Sau 17 năm thử thách, mốc 1.100 điểm sẽ hỗ trợ cực mạnh cho VN-Index tăng với định giá rẻ lịch sử
Với mức tăng trưởng lợi nhuận chung 15-20% trong năm 2024, mốc điểm 1100 được thử thách rất nhiều lần trong suốt 17 năm qua sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ với định giá rẻ lịch sử của xu hướng tăng dài hạn.
Năm 2023 là một năm tích cực, thị trường chứng khoán lớn như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ tăng vượt đỉnh lịch sử dù FED và hầu hết các Ngân hàng Trung ương vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Lạm phát giảm trong khi nền kinh tế không suy yếu như lo ngại đã giúp niềm tin về kịch bản hạ cánh mềm dần hiện thực.
TOÀN CẦU CẮT GIẢM LÃI SUẤT, TÍCH CỰC CHO CHỨNG KHOÁN
Trong báo cáo chiến lược năm 2024, SGI Capital cho rằng chủ đề xuyên suốt của 2024 trên toàn cầu sẽ là cắt giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Xu hướng này mạnh hay yếu tiếp tục phụ thuộc vào cân đối giữa lạm phát và thất nghiệp.
Sau giai đoạn thắt chặt gần 2 năm qua, dư địa nới lỏng tiền tệ là khá lớn trên toàn cầu khi lạm phát ở nhiều nước đã giảm sâu dưới trần lãi suất điều hành. Goldman Sachs dự báo lạm phát của Mỹ và các nền kinh tế phát triển sẽ về vùng 2% - 2,5% vào cuối năm 2024 và không có hiệu ứng tăng trở lại. Các thị trường chứng khoán thường có hiệu suất cao trong giai đoạn lạm phát trong vùng 2% - 3%. Do vậy, trong xu hướng lãi suất giảm và nền kinh tế hồi phục, các tổ chức lớn trên thế giới đều khuyến nghị phân bổ tiền vào các kênh đầu tư thay vì giữ tiền mặt trong năm 2024.
Dữ liệu vĩ mô tháng 12 về sản xuất và việc làm cho thấy nền kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu ổn định và hồi phục, kể cả sản xuất công nghiệp và tiêu dùng bán lẻ tại Trung Quốc. Sự hồi phục này tiếp tục sẽ lan toả tới các quốc gia sản xuất gia công như Việt Nam. Năm 2024 có thể kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất đồng pha khắp toàn cầu có thể hỗ trợ tăng trưởng và nhờ đó thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc.
Định giá ở nhiều thị trường mới nổi hiện tương đối rẻ so với quá khứ và so với Mỹ. Trong khi đó, đồng USD đã kết thúc chu kỳ tăng khi FED chuẩn bị hạ lãi suất có thể khiến dòng tiền quay lại với các thị trường mới nổi. Sự tăng giá mạnh gần đây của các đồng tiền ảo là tín hiệu sớm của xu hướng này.
Những rủi ro trọng yếu của 2024 là khả năng các đầu tầu kinh tế Mỹ và Trung Quốc không phục hồi mà trôi dần vào suy thoái. Thất nghiệp Mỹ vượt 4,2% sẽ là mốc cảnh báo suy thoái quan trọng cần lưu í. Ngoài ra, rủi ro lạm phát bùng phát do các căng thẳng địa chính trị leo thang cũng có thể thay đổi các kịch bản tích cực của 2024.
CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM ĐỊNH GIÁ RẺ LỊCH SỬ
Đối với thị trường Việt Nam, sau giai đoạn 2022-2023 nhiều biến động lớn, có nhiều điều kiện để tin tưởng và sự ổn định tích cực của kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2024 với lạm phát thấp, lãi suất giảm xuống thấp kỷ lục, tỷ giá ổn định và phục hồi tăng trưởng rõ nét hơn.
Những nỗ lực của Chính phủ sẽ hỗ trợ nền kinh tế và thị trường khi tập trung đẩy mạnh cả chính sách tài khóa và nới lỏng tiền tệ. Nền lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực lớn khiến dòng tiền không còn ngủ yên. Tâm lý phòng thủ và thận trọng sẽ dần được gỡ bỏ khi nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư thay thế gửi ngân hàng sẽ tăng lên cùng với các tín hiệu phục hồi rõ hơn của kinh tế, thị trường chứng khoán và cả bất động sản.
Cùng với quyết tâm của Chính phủ đưa Việt Nam vào nhóm các thị trường mới nổi trong hai năm tới, SGI Capital tin rằng thanh khoản của thị trường sẽ tăng lên cùng VN-Index. Với mức tăng trưởng lợi nhuận chung 15-20% trong năm 2024, mốc điểm 1100 được thử thách rất nhiều lần trong suốt 17 năm qua sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ với định giá rẻ lịch sử của xu hướng tăng dài hạn.
Điểm tiêu cực còn lại trên thị trường chứng khoán là khối ngoại gia tăng bán ròng hơn 10 nghìn tỷ đồng trong tháng 12/2024. Lượng bán ròng ở Việt Nam bắt đầu có xu hướng giảm về cuối của năm, đồng pha với dòng tiền nước ngoài quay trở lại mua ròng ở các thị trường mới nổi. Tuy vậy, ở mức chênh lệch lãi suất hiện tại giữa VND và USD, áp lực tỷ giá vẫn còn ảnh hưởng tới dòng tiền ngoại và khi biến động lớn sẽ ảnh hưởng lên cả lãi suất trong nước. Việc SBV mua ròng ngoại tệ trở lại sẽ là tín hiệu tích cực nhất cho rủi ro này.
2024 là năm thuận lợi cho phần lớn doanh nghiệp niêm yết tận dụng sự cân bằng vĩ mô và hồi phục của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khả năng tận dụng cơ hội này không đồng đều. Những doanh nghiệp tiềm lực tài chính tốt, giữ hoặc mở rộng được thị phần sẽ có sức bật tốt hơn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thiếu hiệu quả, vay nợ quá lớn và không quyết liệt tái cơ cấu sẽ dần thu hẹp. Do vậy, năm 2024 có thể chứng kiến sự phân hoá rất mạnh mẽ và tạo ra nhiều cơ hội hấp dẫn.