17:05 14/11/2022

Sắp công bố Chương trình hành động của Chính phủ về Tây Nguyên với nhiều đột phá

Anh Nhi

Chương trình hành động của Chính phủ sẽ đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của vùng Tây Nguyên, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ…

Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.
Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.

Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ diễn ra vào ngày 20/11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

Với chủ đề “Phát triển xanh – Hài hòa – Bền vững”, Hội nghị được tổ chức tại TP. Đà Lạt, Lâm Đồng với sự tham gia của 500 đại biểu đến từ các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm mở ra những cơ hội hợp tác mới.

Tại Hội nghị sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sắp công bố Chương trình hành động của Chính phủ về Tây Nguyên với nhiều đột phá - Ảnh 1

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên, quy mô kinh tế vùng tăng nhanh, gấp hơn 14 lần năm 2002. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, với mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Để thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Chính phủ dự kiến đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm:

Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; Phát triển văn hoá - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 23 nhiệm vụ cụ thể và 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Chương trình hành động của Chính phủ dự kiến đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và là cơ hội cho Vùng Tây Nguyên phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chương trình hành động của Chính phủ 
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chương trình hành động của Chính phủ 

Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội nghị Xúc tiến đầu tư sẽ được tổ chức song song với Hội nghị triển khai Chương trình hành động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn Vùng; là điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược được đặt ra tại Nghị quyết số 23-NQ-TW có thể được hiện thực hóa.

Ngoài ra, Lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ diễn ra trong khuôn khổ các sự kiện trên.

Chia sẻ với báo chí tại cuộc họp báo về “Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 14/11, ông Trần Duy Đông cho biết, Tây Nguyên có nhiều tiềm năng lợi thế, đặc biệt là khí hậu thổ nhưỡng, tuy nhiên, Vùng chưa xây dựng được thương hiệu nông sản và chưa xác định giá trị gia tăng cao.

“Chúng ta đã đặt mục tiêu trong Nghị quyết số 23-NQ-TW là phát triển về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tây Nguyên. Đây là cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu để khẳng định với quốc tế”, ông Đông nói.

Tây Nguyên có tiềm năng về năng lượng tái tạo cũng rất lớn, điển hình là năng lượng mặt trời, năng lượng gió; lĩnh vực bô-xít. Thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nhôm chất lượng cao, gắn với khai thác bền vững bô-xít tại Đắc Nông, gắn với bảo vệ môi trường cũng góp phần thúc đẩy Tây Nguyên phát triển.

Ngoài ra, Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng để phát triển dược liệu. Thổ nhưỡng tại Tây Nguyên có nhiều diện tích chưa khai thác hết, nhất là dưới tán rừng.

“Chính sách về Tây Nguyên đang tạo cơ chế tốt, trong đó có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thời gian tới”, ông Đông khẳng định.