00:36 23/11/2007

Sau giá xăng dầu, đến giá tiêu dùng?

Văn Thành

Giá xăng dầu tăng mạnh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 dự báo sẽ đột biến; khả năng kiềm chế lạm phát càng căng thẳng

Người dân đứng trước khả năng giá cả tăng cao trong tháng 12.
Người dân đứng trước khả năng giá cả tăng cao trong tháng 12.
Giá xăng dầu tăng mạnh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 dự báo sẽ đột biến; khả năng kiềm chế lạm phát càng căng thẳng.

So với 4 lần điều chỉnh trước đó, đợt tăng giá xăng dầu lần này (11 giờ ngày 22/11) khá bất ngờ. Sự bất ngờ có ở niềm tin trước đó, rằng giá mặt hàng này sẽ được bình ổn để hỗ trợ mục tiêu kiềm chế đà tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Dự kiến, ngày 24/11 này, Tổng cục Thống kê sẽ công bố mức tăng của CPI 11 tháng đầu năm. Nhiều khả năng sẽ có những con số đáng lo ngại. Lo ngại hơn, mức tăng mạnh dự báo sẽ dồn vào tháng 12, tháng cao điểm tiêu dùng công thêm “nhiệt” của giá xăng dầu chuyển vào giá hàng hóa, dịch vụ.

Lường trước áp lực đó nhưng quyết định điều chỉnh giá xăng dầu trở nên bất khả kháng trong bối cảnh hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá là do áp lực còn hơn cả thế bị dồn vào chân tường.

Cụ thể, bắt đầu từ 11 giờ ngày 22/11, giá xăng dầu các loại đồng loạt tăng. Giá dầu hỏa và diesel lần lượt tăng từ 8.600 đồng/lít và 8.700 đồng/lít lên 10.200 đồng/lít (tăng 1.500 – 1.600 đồng/lít); madút tăng thêm 2.500 đồng/kg (từ 6.000 đồng/kg lên 8.500 đồng/kg); giá xăng cũng được doanh nghiệp tự tính toán điều chỉnh và mức tăng trần có thể lên tới 1.700 đồng/lít.

Bộ Tài chính tính toán rằng từ đầu tháng 10 đến nay, giá dầu thế giới tăng mạnh, bình quân 11 ngày đầu tháng 11 dao động ở mức kỷ lục 95,476 USD/thùng (tăng 61% so với cùng kỳ năm 2006), gây lỗ đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Với mức mức giá thế giới trong 11 ngày đầu tháng 11, thuế nhập khẩu xăng dầu 0% thì doanh nghiệp lỗ khoảng 1.900 đồng/lít đối với xăng; với diesel lỗ 3.846 đồng/lít, dầu hỏa lỗ 4.165 đồng/lít, madút lỗ 3.332 đồng/kg. Nếu không điều chỉnh giá bán, số lỗ trong 2 tháng cuối năm với mặt hàng dầu là 6.000 tỷ đồng (cả năm bù lỗ khoảng 12.300 tỷ đồng) và lỗ kinh doanh xăng năm 2007 khoảng 1.100 tỷ đồng.

Với mức giá mới, theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương, giá xăng dầu ở Việt Nam vẫn thấp hơn ở các nước trong khu vực; như giá xăng tương đương A92 và dầu diesel ở Campuchia lần lượt là 15.196 đồng/lít và 12.093 đồng/lít; ở Lào lần lượt là 15.569 đồng/lít và 12.631 đồng/lít.

Ngoài nguyên nhân trực tiếp từ biến động giá trên thị trường thế giới, một lần nữa yêu cầu “chấp nhận và thích ứng với mặt bằng giá thế giới” trong lộ trình hội nhập của nền kinh tế lại được đặt ra. “Tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ là ổn định giá cả trong nước nhưng ổn định tương đối theo thị trường”, Thứ trưởng Trần Văn Tá cho biết.

Điểm mà dư luận quan tâm là với giá xăng dầu mới (tăng mạnh) thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến CPI? Theo tính toán của liên bộ Tài chính và Công thương, giá cả hàng hóa sẽ chịu tác động từ 0,11% đến 10,8%.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Tá vẫn nhận định rằng những tác động từ việc tăng giá xăng dầu lần này sẽ không quá lớn đối với CPI, vì theo cách tính và rổ hàng hóa tính CPI hiện nay, giá xăng dầu phải qua nhiều vòng mới tác động đến sản phẩm chứ không tác động trực diện đến sản phẩm.

Dù có thể không tác động trực tiếp nhưng đợt điều chỉnh này, đặc biệt đối với mặt hàng dầu, chí phí đầu vào sản xuất, dịch vụ của nhiều ngành sẽ bị đội cao dẫn tới khả năng phải “bù chéo” bằng cách tăng giá sản phẩm (có thể xẩy ra cả tình trạng “tát nước theo mưa”).