SGI Capital: Định giá VN-Index hấp dẫn, vốn dài hạn sẽ đổ vào mỗi khi thị trường rớt mạnh như hôm nay
Điểm lạc quan là định giá của thị trường Việt Nam đang ở vùng thấp, trong khi đó, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp niêm yết không bị tác động quá tiêu cực bởi ngoại cảnh sẽ giúp dòng vốn dài hạn gia tăng mỗi khi thị trường có sự sụt giảm từ mức hiện nay...
Thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 8 đã có sự điều chỉnhn tương đối, Mỹ S&P 500 giảm 4,24%, Châu Âu Stoxx 50 giảm 5,15%, Trung Quốc giảm 1,57%.
BÀI THỬ LỚN CHO CHỨNG KHOÁN QUỐC TẾ
Theo đánh giá của SGI Capital, sự điều chỉnh đồng pha của các thị trường chứng khoán lớn trên toàn cầu trong tháng 8 đang phản ánh hai yếu tố vĩ mô.
Thứ nhất, trong kỳ họp tại Jackson Hole, Chủ tịch FED tiếp tục bày tỏ cam kết kiềm chế lạm phát cho dù điều này có thể tác động tiêu cực ngắn hạn cho nền kinh tế. Lợi ích đạt được trong dài hạn về ổn định giá cả và củng cố uy tín của FED là ưu tiên quan trọng hơn.
Kết quả là các nhà đầu tư chuyển kỳ vọng từ FED sớm dừng tăng và thậm chí sẽ hạ lãi suất trong nửa đầu 2023 sang kỳ vọng FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất tới mặt bằng 3,25-3,5% và duy trì.
Thứ hai, rủi ro suy thoái của Châu Âu cùng với những yếu kém của kinh tế Nhật Bản, Trung Quốc trong khi FED quyết liệt thắt chặt chính sách đã khiến USD Index vượt đỉnh 20 năm. Đây tiếp tục là áp lực lớn cho các dòng vốn đầu tư vào tài sản rủi ro khắp toàn cầu. Áp lực này sẽ giảm dần khi xu hướng lạm phát giảm trở nên rõ nét và chắc chắn khiến Ngân hàng TW đặc biệt là FED cân nhắc dừng tăng lãi suất. SGI cho rằng điều này có thể xảy ra trong ba đến sáu tháng tới.
Giai đoạn này, SGI Capital đang quan sát kỹ tác động từ việc gia tăng hút tiền của FED, cũng như tác động của lãi suất tăng lên kinh tế thực như việc mở rộng sản xuất chậm lại, tiêu dùng giảm, biên lợi nhuận của doanh nghiệp co lại, và thất nghiệp bắt đầu tăng.
Đây là giai đoạn xảy ra đồng thời cả hai tác động tiêu cực là: thắt chặt dòng tiền vào tài sản rủi ro và triển vọng tăng trưởng của doanh nghệp điều chỉnh giảm gây áp lực lên định giá và giá cổ phiếu.
Dữ liệu lịch sử của các gói QE và QT đã cho thấy tác động cùng chiều của tăng/giảm bảng cân đối của FED đến dòng tiền chảy vào ba thị trường lớn là tín dụng, trái phiếu và chứng khoán. Đây sẽ là bài thử thách lớn nhất cho thị trường chứng khoán toàn cầu trong những tháng còn lại của năm 2022. Sự sụt giảm, nếu xảy ra trong giai đoạn này, có thể là nhịp giảm đồng pha cuối cùng trước khi tạo phân hoá theo sức mạnh vĩ mô của từng quốc gia.
KỲ VỌNG DÒNG VỐN DÀI HẠN GIA TĂNG
Đối với thị trường Việt Nam, theo SGI Capital, kinh tế Việt Nam vẫn đang phục hồi dựa trên yếu tố nội tại khi sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, xuất nhập khẩu và cân đối ngân sách vẫn duy trì tích cực. Quý 3 sẽ có mức tăng trưởng rất mạnh khi so sánh với nền thấp của năm 2021.
Tuy nhiên, quỹ này đang quan sát các tác động tiêu cực từ bên ngoài như tỷ giá và nhu cầu suy giảm lên nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước. Một số ngành xuất khẩu dựa nhiều vào nhu cầu thế giới do năng lực sản xuất trong nước lớn đã có suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu như dệt may, đồ gỗ, và thuỷ sản, và thép…
Mặc dù vậy, nhìn tổng thể, Việt Nam cùng với một số nước ASEAN và Ấn Độ đang được đánh giá là những khu vực vững vàng và tiềm năng nhất trong bức tranh tăng trưởng toàn cầu. Đây cũng là các nước có thị trường chứng khoán tích cực nhất trong tháng 8.
Về chính sách tiền tệ 4 tháng cuối năm, SGI Capital tiếp tục giữ quan điểm SBV sẽ thận trọng trong điều hành tín dụng và lãi suất với trọng tâm ổn định tỷ giá và lạm phát, bởi mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt và vượt kế hoạch.
Trong hai tháng vừa qua, SBV vẫn tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất và can thiệp trực tiếp nhằm điều hành tỷ giá linh hoạt, không tạo kỳ vọng cho giới đầu cơ. Áp lực tiếp theo là việc giảm bảng cân đối với tốc độ 95 tỷ USD/tháng của FED có thể khiến dòng vốn FII đảo chiều tiêu cực hơn.
Mặc dù vậy, SGI cho rằng giai đoạn áp lực tỷ giá và lãi suất căng thẳng và bất ngờ nhất có thể đang dần đi qua. SBV sẽ có thêm dư địa điều hành từ cuối quý 4 khi tốc độ thắt chặt tiền tệ chậm lại trên toàn cầu.
Thời điểm tháng 09 và 10/2022 có thể là bài thử mạnh với thị trường chứng khoán Việt Nam khi đối mặt với rủi ro đến từ thị trường tài chính toàn cầu khi FED tăng gấp 2 quy mô hút tiền, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh việc nới room sẽ được thực hiện thận trọng, lãi suất tiếp tục tăng, và áp lực chốt lời của nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh.
Điểm lạc quan là định giá của thị trường Việt Nam đang ở vùng thấp, thường chỉ có trong các giai đoạn thị trường chiết khấu cho những rủi ro lớn. Trong khi đó, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp niêm yết không bị tác động quá tiêu cực bởi ngoại cảnh sẽ giúp dòng vốn dài hạn gia tăng mỗi khi thị trường có sự sụt giảm từ mức hiện nay.
"Sự suy giảm của thanh khoản và tiền đầu cơ trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ như hiện nay sẽ dần mở ra cơ hội chọn cổ phiếu tốt với giá rẻ cho một chu kỳ đầu tư mới", SGI nhấn mạnh.