13:19 23/11/2023

Sẽ giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí tiệm cận tuổi nghỉ hưu

Nhật Dương

Trước mắt, Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 xuống 75 tuổi, sau đó sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói tại phiên thảo luật dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), sáng 23/11...

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh sẽ tiếp tục có lộ trình giảm tuổi hưởng trọ cấp hưu trí. Ảnh - Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh sẽ tiếp tục có lộ trình giảm tuổi hưởng trọ cấp hưu trí. Ảnh - Quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh nội dung này khi giải trình thêm vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm về trợ cấp hưu trí xã hội, tại phiên thảo luận sáng 23/11.

CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ MỨC TRỢ CẤP HƯU TRÍ XÃ HỘI

Quan tâm tới quy định về trợ cấp hưu trí xã hội tại dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cho biết khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi quy định người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. 

Dự thảo Luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác, sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. 

Đại biểu Nguyễn Danh Tú, đoàn Kiên Giang. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú, đoàn Kiên Giang. Ảnh - Quochoi.vn.

Đại biểu nhận thấy đây là một quy định hết sức nhân văn, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri. Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, nhất là người cao tuổi rất phấn khởi với quy định trên. 

Đồng tình với quy định này, song đại biểu Ma Thị Thúy, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, băn khoăn về việc đưa đối tượng người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Lý giải quan điểm trên, đại biểu cho biết trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, nếu không thực hiện và đưa sang Luật Bảo hiểm xã hội thì Luật Người cao tuổi, và Nghị định 20 quy định về chính sách xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội vẫn đang được thực hiện, và người cao tuổi vẫn hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định.

Theo đại biểu Thúy, chính sách về bảo hiểm xã hội thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, trong khi trợ cấp cho nhóm đối tượng này hoàn toàn do ngân sách nhà nước chi trả.

“Liệu quy định vào dự thảo Luật có phù hợp hay không? Mặc khác, về tên gọi “trợ cấp hưu trí xã hội”, cho nhóm đối tượng không phải hưu trí từ công chức, viên chức, người lao động, và chưa từng tham gia đóng bảo hiểm xã hội có phù hợp khi được quy định trong trường hợp này hay không”, đại biểu Thúy lo ngại.

Đại biểu Ma Thị Thúy, đoàn Tuyên Quang. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Ma Thị Thúy, đoàn Tuyên Quang. Ảnh - Quochoi.vn.

Cũng góp ý vào quy định giảm độ tuổi từ  80 xuống 75 thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nói đây là vấn đề rất cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn về kỹ thuật thì nên đưa vào Luật này hay chỉnh sửa trong Luật Người cao tuổi để cần tiếp tục cân nhắc, đảm bảo tính phù hợp và đồng bộ.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật có quy định mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Đại biểu đề nghị cần nên quy định cụ thể mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng so với mức lương tối thiểu. Hiện dự thảo Luật quy định tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội, và khả năng cân đối ngân sách, kết hợp nguồn lực huy động nguồn lực xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn Thái Bình. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn Thái Bình. Ảnh - Quochoi.vn.

Với quy định này, đại biểu Thu cho rằng chưa đảm bảo được nguyên tắc thống nhất, bình đẳng chung trong cả nước. Do đó, đề nghị cân nhắc xem xét quy định này và nên có chính sách chung.

TIẾP TỤC GIẢM DẦN TUỔI HƯỞNG TRỢ CẤP HƯU TRÍ

Phát biểu tranh luận về nội dung trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng việc quy định mức tiền cụ thể trong quy định liên quan đến trợ cấp hưu trí xã hội này là không nên, vì sẽ có trượt giá và các vấn đề liên quan đến lương hưu ở các thời điểm khác nhau.

“Chúng ta mong muốn luật được xây dựng sẽ có thể áp dụng được trong thời gian dài, nên cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần cân nhắc xem xét, sửa đổi theo hướng quy định ở mức lương cơ sở và tính trượt giá, các nội dung cụ thể thì giao Chính phủ quy định để đảm bảo phù hợp, có mức tương đồng theo hướng tốt hơn so với Luật Người cao tuổi”, đại biểu Phúc nêu ý kiến.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh - Quochoi.vn.

Đại biểu cho biết, theo quy định của Luật Người cao tuổi hiện nay, mức hưởng của các đối tượng này tương đối thấp, với nguyên tắc của bảo hiểm xã hội, chúng ta hướng đến việc đóng – hưởng, bao phủ, bảo đảm chính sách an sinh xã hội cho tất cả các đối tượng theo hướng bảo đảm quyền, lợi ích, nghĩa vụ của các bên.  Vì thế, đại biểu cho rằng nên nâng cao mức thụ hưởng của người cao tuổi.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, nhấn mạnh, các quy định về trợ cấp hưu trí xã hội là rất cần thiết.

Ông Cừ cho biết theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay có 16,1 triệu người cao tuổi, nhưng chỉ có 5,1 triệu người cao tuổi có lương hưu và trợ cấp, còn lại 11 triệu người không có khoản thu nhập về lương hưu, trợ cấp sau 60 tuổi.

Về ý kiến băn khoăn khi quy định về trợ cấp, hưu trí xã hội thì có mâu thuẫn với Luật Người cao tuổi hay không, ông Cừ cho rằng, Luật Người cao tuổi được ban hành năm 2009, lúc đó chúng ta có 7 triệu người cao tuổi, GDP bình quân đầu người là 1.200 USD/người. Đến nay, số người cao tuổi đã tăng hơn gấp đôi, GDP cũng đã tăng cao, vì vậy không nên chỉ dừng lại ở mức độ 80 tuổi mới được trợ cấp xã hội. 

“Nhiều cử tri cao tuổi đề nghị Quốc hội giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi. Việc đưa vào dự thảo luật lần này là một đột phá trong chính sách an sinh xã hội, thể hiện tính ưu việt của Đảng, nêu cao mục tiêu vì con người, để người cao tuổi sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc”, ông Cừ nhấn mạnh.

Đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn TP. Hà Nội. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn TP. Hà Nội. Ảnh: Quochoi.vn.

Làm rõ hơn về trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh đây là vấn đề mà Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW.

Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo cho người lao động ở các độ tuổi là cao tuổi, và không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội hàng tháng. Đồng thời, có chính sách huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho các đối tượng này có mức lương hưu cao hơn.

“Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội trước mắt, Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 xuống 75, và với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước”, Bộ trưởng Dung nói và cho hay, điều chỉnh thời điểm nào, mức nào thì sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng thời, để linh hoạt quy định mức hỗ trợ kinh phí cho trợ cấp hưu trí xã hội, cũng như các chính sách hỗ trợ khác (thai sản, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em…), sẽ giao cho Chính phủ quy định.

“Tức là tất cả các mức quy định bằng tiền sẽ giao Chính phủ quy định. Như vậy, sẽ phù hợp, linh hoạt hơn. Còn mức cụ thể, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội trước khi xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Dung nói thêm.