Sẽ nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt 150 tỷ USD vào năm 2030
Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc và Việt Nam đang trở thành đối tác rất quan trọng của nhau. Doanh nghiệp Hàn Quốc đang đến Việt Nam với tư cách của bạn bè đặc biệt tin tưởng lẫn nhau...
Chiều ngày 25/3 tại TP Sầm Sơn, Thanh Hóa, Hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc 2022 chính thức khai mạc. Đây là hoạt động chính, nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Thanh Hóa và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
KHÔNG CHỈ LÀ ĐỐI TÁC, DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC ĐẾN VIỆT NAM THEO TƯ CÁCH BẠN BÈ
Tại Hội nghị, đại biểu các bộ ngành, địa phương Việt Nam cùng các đối tác, doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung thảo luận các định hướng và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc phát triển sâu rộng và thực chất trong các lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho biết, Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 9.223 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 78, 6 tỷ USD lũy kế tới hết tháng 12/2021.
Việt Nam chuyển từ chỉ đơn thuần “thu hút” vốn FDI, sang “hợp tác” với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng và cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, Việt Nam có sự chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án đáp ứng ba điều kiện. Một là, dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển. Hai là, có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị. Ba là, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hợp tác giữa hai nước thời gian qua đã đạt nhiều thành quả thiết thực trên các lĩnh vực, trong đó, hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng, là điểm sáng trong hợp tác hai nước.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cũng bày tỏ sự tin tưởng, hai quốc gia sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.
Các địa phương Việt Nam tham dự Hội nghị hôm nay đều là những tỉnh, thành có vị trí chiến lược và tiềm năng lớn để phát triển. Mỗi địa phương đều có các chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế đối ngoại, khuyến khích đầu tư, giao thương với các đối tác nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc.
Về phía "chủ nhà", ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa chia sẻ, Thanh Hóa hiện có 37 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,6 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh; trong đó lớn nhất là Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn II liên doanh với Nhật Bản, vốn đầu tư của nhà đầu tư Hàn Quốc lên tới 1,39 tỷ USD.
Có thể khẳng định rằng, các dự án do các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào Thanh Hóa trong những năm qua đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu cho ngân sách địa phương, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn Thanh Hóa đạt 428 triệu USD, chiếm 10,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; đến nay, Thanh Hóa đã có hơn 6.000 người đang lao động tại Hàn Quốc.
Theo ông Đỗ Trọng Hưng, thời gian tới Thanh Hóa sẽ hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Hàn Quốc đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh; trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực trụ cột, như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp bán dẫn; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế chất lượng cao; phát triển hạ tầng, đô thị và nguồn lao động.
Phát biểu tại sự kiện, ông Park Noh Wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam sự chia sẻ với những khó khăn mà Việt Nam đã gặp phải trong suốt hơn hai năm đại dịch, tuy nhiên theo đánh giá của ông Park Noh Wan, Việt Nam đã khéo léo khắc phục đại dịch, cùng lúc đạt được hai mục tiêu “phòng chống dịch” và “phát triển kinh tế”, qua đó một lần nữa chứng minh với toàn thế giới rằng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
"Giờ đây, Hàn Quốc và Việt Nam đã tái xây dựng hệ thống đi lại, giúp nhân dân hai nước có thể đi lại tự do thông qua việc khôi phục đường bay. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng việc đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Hàn Quốc vốn chững lại trong thời gian qua sẽ nhanh chóng được nối lại, giao lưu nhân dân và giao lưu vật chất giữa hai nước sẽ phát triển vượt bậc." Ông Park Noh Wan bày tỏ.
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN CẦN SỚM KHẮC PHỤC ĐỂ NÂNG TẦM QUAN ĐỐI TÁC VIỆT - HÀN
Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), mặc dù hai nước Việt Nam - Hàn Quốc thời gian qua có được những thành quả lớn trong việc hợp tác kinh tế, nhưng vẫn phải nhìn nhận, vẫn có những khó khăn, bất cập cần sớm được tháo gỡ.
Thứ nhất, khả năng liên kết giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp trong nước chưa đạt như kỳ vọng, doanh nghiệp trong nước khó khăn trong việc tiếp cận và cung ứng sản phẩm, năng lực và sức cạnh tranh chưa cao, chưa tham gia được nhiều vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt ngành công nghiệp phụ trợ.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp cũng là một trong những rào cản đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Thứ ba, Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực đã qua đào tạo, lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.
Thứ tư, trong 2 năm vừa qua, do tác động của dịch Covid -19, cũng như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong việc trong duy trì chuỗi cung ứng, vận chuyển và lưu thông hàng hóa, nhập cảnh cho các chuyên gia; tiêm vaccine; các chính sách ưu đãi về thuế, phí..
Để khắc phục những khó khăn, sớm nâng tầm quan hệ Việt - Hàn, ông Chung đưa ra một số đề xuất doanh nghiệp hai nước cần đẩy mạnh, thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số; năng lượng sạch, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao; các khu công nghiệp xanh.
Bên cạnh đó, hai nước cũng cần phối hợp đẩy mạnh liên kết kinh tế trong khu vực, phát huy hiệu quả của Hiệp định VKFTA, đưa Hiệp định RCEP đi vào triển khai hiệu quả.