08:19 23/04/2022

Sẽ có chính sách mới hút nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông đường bộ trong dự án Luật Đường bộ

Anh Tú

Dự án Luật Đường bộ đang được Bộ Giao thông vận tải đề xuất xây dựng có bổ sung các quy định, chính sách thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, làm rõ thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng...

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời gian tới vô cùng lớn.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời gian tới vô cùng lớn.

Sau 12 năm thi hành Luật Giao thông Đường bộ 2008 và tham khảo kinh nghiệm của quốc tế về các chính sách quản lý đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đang đánh giá tác động 3 chính sách gồm: (1) chính sách hoàn thiện khung pháp lý về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; (2) chính sách hoàn thiện khung pháp lý quản lý về phương tiện giao thông đường bộ; (3) chính sách hoàn thiện khung pháp lý quản lý vận tải đường bộ để có những bổ sung, sửa đổi phù hợp.

HAI PHƯƠNG ÁN ĐƯỢC ĐỀ XUẤT

Bộ Giao thông vận tải cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định mạng lưới đường bộ Việt Nam được chia làm 6 hệ thống bao gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng. Tuy nhiên, trong các hệ thống đó chưa đề cập đến đường giao thông nông thôn.

Bên cạnh đó, các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang ngày một phát triển và có xu thế thay thế cho các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong gây hiệu ứng về môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng giao thông chỉ mới đáp ứng cho nhu cầu vận hành của các phương tiện giao thông thông thường, chưa đảm bảo được nhu cầu cũng như thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

 

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho đường bộ giai đoạn 2018 - 2023 khoảng 651.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 61,94% trong tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, việc bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư chủ yếu bằng vốn ngân sách nhà nước trung ương và địa phương. Tổng nhu cầu vốn quản lý, bảo trì giai đoạn 2019 - 2030 là 296.007 tỷ đồng.

Ngoài ra, các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp thiết được xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng nhiều, sự khoan đào, cắt xẻ kết cấu hạ tầng giao thông gia tăng dẫn đến mặt của đường bộ trở nên gồ ghề, thiếu êm thuận, có nguy cơ gây mất an toàn giao thông diễn ra ngày càng nhiều trong các đô thị, thành phố lớn.

Những vấn đề trên nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến nhiều bất cập lớn.

Nhằm mục tiêu tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường bộ; xây dựng khung pháp lý, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung, đường cao tốc nói riêng nhằm xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phát triển hiện đại, kết nối đồng bộ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất 2 phương án hoàn thiện khung pháp lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Phương án 1, giữ nguyên các quy định về phân loại, điều chỉnh, đấu nối đường bộ và về đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông như quy định hiện hành.

Phương án 2, bổ sung thêm các quy định về phân loại hệ thống đường bộ. Phân định rõ thẩm quyền phân loại và điều chỉnh, kết nối giao thông đường bộ. Quy định về phân cấp, phân quyền đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ. Yêu cầu, xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, quy định nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để đảm bảo tính đặc thù cũng như quy định cơ chế đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung, đường cao tốc nói riêng.

DOANH NGHIỆP, NGƯỜI DÂN VÀ NHÀ NƯỚC ĐỀU HƯỞNG LỢI

Đề xuất lựa chọn phương án 2, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, phương án này sẽ có nhiều tác động tích cực.

Đối với nhà nước, đảm bảo sự kết nối liên thông về giao thông, kinh tế - xã hội từ nông thôn đến thành thị, giữa các miền trong cả nước. Có cơ chế để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn nói riêng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung, làm tăng hiệu quả và nguồn lực của xã hội trong việc phát triển kinh tế xã hội của hơn 193.155,6 tỷ đồng được đầu tư từ ngân sách nhà nước cho mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, đảm bảo tính đồng bộ giữa hệ thống kết cấu hạ tầng từ trung ương đến địa phương; đẩy mạnh thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về giao thông đường bộ...

Tạo sự minh bạch về trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến công tác quản lý, đầu tư, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ. 

Đồng thời, huy động được mọi nguồn lực xã hội cho việc đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, đường cao tốc nói riêng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải.

Đối với người dân, được vận hành phương tiện trên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có hạ tầng đáp ứng cho phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng điện; được thụ hưởng những giá trị dịch vụ chất lượng và có mức chi phí phù hợp từ hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh, hiện đại, êm thuận và nối dài, thông suốt mọi miền trên đất nước.

Đối với doanh nghiệp, được vận hành trên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, êm thuận, có hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng đáp ứng cho các phương tiện hiện đại, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo;  tiết kiệm chi phí về nhiên liệu, về thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, có nhiều cơ hội để đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như đầu tư, khai thác, vận hành đường bộ, đầu tư bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ đường bộ, hình thành nên những doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng lớn mạnh, có sức mạnh và kinh nghiệm để vươn ra đầu tư quốc tế trong lĩnh vực này.

"Chính sách này sẽ tạo động lực cho sự thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng, bảo vệ và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, làm rõ thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ", Bộ Giao thông vận tải kỳ vọng.