10:12 12/10/2022

Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Chương Phượng

Trong 3 ngày qua, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên xảy ra mưa rất lớn, với lượng mưa có nơi lên đến 800 mm, gây ra lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất tại nhiều địa phương. Hậu quả là 3 người chết và mất tích, nhiều làng mạc bị ngập, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp rất lớn…

Cứu nạn khắc phục sự cố sạt lở tại thủy điện Kà Tinh 1.
Cứu nạn khắc phục sự cố sạt lở tại thủy điện Kà Tinh 1.

Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết trong các ngày từ 9-12/10, khu vực Trung Bộ có mưa to tới rất to phổ biến từ 350-500mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 809mm; Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) 764mm; Trung tâm GD-DN 05-06 (Đà Nẵng) 526mm; Tam Lãnh (Quảng Nam) 780mm; Tam Trà (Quảng Nam) 761mm; Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) 737mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 731mm; Xã An Nghĩa (Bình Định) 630mm.

SẠT LỞ ĐẤT VÀ NGẬP LỤT GÂY THIỆT HẠI NẶNG NỀ

Mưa lớn đã khiến nhiều làng mạc bị ngập; 2 người chết, 1 người mất tích (Quảng Nam). Về nhà ngập, Quảng Nam có 7450 nhà ngập từ 0,5m-1,2m; Đà Nẵng có 185 nhà ngập 0,1-0,4. Ngập đường giao thông: Quảng Bình có 4 điểm ngập (2 điểm Quốc lộ; 2 điểm Tỉnh lộ); Quảng Nam có 15 điểm ngập (5 điểm Quốc lộ, 10 điểm Tỉnh lộ). Công trình thủy điện Kà Tinh (Quảng Ngãi) bị sạt lở vùi lấp 1 tổ máy.

Về nông nghiệp: 209 ha hoa màu, 47 ha thủy sản, và hàng chục ha lúa bị ngập tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận.

Tại các tỉnh Tây Nam Bộ: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang cũng có mưa lốc và triều cường, khiến 404 ngôi nhà bị ngập; 250 ha lúa, 206,3 ha hoa màu và 227,3ha cây ăn trái bị ngập. Tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang, sạt lở 50m bờ sông.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, khu vực bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang đã trở thành điểm nóng về sạt lở ở Thừa Thiên Huế. Trong bão số 4 vừa qua, bờ biển ở khu vực này tiếp tục bị sạt gần 500, sâu vào đất liền gần 10m. Những ngày qua, dưới tác động của mưa lớn, triều cường, vùng biển này lại tổn thương thêm lần nữa với chiều sâu vào đất liền gần 4m.

Trước tình hình đó, địa phương đã huy động bà con, cán bộ địa phương, lực lượng Công an, dân quân tự vệ xã và hai đồn biên phòng là hải đội 2, đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An cùng chung tay gia cố bờ biển, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của sóng, gió.

Từ sáng 11/10 đến trưa 12/10, hơn 150 cán bộ chiến sĩ, cán bộ nhân dân xã Phú Thuận đã sử dụng bao cát, xẻng, dây thừng… đổ đất để gia cố khu vực sạt lở.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có hơn 12,4km bờ biển trong tổng số 128km bờ biển của địa phương này bị sạt lở nặng. Vào mùa mưa bão, tốc độ xói lở trung bình hàng năm từ 3-5m, có nơi từ 5-7m. Riêng đoạn bờ biển qua xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, trong 10 năm trở lại đây đã xói sâu vào khoảng 100- 200m, đe dọa trực tiếp đến 1500 hộ dân sống gần bờ biển, có nguy cơ mở cửa biển mới.

Đối với sự cố sạt lở đất tại nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã sử dụng 3 xe cẩu và máy xúc san gạt đất đá, khơi thông tuyến đường từ vị trí sạt lở đến cầu Kà Tinh. Hai xe máy cẩu khác tiếp cận sát vị trí Tổ máy phát điện bị vùi lấp, khẩn trương san gạt bùn đất để tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Tuy nhiên do trời vẫn tiếp tục mưa nặng hạt, vị trí Tổ máy bị sạt lở núi vùi lấp nằm ngay sách mép dòng suối Kà Tinh, nên việc tiếp cận sâu bên trong tổ máy từ nhiều phía để tìm kiếm nạn nhân gặp khó khăn.

Trước đó vào tối 10/10, khu vực cầu Kà Tinh, Km37 + 559, Tỉnh lộ 622B đoạn qua xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng đã xảy ra sạt lở núi nghiêm trọng, làm sập hoàn toàn Tổ máy phát điện của Nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1 và một công nhân trực tổ máy của Nhà máy chưa liên lạc được.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, do mưa lớn trong hai ngày qua, toàn tỉnh có 1.995 nhà dân bị ngập, mức ngập trung bình từ 0,3 - 0,7m, tập trung tại huyện Nghĩa Hành và Đức Phổ. Tỉnh đang di dời, sơ tán 400 hộ/1.094 khẩu trong vùng bị ngập lụt và vùng nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.

 CÁC ĐỊA PHƯƠNG CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI MỌI TÌNH HUỐNG

Tổng cục Thủy lợi cho biết mưa lớn đang “đe dọa” các hồ chứa thủy lợi. Theo báo cáo về tình hình hồ chứa thủy lợi, khu vực Bắc Bộ hiện có có 329 hồ hư hỏng xuống cấp, 141 hồ đang thi công; 1 hồ đang xả tràn. Khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ với lượng nước đạt từ 57% - 100% dung tích thiết kế, trong đó có 311 hồ hư hỏng xuống cấp, 74 hồ đang thi công; 4 hồ đang xả tràn.

Khu vực Nam Trung Bộ có 517 hồ với lượng nước hiện đạt từ 50% - 85% dung tích thiết kế, trong đó có 68 hồ hư hỏng xuống cấp, 39 hồ đang thi công; 10 hồ đang xả tràn. Khu vực Tây Nguyên có 1.246 hồ với lượng nước đạt 79% - 95% dung tích thiết kế, trong đó có 187 hồ hư hỏng xuống cấp, 53 hồ đang thi công; 2 hồ đang xả tràn.

 

"Để có giải pháp xử lý sạt lở bờ biển miền trung, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn Trung ương nghiên cứu tổng thể, đưa ra giải pháp chính trị chống xói lở bờ biển các tỉnh miền trung từ Nghệ An đến Bình Thuận".

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ ngày 12-13/10, mưa to đến rất to có khả năng xuất hiện trở lại ở khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ngày 12-13/10, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 4,0-6,0m; vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông gió Đông Bắc đến Bắc mạnh cấp 6, đêm tăng lên cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, riêng vùng biển phía tây khu vực giữa Biển Đông sóng biển cao 3,0-5,0m.

Với tình hình mưa lớn đang còn tiếp diễn, Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên phải chủ động ứng phó với mưa lũ, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, chủ động ứng phó với các tình huống.

Các địa phương tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác di dời, sơ tán dân ứng phó với lũ, ngập lụt. Cử lực lượng tuần tra, canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường giao thông bị ngập lụt, sạt lở và dọn dẹp đất đá, khắc phục sạt lở và tìm kiếm người mất tích.

Tổng cục Phòng chống thiên tại đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác xử lý sạt lở khu vực nhà máy thủy điện Kà Tinh 1, huyện Trà Bồng. Đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục huy động vật tư, phương tiện và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai để xử lý triệt để sạt lở bờ biển ở khu vực giáp múi bờ kè An Dương 1.