Cổ phiếu dầu khí lao dốc, ngân hàng, chứng khoán hút tiền mạnh
Giá dầu giảm mạnh đêm qua kết hợp với lo lắng số liệu lạm phát tháng 6 sắp công bố khiến chứng khoán Mỹ lao dốc đã ảnh hưởng nhất định đến phiên giao dịch sáng nay. Tuy nhiên quan sát kỹ thì VN-Index trồi sụt vẫn chỉ do ảnh hưởng của các cổ phiếu lớn, còn độ rộng duy trì tích cực và dòng tiền tìm kiếm cơ hội riêng lẻ...
Giá dầu giảm mạnh đêm qua kết hợp với lo lắng số liệu lạm phát tháng 6 sắp công bố khiến chứng khoán Mỹ lao dốc đã ảnh hưởng nhất định đến phiên giao dịch sáng nay. Tuy nhiên quan sát kỹ thì VN-Index trồi sụt vẫn chỉ do ảnh hưởng của các cổ phiếu lớn, còn độ rộng duy trì tích cực và dòng tiền tìm kiếm cơ hội riêng lẻ.
Cổ phiếu dầu khí kéo tụt điểm số không phải là điều bất ngờ. Giá dầu Brent lẫn WTI lần đầu tiên trong vòng 3 tháng lại tụt xuống dưới mức 100 USD/thùng đêm qua. Hầu hết các cổ phiếu dầu khí sáng nay giảm ngay khi mở cửa, dẫn đầu là GAS rơi 3,23%, BSR giảm 3,03%, PVS giảm 2,07%, PVC giảm 2,41%, PLX giảm 1,36%.
Ảnh hưởng lớn nhất dĩ nhiên chỉ có GAS, khiến VN-Index mất gần 1,5 điểm. Rổ blue-chips VN30 có 13 mã giảm giá thì ngoài GAS chỉ thêm MWG giảm 3,26%, PNJ giảm 1,88% và PLX là đáng kể, rớt hơn 1%. Các trụ còn lại đang đỏ là VIC giảm 0,72%, VHM giảm 0,5%, VCB giảm 0,42%.
Thực ra các cổ phiếu tuy còn đỏ, nhưng phục hồi khá rõ nét. Ví dụ GAS giảm sâu nhất tới 3,63%, MWG giảm 3,88%, PLX giảm 1,6%, VHM giảm 1,99%, VIC giảm 2,29%... VN30-Index tạo đáy lúc 10h24, giảm 0,49% so với tham chiếu và kết phiên sáng đã thành tăng 0,12%.
Thời điểm tạo đáy, rổ VN30 chỉ còn 4 mã tăng nhưng tới 24 mã giảm. 10 mã sau đó đã phục hồi đủ mạnh để vượt qua tham chiếu. Chỉ tiếc là không nhiều mã trụ đủ lớn để kéo VN-Index tốt hơn. CTG đang dẫn đầu nhóm tăng với +3,7% đem lại chưa tới 1,2 điểm cho chỉ số này. GVR tăng 2,9%, HPG tăng 1,35% là những mã vốn hóa tốt nhất còn lại. Số tăng khá như STB, BVH, MBB, TPB thì ảnh hưởng khá hạn chế.
Dù chỉ số đánh võng liên tục quanh tham chiếu, nhưng thị trường vẫn giao dịch khá tốt nhờ độ rộng duy trì ổn định phía tăng. VN-Index cũng tạo đáy cùng lúc với VN30-Index, giảm 0,33% so với tham chiếu, nhưng lúc đó vẫn có 207 mã tăng/179 mã giảm. Đến cuối phiên độ rộng của VN-Index đã là 246 mã tăng/187 mã giảm.
Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay tăng gần 32% so với sáng hôm qua, đạt 6.974 tỷ đồng, trong đó HoSE tăng hơn 37%, đạt 6.306 tỷ đồng. Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, với SHB tăng kịch trần và thanh khoản cũng lớn nhất thị trường với 367,9 tỷ đồng. STB, VND, SSI, VPB, MBB, SHS là các mã khác nằm trong Top 10 giá trị khớp lệnh lớn nhất phiên.
Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán sáng nay cũng ghi nhận giao dịch khá tích cực trong bối cảnh chỉ số lình xình. Dĩ nhiên VCB, ACB giảm là một thiệt thòi cho chỉ số, nhưng 20/27 mã vẫn tăng, trong đó 12 mã tăng trên 2% là một mặt bằng giá khá cao. Nhóm chứng khoán cũng chỉ có 6 mã đỏ, còn lại 27 mã khác vẫn tăng, với 11 mã tăng trên 2%.
Dòng tiền đang phân hóa mạnh và chênh lệch thanh khoản giữa các nhóm cổ phiếu khá nhiều. Trên toàn thị trường có 15 cổ phiếu giao dịch vượt ngưỡng 100 tỷ đồng, nhưng chỉ có 3 mã giảm là DXG, MWG và PVS, một mã tham chiếu là SSI, còn lại đều tăng. Ngược lại nhóm thanh khoản từ 40 tỷ đến dưới 100 tỷ, hiện tượng phân hóa mạnh, thậm chí số giảm giá còn nhỉnh hơn. Như vậy dù tổng thể dòng tiền không mạnh nhưng thị trường vẫn đang có sự ưu tiên và dòng tiền bật lên ở các mã cũng giúp giá có sức mạnh.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay ghi nhận bán ròng lớn ở chứng chỉ quỹ FUEVFVND với gần 225 tỷ đồng. Tuy vậy nhiều cổ phiếu khác cũng bị bán ròng nhiều như VCB -37,4 tỷ ròng, SSI -35 tỷ, DGC -21,9 tỷ, HPG -34,2 tỷ, DXG -33,6 tỷ, DPM -28,6 tỷ, KBC -20 tỷ. Tổng giá trị bán của khối ngoại ở HoSE đạt 686,1 tỷ, mua vào chỉ có 203,7 tỷ, tương đương bán ròng 482,4 tỷ đồng.