ghi nội dung trả lời và hai phòng dành cho báo chí theo dõi qua truyền hình.

Tại đây, Thủ tướng sẽ trực tiếp lựa chọn và trả lời các câu hỏi liên quan đến 9 nhóm chủ đề mà Ban tổ chức đã công bố rộng rãi trên website Chính phủ, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, báo điện tử VietnamNet, những đơn vị sẽ trực tiếp tham gia phục vụ buổi đối thoại trực tuyến của Thủ tướng.

Từ nhiều ngày nay, độc giả và những người quan tâm đã gửi rất nhiều câu hỏi tới Thủ tướng thông qua ba tờ báo điện tử nói trên. Tính đến hết ngày 7/2, Ban tổ chức đã nhận được gần 20.000 câu hỏi. Đáng chú ý là ngay trong khi buổi đối thoại trực tuyến đang diễn ra, người dân vẫn có thể gửi tiếp câu hỏi tới Thủ tướng.

Theo Ban tổ chức, đa số các câu hỏi gửi đến Thủ tướng đều thể hiện tinh thần trách nhiệm và thái độ nghiêm túc, mang tính xây dựng, chân thành đóng góp ý kiến của người dân với Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Lãnh đạo một số vụ, cục, các đơn vị trực thuộc Văn phòng Chính phủ cũng đến dự để nắm bắt những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra, để từ đó làm tốt hơn công tác tham mưu cho Chính phủ.

Đây có thể xem là buổi đối thoại trực tuyến có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, một sự kiện chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm lớn từ phía báo giới nước ngoài. Tin từ website Chính phủ cho biết, phóng viên của ba hãng thông tấn nước ngoài là Reuters, AFP, Kyodo đã có mặt để theo dõi và đưa tin về sự kiện này.

* 9 nhóm chủ đề của buổi đối thoại trực tuyến:


- Đánh giá tình hình kinh tế xã hội Việt Nam năm 2006;

- Những giải pháp phát triển kinh tế xã hội nhanh, mạnh và bền vững của Việt Nam năm 2007 và những năm tiếp theo;

- Cuộc đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, lãng phí;

- Nhà, đất, thực hiện các chính sách về nhà đất;

- Cải cách hành chính

- Phát triển giáo dục, văn hoá, y tế;

- Phát triển khoa học công nghệ;

- Phòng chống thiên tai, dịch bệnh;

- Đời sống, việc làm, các chính sách xã hội