11:22 16/05/2023

Sau nhịp tăng ấn tượng, cổ phiếu ngành xây dựng đã không còn rẻ?

Thu Minh

Một số cổ phiếu tăng tương đối nhanh và đủ dài, trong khi thu nhập chưa bắt kịp diễn biến thị trường, chính vì vậy khiến định giá trở nên bớt hấp dẫn hơn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mirae Asset vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành xây dựng với điểm nhấn định giá nhóm này đã không còn hấp dẫn sau khi tăng giá thời gian qua.

Cụ thể về kết quả kinh doanh Quý 1/2023 của 98 công ty trong ngành đã phản ánh quá trình tạo đáy lợi nhuận, kèm theo mức mức tăng trưởng yếu hoặc thậm chí âm. Trong đó, 95 công ty báo lãi; 57 công ty có doanh thu tăng trưởng âm; 80 công ty có lợi nhuận ròng tăng trưởng âm.

Với làn sóng đầu tư cơ sở hạ tầng từ chính phủ, cổ phiếu ngành xây dựng đã có một đợt phục hồi ấn tượng trong quý 1 năm 2023. Đáng chú ý, một số cổ phiếu đầu ngành đã tăng giá vượt trội hoàn toàn VN-Index, với mức giá tăng từ 20% -60%, do kỳ vọng nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ Chính phủ sẽ tiếp tục gia tăng.

"Một số cổ phiếu tăng tương đối nhanh và đủ dài, trong khi thu nhập chưa bắt kịp diễn biến thị trường, chính vì vậy khiến định giá trở nên bớt hấp dẫn hơn. Chúng tôi tin rằng cần có thêm chất xúc tác/yếu tố thuận lợi để bù đắp cho việc tăng giá, trước khi cổ phiếu di chuyển đến một vùng giá cao hơn. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên chờ đợi sự cải thiện về thu nhập", Mirae Asset nhấn mạnh. 

Sau nhịp tăng ấn tượng, cổ phiếu ngành xây dựng đã không còn rẻ?  - Ảnh 1

Đến cuối tháng 4 năm 2023, ước tính giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam là 112.786 tỷ đồng, đạt 14,63% mục tiêu năm 2023. So với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%; trong đó, giải ngân trong nước đạt 16,03% và giải ngân nước ngoài đạt 6,28%.

Cập nhật tiến độ cao tốc Bắc Nam: Giai đoạn 1 (2017–2020): Đến hết tháng 4/2023 ước lũy kế giải ngân 49.144 tỷ đồng, đạt 78,7% kế hoạch; trong đó, năm 2023 là 4.029 tỷ đồng, đạt 23,8% kế hoạch năm 2023.

Giai đoạn 2 (2021–2025): Đến hết tháng 4/2023, lũy kế ước giải ngân là 25.687 tỷ đồng, đạt 46,9% kế hoạch; trong đó, năm 2023 là 16.545 tỷ đồng, đạt 36,4% kế hoạch năm 2023.

Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công trong 4T23 còn trì trệ do một số nguyên nhân sau:  Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đang triển khai chi tiết phương án phân bổ vốn cho các dự án, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tập trung đấu thầu các nhà thầu xây lắp.

Một số công việc chuẩn bị đầu tư tiếp tục tiến hành chậm do vướng thủ tục đất đai; công tác giải phóng mặt bằng chưa được các nhà đầu tư chú trọng do các dự án đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hơn nữa, chủ đầu tư chưa chủ động trong khâu triển khai dự án dẫn đến tiến độ giải ngân chậm.

Với những công việc đang được triển khai, Việt Nam kỳ vọng đến cuối năm 2025, tuyến đường cao tốc này sẽ được kết nối hoàn chỉnh, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và hành khách xuyên suốt trục Bắc - Nam.

Vào đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải đã lên kế hoạch với bảy hợp phần và cầu Mỹ Thuận 2 của Giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Ba trong số đó đã hoàn thành vào cuối tháng 4, với năm hợp phần khác sẽ hoàn thành vào cuối năm. Với kinh nghiệm thu được từ Giai đoạn 1, kỳ vọng Bộ Giao thông Vận tải sẽ điều hành các công việc và thủ tục trong Giai đoạn 2 một cách hợp lý, đẩy nhanh tiến độ ngay từ đầu và rút ngắn thời gian thi công.