SHB tăng kịch trần, tiền trở lại cổ phiếu ngân hàng?
Tổng giá trị khớp lệnh của HoSE hôm nay tăng 13,3% so với hôm qua, thì gần như toàn bộ mức tăng giá trị tuyệt đối là đến từ giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng trên sàn này. Tới 13 cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh hơn 1%, trong bối cảnh VN-Index sụt giảm...
Tổng giá trị khớp lệnh của HoSE hôm nay tăng 13,3% so với hôm qua, thì gần như toàn bộ mức tăng giá trị tuyệt đối là đến từ giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng trên sàn này. Tới 13 cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh hơn 1%, trong bối cảnh VN-Index sụt giảm.
Thị phần của 17 cổ phiếu ngân hàng trên HoSE phiên này chiếm 21,8% tổng giá trị khớp cả sàn. Đây là tỷ trọng khá cao, dù về con số tuyệt đối, nhóm ngân hàng còn xa mới lấy lại được thời hoàng kim hồi đầu năm với trung bình 7-8 ngàn tỷ mỗi ngày.
Tuy vậy nhóm ngân hàng tăng giao dịch cũng tạo hiệu ứng tốt làm gia tăng thanh khoản chung của thị trường. Cụ thể, sàn HoSE so với hôm qua tăng tuyệt đối 1.236,4 tỷ đồng, thì 17 mã ngân hàng tăng 1.037,2 tỷ đồng, tương đương 84%.
Giao dịch lớn nhất thuộc về SHB và cũng là cổ phiếu duy nhất của nhóm đóng cửa ở giá kịch trần. Thực ra ngay từ cuối phiên sáng cổ phiếu này đã lên giá cao nhất, phiên chiều chỉ là thể hiện khả năng trụ giá. Thêm hơn 10 triệu cổ phiếu được xả trong buổi chiều tại SHB nhưng cuối cùng giá vẫn chốt mức trần và dư mua hơn 5,7 triệu cổ. Tính chung cả ngày SHB thanh khoản gần 36,1 triệu cổ tương đương 521,2 tỷ đồng giá trị, mức giao dịch sôi động nhất 8 tháng.
Tuy nhiên thanh khoản chung gia tăng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không chỉ nhờ vào SHB. Hàng loạt mã như MBB, VCB, VPB, LPB, BID... cũng tăng giao dịch. Vẫn có 6/27 cổ phiếu ngân hàng trên các sàn giảm giá. Phía ngược lại có 14 mã đóng cửa tăng trên 1%, số tăng trên 2% có STB, KLB, MSB, CTG, LPB, OCB.
Điều còn thiếu của nhóm ngân hàng hôm nay là các trụ lớn nhất lại không tăng nhiều. VCB giảm 0,14%, BID giảm 0,96% là các cổ phiếu vốn hóa rất lớn. Ngoài ra GAS giảm 2,73%, VNM giảm 1,09% cũng góp phần khiến cho VN-Index “gục” xuống dưới tham chiếu ở đợt ATC. Thời điểm kết thúc đợt khớp lệnh liên tục chỉ số này vẫn đang tăng 1,65 điểm, đóng cửa thành -0,9 điểm.
Ngoài chỉ số, giao dịch cổ phiếu vẫn đang trong trạng thái phân hóa bình thường. Độ rộng của VN-Index cuối ngày là 249 mã tăng/197 mã giảm. Blue-chips VN30 yếu đi nhiều nhất, chỉ còn 9 mã tăng/16 mã giảm, kém hơn phiên sáng. Thống kê cho thấy rổ này có 19 mã tụt giá so với thời điểm cuối phiên sáng, 10 mã tăng cao hơn. Hầu hết các mã biến động không nhiều, riêng MWG có một nhịp hồi khá tốt. Cuối phiên sáng MWG giảm tới 3,26%, kết phiên chỉ còn giảm 1,24%, tức là riêng chiều nay đã tăng hơn 2%.
Giao dịch vẫn tiếp tục tốt nhất ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, HoSE có 12 mã đóng cửa ở giá kịch trần thì 7 mã thuộc rổ smallcap. Ngoài SHB, có HNG, CKG, MHC, VDS, VPG, VOS, HHV tăng hết biên độ. Tuy vậy cũng chỉ vào mã đạt thanh khoản cao (6 mã giao dịch trên 10 tỷ đồng giá trị).
Mặt tích cực là ở nhóm không kịch trần, rất nhiều cổ phiếu thu hút thanh khoản mạnh mẽ và tăng giá rất tốt. Thống kê trong nhóm cổ phiếu tăng vượt 2% có hàng chục mã khớp lệnh từ 20 tỷ đồng trở lên. HAG, DBC, GMC, BVH, LPB giao dịch cả trăm tỷ đồng thanh khoản.
Hiện tượng phân hóa vẫn đang khiến cổ phiếu mạnh đi đường riêng so với chỉ số. VN-Index hôm nay lại bị một số mã lớn làm mất điểm và duy trì dao động rất hẹp kể cả khi tín hiệu kiểm định đáy đã khá rõ. Dù vậy thanh khoản nổi bật ở nhóm ngân hàng, chứng khoán vẫn là đáng chú ý: Trong 10 cổ phiếu giao dịch lớn nhất toàn thị trường, thì có 4 mã ngân hàng là SHB, STB, VPB và MBB, cộng với 2 mã chứng khoán là SSI và VND.
Khối ngoại buổi chiều tăng bán khá nhiều ở cổ phiếu. Cụ thể, chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng 226,3 tỷ đồng vẫn là giao dịch từ sáng. Tuy nhiên VCB, SSI, HPG đều bị xả tăng cường và vọt lên trên 50 tỷ đồng ròng. VIC, DXG, DGC, VHM, DPM bị bán ròng trong tầm 30-40 tỷ ròng. Tổng giá trị bán ở HoSE tăng lên 1.112,4 tỷ đồng (phiên sáng đã bán 686,1 tỷ). Mức bán ròng tăng lên tương ứng 559,1 tỷ đồng.