12:06 12/05/2023

Thị trường giằng co, cổ phiếu vật liệu xây dựng, đầu tư công bật mạnh

Kim Phong

Nhiều mã đầu cơ tăng nóng gần đây tiếp tục bị chốt lời mạnh và quay đầu giảm. Chỉ số đại diện nhóm vốn hóa nhỏ VNSmallcap tăng rất nhẹ 0,29% với độ rộng cân bằng 81 mã tăng/81 mã giảm. Tuy nhiên dòng vốn nóng vẫn vận động khá mạnh, đẩy giá nhóm vật liệu xây dựng và đầu tư công tăng tốt...

Cổ phiếu xây dựng, đầu tư công tăng tốt sáng nay.
Cổ phiếu xây dựng, đầu tư công tăng tốt sáng nay.

Nhiều mã đầu cơ tăng nóng gần đây tiếp tục bị chốt lời mạnh và quay đầu giảm. Chỉ số đại diện nhóm vốn hóa nhỏ VNSmallcap tăng rất nhẹ 0,29% với độ rộng cân bằng 81 mã tăng/81 mã giảm. Tuy nhiên dòng vốn nóng vẫn vận động khá mạnh, đẩy giá nhóm vật liệu xây dựng và đầu tư công tăng tốt.

Toàn sàn HoSE sáng nay chỉ còn 5 cổ phiếu kịch trần, trong đó có hai đại diện là HBC và FCN thanh khoản khá cao, tương ứng 54,8 tỷ đồng và 84,9 tỷ đồng. FCN đại diện nhóm đầu tư công lập kỷ lục thanh khoản kể từ đầu năm 2023, thực ra là mức giao dịch lớn nhất kể từ ngày 16/12/2022.

Cổ phiếu đầu tư công, xây dựng sáng nay tăng mạnh, ngoài FCN, VCG tăng 2,28%, HHV tăng 2,61%, BCG tăng 2,87%, CTI tăng 1,22%, HUT tăng 1,75%, LCG tăng 3,63%, CTD tăng 5,65%...

Nhóm vật liệu xây dựng cũng nổi bật, cổ phiếu thép hầu hết tăng tốt như HPG tăng 2,99%, HSG tăng 1,86%, NKG tăng 1,64%, POM tăng 4%, VGS tăng 3,42%, TLH tăng 6,44%. Các mã xi măng như BCC, FCM, HHC, TEG cũng rất tốt. Dù thanh khoản ở các mã này rất khác nhau, nhưng đà tăng giá đồng loạt mạnh cho thấy có tính chất nhóm ngành khá rõ.

Hiện tượng xoay vòng dòng tiền nóng cũng khiến nhiều cổ phiếu tăng mạnh vừa qua hạ nhiệt. DIG, NVL, DXG, PDR, NLG… có thanh khoản khá lớn và giá giảm. Diễn biến này hoàn toàn bình thường vì thị trường vẫn chỉ đang trong giai đoạn đi ngang không rõ ràng, chỉ có các cổ phiếu cụ thể là biến động mạnh. Do đó dòng tiền sẽ có xu hướng lướt từ cổ phiếu này sang cổ phiếu khác và chấp nhận một mức lợi nhuận vừa phải thay vì nắm giữ dài.

Thanh khoản của nhóm VN30 có tín hiệu phục hồi khi một phần vốn vẫn lựa chọn tích lũy ở nhóm này. Giá trị khớp lệnh sáng nay tăng hơn 38% trong rổ so với sáng hôm qua, đạt 1.788,8 tỷ đồng, trong khi tổng giao dịch khớp lệnh của sàn HoSE chỉ tăng 2%. HPG có thanh khoản phục hồi mạnh, đang dẫn đầu toàn thị trường với 695,5 tỷ đồng. HSG cũng lọt vào top 5 thanh khoản thị trường với 156,1 tỷ đồng. Ngoài ra trong Top 10 còn có VCG, HHV, LCG, là các mã đầu tư công đang có diễn biến giá khá mạnh.

VN-Index sáng nay có được sự "phục vụ" của một số cổ phiếu vốn hóa lớn.
VN-Index sáng nay có được sự "phục vụ" của một số cổ phiếu vốn hóa lớn.

VN30-Index tăng 0,45%, đang là chỉ số tăng tốt nhất trong các chỉ số nhóm vốn hóa. Midcap chỉ tăng 0,01%. Tuy nhiên độ rộng của nhóm VN30 không nổi bật, chỉ có 13 mã tăng/13 mã giảm. Độ rộng tổng thể của VN-Index là 169 mã tăng/178 mã giảm, thể hiện sự cân bằng giằng co về giá. Trong số tăng, HoSE có 75 mã đạt biên độ trên 1% và số giảm có 41 mã tụt hơn 1%. Như vậy về cơ bản biên độ dao động của giá cổ phiếu sáng nay là hẹp, chỉ có một số mã có biên độ lớn tập trung ở phía tăng như HBC, FCN, TLH, CTD, LCG, VGC có mức tăng trên 3% và thu hút dòng tiền mạnh.

VN-Index sáng nay cũng được hưởng lợi ít nhiều từ sự phục hồi của nhóm trụ. Chỉ số đang tăng 0,36%, nhờ “tứ trụ” VCB tăng 1,1%, HPG tăng 2,99%, VHM tăng 1,63% và VIC tăng 1,58%. Rổ này cũng chỉ còn 2 mã khác tăng hơn 1% là STB và GVR, còn lại không đáng kể. Phía giảm tuy cân bằng số lượng với tăng, nhưng vốn hóa nhóm giảm yếu hơn. Giảm sâu nhất là BVH giảm 1,42%, PDR giảm 1,08%, hai mã này vốn hóa nhỏ.

Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay giảm nhẹ 1%, đạt 5.996 tỷ đồng, chủ yếu là giảm bên HNX. HoSE tăng giao dịch 2% đạt 5.253 tỷ đồng, mức tăng tuyệt đối khoảng 110 tỷ đồng thì VN30 tăng giao dịch 38% tương đương số tuyệt đối 495 tỷ đồng. Như vậy giao dịch có tín hiệu tụt nhẹ ở các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Dù vậy mức giảm thanh khoản là không đáng kể, dòng tiền vẫn đang vận động khá tốt. Khối ngoại giải ngân trên HoSE giảm 21% so với sáng hôm qua chỉ còn 256,6 tỷ đồng. Mức bán ròng không đáng kể 36,8 tỷ. Cổ phiếu bị bán nhiều nhất là CTG -16,7 tỷ. Phía mua lớn nhất là HPG +14,8 tỷ.