13:55 18/12/2019

Sẽ có biện pháp cứng rắn hơn để Facebook tuân thủ pháp luật Việt Nam

Thủy Diệu

Facebook gần đây rất ít hợp tác trong ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật

Facebook tiếp tục lấy lý do "không vi phạm các quy định, tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook" để từ chối gỡ bỏ các thông tin xấu độc, phản động.
Facebook tiếp tục lấy lý do "không vi phạm các quy định, tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook" để từ chối gỡ bỏ các thông tin xấu độc, phản động.

Facebook gần đây rất ít hợp tác trong ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật, ngay cả khi những bài viết rõ ràng nói xấu, xuyên tạc về các lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhưng Facebook vẫn cố tình không gỡ bỏ.

Nội dung đáng chú ý trên được Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin tại dự thảo báo cáo tổng kết công tác năm 2019 của Cục.

Theo báo cáo của Cục, năm 2019, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google, buộc hai nền tảng này phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu độc, tài khoản giả mạo trên nền tảng Facebook và Youtube.

Cụ thể, yêu cầu Facebook cấp xác thực (blue tick) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Nhà nước, cơ quan báo chí; không chạy quảng cáo chính trị cho các tài khoản, fanpage của các cá nhân, tổ chức phản động, khủng bố chuyên phát tản tin giả theo yêu cầu của Bộ; tăng tỷ lệ đáp ứng thực hiện các yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm từ cơ quan quản lý.

Yêu cầu Google ngăn chặn các kênh Youtube, các video clip vi phạm pháp luật, phối hợp cùng Bộ quản lý chặt chẽ các kênh Youtube có tính năng kiếm tiền về nội dung đăng tải, quảng cáo và việc đóng thuế.

Facebook gần đây rất ít gỡ bỏ thông tin phản động

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong năm 2019, mạng xã hội Facebook đã gỡ bỏ 207 tài khoản (trong đó có tài khoản giả mạo các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước 46 tài khoản), còn lại tài khoản tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu độc, kích động chống phá Nhà nước Việt Nam; gỡ bỏ 2444 link rao bán sản phẩm bất hợp pháp; 271 link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ đối với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; gỡ bỏ 330 fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng.

Trong khi đối với Google, trên Youtube đã ngăn chặn và gỡ bỏ 9.501 video vi phạm. Đặc biệt, thực hiện yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Google hiện đã ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 19/62 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam, chứa khoảng 5.000 video clip. Các kênh còn lại Youtube đang tiếp tục xem xét, ngăn chặn.

Trên Google Play, Google đã gỡ 108/111 game trong đó có 104 game bài và 1 game có tên "Lấy lại quê hương" có nội dung phản động, chống phá Nhà nước Việt Nam và các game không phép.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Facebook gần đây rất ít hợp tác trong ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật, ngay cả khi những bài viết rõ ràng nói xấu, xuyên tạc về các lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhưng Facebook vẫn cố tình không gỡ bỏ. Facebook tiếp tục lấy lý do "không vi phạm các quy định, tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook".

"Việc này cho thấy Facebook đặt tiêu chuẩn cộng đồng của họ cao hơn pháp luật Việt Nam", báo cáo của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh.

Đối với Google, theo đánh giá của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Google tiếp tục thể hiện thiện chí hợp tác với Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Cục, việc hợp tác với Google vẫn đang dừng ở mức thụ động, họ chỉ thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các video clip xấu độc khi có yêu cầu của Bộ, chưa có phương án chủ động ngăn chặn việc đăng tải những thông tin xuyên tạc, chống phá Nhà nước trên Youtube, thậm chí, Google còn để người dùng tái đăng những clip vi phạm đã bị gỡ bỏ. Những vi phạm của Facebook và Google cần được xử lý nghiêm khắc hơn.

Sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn hơn

Về giải pháp xử lý tin giả (fake news, thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng xuyên biên giới), Cục Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn. Cụ thể là chặn dòng tiền thanh toán (chủ động ngăn chặn kênh thanh toán từ trong nước cho các hoạt động vi phạm pháp luật của Facebook, Google thông qua hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam).

Tiếp đến là biện pháp kỹ thuật. Theo đó loại bỏ hệ thống máy chủ trung gian của Faceook tại các doanh nghiệp viễn thông ưu tiên áp dụng trước với Facebook do thiện chí hợp tác kém.

Cục cũng dẫn kinh nghiệm quản lý mạng xã hội từ một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga. Theo đó, như tại Hàn Quốc, chỉ những người được định danh (xác thực ID trực tuyến với mã số cá nhân được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu quốc gia) mới đăng tải và nhận xét trên các trang thông tin điện tử;

Tại Trung Quốc, quốc gia này cũng yêu cầu những người dùng phải cung cấp tên thật và phải đồng ý với thỏa thuận "tuân thủ luật pháp và các quy định, hệ thống xã hội, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trật tự công cộng, đạo đức xã hội và đảm bảo tính xác thực với thông tin họ cung cấp"; các mạng xã hội, trang tin chỉ cho phép các thành viên đã được xác thực danh tính mới được đăng bài và đăng nhận xét.

Hay tại Nga, quản ý thông tin không phân biệt website trong nước hay ngoài nước, nếu phát hiện thông tin vi phạm, cơ quan quản lý yêu cầu website gỡ bỏ thông tin này trong vòng 3 ngày, không kể doanh nghiệp trong hay ngoài nước. Nếu chủ website không gỡ bỏ thì sẽ bị chặn trên toàn lãnh thổ. Các công ty lớn như Facebook, Google, Twitter cũng cấp quyền cho Roskomnadzor tự đóng các nội dung vi phạm.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, thời gian tới, các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ hoàn chỉnh hành lang pháp lý để tăng cường quản lý các nền tảng này, bảo vệ người dùng trong nước khỏi các thông tin xấu độc và tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cạnh tranh.